Ngay từ 17 tuổi, cậu học trò tỉnh lẻ Phạm Quang Lễ đã có những suy nghĩ "vượt trước" khi định hướng con đường học tập của mình gắn liền với những trăn trở cho việc giải cứu dân mình thoát khỏi
thân phận nô lệ, mất nước.
[links()]
Ngay từ 17 tuổi, cậu học trò tỉnh lẻ Phạm Quang Lễ đã có những suy nghĩ “vượt trước” khi định hướng con đường học tập của mình gắn liền với những trăn trở cho việc giải cứu dân mình thoát khỏi
thân phận nô lệ, mất nước. Lòng yêu nước và tài năng ấy, đã có dịp tỏa sáng “vụt” trở thành nhân cách lớn, bậc đại trí thức khi có cơ may được gặp Bác Hồ.
Càng tìm hiểu về cuộc đời ông, chúng ta càng thêm kính phục khi phía sau những thành công lớn, luôn là đức độ khiêm nhường, sự tận tụy hết lòng vì công việc, theo một phương châm sống lớn nhất của đời mình là: “Trọn đời phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”.
Đồng chí Lê Hồng Anh- Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng- về dự lễ khánh thành Khu lưu niệm Trần Đại Nghĩa (tháng 8/2015). |
“Con người của hành động”
Ông Trần Thành Đức là người ngưỡng mộ Giáo sư, Viện sĩ (GS.VS) Trần Đại Nghĩa từ hồi còn đi học, rồi có điều kiện gắn bó, gần gũi khi được làm thư ký cho ông từ năm 1968- 1971. Ông Trần Thành Đức có rất nhiều câu chuyện, kỷ niệm về người thầy của mình. Theo ông, công lao lớn nhất của GS.VS Trần Đại Nghĩa không chỉ là chế tạo ra súng Bazooka, mà ông còn đào tạo ra đội ngũ cán bộ đầu tiên cho ngành quân giới nước ta, đặt nền móng cho ngành quân giới Việt Nam sau này. Nhưng phía sau những công lao, đóng góp lớn cho đất nước, ông Đức cho rằng “mình có nhiều may mắn khi có nhiều kỷ niệm và cũng từ đó học tập nhiều đức tính ở thầy mình”.
“Đối với tôi, bác Trần Đại Nghĩa là một “vĩ nhân huyền thoại” mà chúng tôi từng kính phục khi còn là học sinh phổ thông, nhưng khi được làm việc gần gũi thì lại thấy bác là một con người rất bình dị; nói rất ít chỉ có làm, làm và làm, khi bắt tay vào là làm tới cùng, chớ không phô trương. Chính vì vậy mà cái ý chí chế tạo vũ khí ấp ủ từ năm 17 tuổi cho đến khi gặp Bác Hồ mà không ai biết; trong đó có người bạn rất thân là Lê Viết Thường, học chung đại học 5 năm mà còn không biết gì về ý nghĩ này. Tôi nghĩ đây là con người hành động chớ không phải nói, suy nghĩ chín chắn và làm. Điều này ảnh hưởng tới tôi rất nhiều, cho nên tôi học tập bác ở điểm này. Ở tuổi 76, tôi vẫn âm thầm lặn lội sưu tầm và viết được rất nhiều sách”. Trong cuộc trao đổi thân tình, ông Đức chợt nhớ và chia sẻ một kỷ niệm mà ông cho rằng không thể nào quên giữa hai thầy trò là bỗng một chiều ở chiến khu, thầy hỏi tôi: “Chú cũng viết nhạc được nữa à?” Tôi thưa vâng, thầy lại bảo: “Thế chú hát thử bài Quân giới xem”. Nghe tôi hát xong, thầy có vẻ xúc động vì bài hát đã chạm vào tình cảm cách mạng của mình. Chợt thầy lại hỏi: “Thế tại sao kết thúc bài hát chú lại viết là “vì ngày mai non sông thân yêu xanh thắm trời trăng” vậy?” Tôi đáp: “Thưa thầy, vì em mơ sau này nước mình có thể chế tạo được Sam 2, Sam 3, để có thể bắn rơi được máy bay tầm cao của giặc”. Thầy bảo: “Chú cũng mơ mộng nhỉ!”, rồi hai thầy trò cùng cười thoải mái. Thật là một buổi chiều đáng nhớ, vì thầy thường chỉ bàn công việc, rất ít khi bày tỏ cảm xúc như vậy.
Tuổi trẻ phải biết Tổ quốc đang cần gì?
Tuổi trẻ Vĩnh Long không ngừng học tập và rèn luyện để phục vụ quê hương, đất nước. |
Ngồi bên cạnh nghe ông Trần Thành Đức kể về những kỷ niệm với GS.VS Trần Đại Nghĩa, Đại tá Trần Dũng Trí- con trai trưởng của GS.VS tỏ ra rất thích thú và xúc động. Nhắc về những kỷ niệm với người cha thân yêu, ông Trần Dũng Trí chia sẻ: “Bản thân tôi từ bé có rất nhiều kỷ niệm với cha mình. Tôi nhớ hình ảnh một người cha rất giản dị, gần gũi, thương con, thương cháu. Hình ảnh nổi bật nhất là cha luôn tỏ ra quan tâm, chu đáo với gia đình, nhưng không bao giờ để chuyện riêng tư ảnh hưởng đến việc công. Cha luôn dạy bảo các con khi lớn lên phải cố gắng mà học, học để phục vụ cho dân, cho nước; học phải xác định mục đích rõ ràng, học mà không có mục đích thì sẽ lan man và vô ích”. Khi lớn lên sau này được học tập và vào bộ đội, điều mà Đại tá Trần Dũng Trí nhớ mãi, đó là lời dặn vô cùng ý nghĩa của cha: “Trong học tập, công việc, khi mà gặp điều gì khó khăn, các con hãy nghĩ đến Tổ quốc, nghĩ đến Đảng, nghĩ đến nhân dân thì tự nhiên không còn gì là khó khăn cả”.
Lời dạy các con khi còn bé cho đến lớn, GS.VS Trần Đại Nghĩa đều rất nhất quán, đó là việc sống học tập, làm việc con người đều phải xác định rõ ràng mục đích. Mục đích mà ông muốn các con mình hướng đến, đó là mục đích duy nhất vì Tổ quốc, vì nhân dân. Và đó không phải là những lời dạy bằng lý thuyết suông, khi GS.VS từng nói với các con mình: “Như ba đây, suốt đời học tập, phấn đấu làm việc không phải vì hạnh phúc riêng tư cho gia đình, mà trước tiên là vì nhân dân mình, đất nước mình, hãy luôn luôn tâm niệm suốt đời phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. Lời dạy đối với những người con của mình, đã được rút ra từ gan ruột, đã được chứng tỏ bằng cả cuộc đời mình, cho nên nó rất chân thành và xúc động.
Tuổi trẻ Vĩnh Long học tập gì ở GS.VS Trần Đại Nghĩa? Ông Trần Thành Đức cho rằng: “Tuổi trẻ học ở GS.VS Trần Đại Nghĩa ở cái ý chí âm thầm học tập vì đất nước, phải biết đất nước đang cần gì? Ở tuổi 17, cậu học trò Phạm Quang Lễ đã biết được đất nước cần gì, để rồi âm thầm 11 năm học tập, để đến khi được gặp Bác Hồ và được ra sức cống hiến cho đất nước”.
Khi về thăm Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa, ông Trần Thành Đức xúc động chia sẻ: “Tôi thấy Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ là: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất cần thiết”, bằng việc xây dựng khu lưu niệm này, là một công trình văn hóa, một nơi để giáo dục thế hệ trẻ về quá khứ nhưng để nhân lên những cái mới, rồi đây đất nước ta sẽ có thêm nhiều “Trần Đại Nghĩa” nữa. Trong xây dựng đất nước, trong nền kinh tế tri thức đòi hỏi con em chúng ta, trong đó có con em tỉnh Vĩnh Long, làm thế nào để đưa đất nước ta lên thành đất nước giàu mạnh trong tương lai”. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin