"Rốn lũ" Bình Tân bảo vệ sản xuất

09:09, 14/09/2015

Vùng rốn lũ Bình Tân đang tất bật triển khai các biện pháp để chủ động, bảo vệ sản xuất và đời sống người dân.

[links()]

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bình Tân, trong các tháng 8,10,11 và tháng Chạp âl là đỉnh lũ ngập cao nhất trong năm, lại rơi vào cao điểm thu hoạch nhiều loại nông sản và thủy sản. Dự báo, sẽ có gần 1.900ha lúa Thu Đông, 2.500ha rau màu và hơn 1.600ha vườn cây ăn trái trồng rải rác kém an toàn.

Vùng rốn lũ Bình Tân đang tất bật triển khai các biện pháp để chủ động, bảo vệ sản xuất và đời sống người dân.

Khuyến cáo nông dân không nên trồng rau màu trong vùng kém an toàn mùa lũ.
Khuyến cáo nông dân không nên trồng rau màu trong vùng kém an toàn mùa lũ.

Lo lũ tràn bờ

Làm đập dã chiến chi phí thấp nhưng ngăn lũ tốt được Bình Tân áp dụng nhiều năm qua.
Làm đập dã chiến chi phí thấp nhưng ngăn lũ tốt được Bình Tân áp dụng nhiều năm qua.

Dự báo đỉnh lũ năm nay cao hơn đỉnh lũ cao nhất năm 2011 từ 10- 30cm. Trong khi Bình Tân nằm ven sông Hậu, nếu gặp bão đổ bộ ngay thời điểm lũ thượng nguồn đổ về, cùng lúc xuất hiện mưa to kéo dài, kết hợp với triều cường đang cao thì khả năng lũ sẽ ảnh hưởng trên diện rộng.

Theo đó, khu vực có nguy cơ ảnh hưởng cao ở vùng trồng khoai lang giống 300ha ở Thành Đông, Tân Thành; 700ha khoai lang thương phẩm ở Thành Lợi, Thành Đông, Tân Thành; khu vực trồng hành 400ha ở Tân Quới, Tân Bình, Tân Lược, Tân An Thạnh và 600ha trồng màu chuyên canh ven QL54. Nếu không gia cố, nâng cấp kịp thời thì sạt lở xảy ra, ảnh hưởng đến công tác xuống giống vụ Đông Xuân 2015- 2016.

Trên trà lúa Thu Đông, toàn huyện đã xuống giống trên 5.400ha, có gần 1.900ha thu hoạch từ 15- 30/8 âl được dự báo không an toàn. Trên rau màu vụ Đông Xuân 2015- 2016, nông dân sẽ xuống giống 2.500ha, tập trung thu hoạch rộ vào các tháng 10, 11 và tháng Chạp âl. Đây là thời điểm lũ ngập cao nhất trong năm, diện tích trồng lại manh mún thủy lợi không an toàn nên rất đáng lo ngại.

Trong khi đó, hơn 1.600ha vườn cây ăn trái ven sông Hậu và các kênh trục chính có đường đan được đầu tư trước đây cao trình thấp. Những năm trước, khi lũ tràn, người dân tự lực bơm tát chống úng là chủ yếu, năm nay nhiều khả năng tiếp tục chịu thiệt hại do hiện chưa đủ bờ bao, bờ vùng bảo vệ.

Các điểm nóng có khả năng ảnh hưởng thiên tai được xác định tại các vàm kinh, sông tạo nguồn nối liền ra sông Hậu. Khi có bão, nước dâng cao, sạt lở bờ bao gây thiệt hại cho hộ chăn nuôi thủy sản, tính mạng người dân, nhất là vào ban đêm. Qua ghi nhận, hàng năm tại các xã Tân An Thạnh, Tân Bình, Tân Quới, Thành Lợi đều bị sạt lở, xâm thực vào đất liền. Hiện tại một số khu vực này đang được các hộ nuôi cá tích cực bảo vệ góp phần giảm tác hại do sạt lở.

Chủ động các phương án ứng phó

Tại các xã Tân Hưng, Tân Thành, Thành Trung- khu vực hàng năm thường chịu ảnh hưởng mưa lũ, công tác nạo vét kinh mương, tạo dòng chảy, gia cố đê bao đang được thực hiện khá khẩn trương.

Ông Đoàn Văn Đức- cán bộ nông nghiệp xã Tân Hưng cho biết, nước kinh nội đồng lên nhanh những ngày qua và dự báo gây khó khăn cho sản xuất khi đạt đỉnh triều. Vì vậy, song song khuyến cáo nông dân không nên tiếp tục xuống giống rau màu và cần chủ động bờ bao ứng phó nước lũ bất thường, địa phương tiến hành khảo sát hàng loạt đê bao. Hiện đang triển khai thi công 3 tuyến kinh Kiến Vàng, Tám Cùng và Tuổi Trẻ, những tuyến trọng yếu còn lại sẽ suất nguồn vốn thủy lợi phí xã gia cố.

Tại xã Thành Đông, công tác gia cố đê bao phòng chống lũ cũng được triển khai nhằm bảo vệ hơn 86ha khoai lang ở ấp Thành Khương và hơn 100ha lúa Đông Xuân sớm ở ấp Thành Hậu và Thành Tân. Ông Trần Văn Đào- cán bộ nông nghiệp xã cho biết, lực lượng và phương tiện dự kiến bố trí theo danh sách thống kê “4 tại chỗ”, những nơi thiếu sẽ đề nghị hỗ trợ. Hiện 8/8 căn nhà được kiến nghị chằng chống đã được các lực lượng địa phương thực hiện xong. Những vùng được đánh giá ảnh hưởng lũ, địa phương đã họp dân để có phương án chủ động ứng phó.

Phòng Nông nghiệp- PTNT Bình Tân cũng đang khẩn trương nâng cấp 18 công trình bờ bao, bờ vùng dài 30.500m và duy tu 5 đập xung yếu; đắp mới 11 đập dã chiến và tận dụng 42 đập cũ phòng chống lũ, bảo vệ sản xuất. Trên lúa, khuyến cáo thu hoạch trước ngày 15/8 âl. Địa phương cũng đã có kế hoạch huy động trên 170 gặt liên hợp khẩn trương thu hoạch lúa. Khi có mưa, bão sẽ huy động hơn 5.000 máy bơm trong dân túc trực ứng phó.

Đối với vùng chăn nuôi thủy sản ven sông, vùng trồng cây ăn trái, vận động nông dân thu hoạch trước khi lũ tràn; vùng rau màu trồng cây ngắn ngày, thu hoạch cuối tháng 7 âl. Trường hợp mưa lũ xảy ra tình huống nguy hiểm sẽ đề nghị huyện huy động lực lượng huyện đội, Trung đoàn 890 đóng trên địa bàn chi viện.

Ông Châu Minh Tuấn- Phó Phòng Nông nghiệp- PTNT Bình Tân, cho biết các phương án phòng chống lũ đang được triển khai khẩn trương. Địa phương đang nắm bắt và đánh giá tình hình lụt bão để có hướng bảo vệ, ứng phó, nhất là các công trình thủy lợi trọng điểm bảo vệ vùng khoai lang, hành giống hoàn thành trước đầu tháng 8 âl.

Toàn huyện hiện có 265 căn nhà cần chằng chống. Hiện đã thực hiện 231 căn, xây mới 14 căn. Còn 20 căn đang tiếp tục chằng chống.

 

Bài, ảnh: HOÀNG MINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh