Cái khăn rằn, chiếc áo, khăn thêu, nồi cơm... chỉ là những vật dụng bình thường; nhưng khi nó gắn liền với cuộc đời một chiến sĩ, một nữ tù hay Mẹ Việt Nam anh hùng thì lại chứa đựng biết bao câu chuyện cảm động.
[links()]
Cái khăn rằn, chiếc áo, khăn thêu, nồi cơm... chỉ là những vật dụng bình thường; nhưng khi nó gắn liền với cuộc đời một chiến sĩ, một nữ tù hay Mẹ Việt Nam anh hùng thì lại chứa đựng biết bao câu chuyện cảm động. 173 hiện vật, tư liệu, hình ảnh tại cuộc triển lãm “Kỷ vật- ký ức chiến tranh” đã tạo nên một không gian linh thiêng với bao hồi ức rưng rưng về một thời cả nước cùng ra trận.
Những kỷ vật gợi lại ký ức chiến tranh đau thương nhưng hào hùng. |
“Cuộc đời” từ những kỷ vật
Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và những tháng năm đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, có cả triệu người con của dân tộc Việt Nam đã ngã xuống. Máu của những chiến sĩ đã tô thắm thêm màu cờ Tổ quốc.
Những chiến công, những hy sinh mãi mãi là những trang sử giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay biết trân trọng, giữ gìn và tiếp bước thế hệ cha anh trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Bên cạnh những con người đã từng sống, từng trải qua hoàn cảnh chiến tranh thì các kỷ vật còn là những báu vật vô giá, có thể kể lại với lớp người sau về những trang sử hào hùng mà dân tộc Việt Nam đã đi qua.
Có biết bao kỷ vật là vật dụng, hành trang của những người lính khi ra trận, hay những kỷ vật được cất giấu, giữ gìn bởi những người thân, đồng đội, thậm chí cả những người xa lạ ở bên kia chiến tuyến... dù rất đỗi bình dị, nhưng trong mỗi kỷ vật ấy mang lại một câu chuyện về hồi ức đầy cảm xúc.
Một vài tấm ảnh, một bức thư, tấm áo, chiếc ba lô đã bạc màu thời gian... cũng đủ viết lên một quá khứ hào hùng, chất chứa hạnh phúc yêu thương và cả nỗi đau sinh tử.
Tôi dừng lại thật lâu trước bức thư của một chiến sĩ trẻ viết từ chiến trường Tây Ninh, thư đề ngày 7/12/1978, gửi về cho ba, má ở TP Hồ Chí Minh. Anh kể lại cảm xúc của những ngày đầu tham gia nhập ngũ, cuối thư nhờ ba, má mua cho cái đèn pin và mấy cục pin dự phòng.
Không ngờ bức thư đầu tiên ấy cũng là thư cuối cùng anh gửi về gia đình và có lẽ ba, má anh cũng chưa kịp gửi đèn pin lên cho đứa con trai độc nhất của mình. Chiến tranh là như thế đó, đất nước chúng ta đã trải qua hàng vạn, hàng triệu những nỗi đau khó thể nói thành lời.
Cũng có những kỷ vật đem lại cho người xem niềm tin yêu, cảm xúc mãnh liệt về sự sống, về tinh thần lạc quan cách mạng giữa ngục tù khắc nghiệt của kẻ thù; đó là những chiếc áo, những tấm lót bình bông được thêu tỉ mẩn của các mẹ, các chị ở khắp các nhà tù Phú Bài, Tân Hiệp, Côn Đảo...
Có những vỏ đạn bom của kẻ thù bỗng nhiên trở thành những vật dụng sinh hoạt hàng ngày thật xinh xắn, dễ thương. Cả những chiếc áo của em bé sơ sinh được ra đời giữa nhà giam, đủ để nói với thế hệ mai sau rằng, những tháng năm hòa bình, những giây phút sống trong nền độc lập hôm nay được đánh đổi bằng sự hy sinh vĩ đại của những lớp người đi trước.
Cổ tích giữa đời thường
Những vật dụng chế từ vỏ đạn của kẻ thù. |
Bà Nguyễn Thị Thắm- Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ TP Hồ Chí Minh- cho biết: “Nhiều năm qua, bảo tàng miệt mài đi gặp gỡ, tiếp xúc, ghi chép những câu chuyện, những nhân chứng thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, thời kỳ chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam; sưu tầm những hiện vật, kỷ vật được trao tặng từ những người trong cuộc, thân nhân của gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng. Việc giữ gìn và phát huy những giá trị di sản ấy, góp phần bảo lưu bản sắc văn hóa dân tộc rất có giá trị xã hội và nhân văn”.
173 hiện vật, tư liệu, hình ảnh cùng những câu chuyện kể về kỷ vật gắn liền với cuộc sống, chiến đấu những chiến sĩ; chuyên đề trưng bày là nhịp cầu nối liền truyền thống với hiện tại và tương lai. Giới thiệu những hiện vật, kỷ vật của những phụ nữ, là những người mẹ, người vợ, người chiến sĩ từng trực tiếp chiến đấu hoặc trao gửi lại cho người thân trước lúc ra trận và mãi mãi đi vào lòng đất.
Mỗi kỷ vật là một câu chuyện cảm động giúp chúng ta khám phá những điều bí ẩn, diệu kỳ như những câu chuyện cổ tích giữa đời thường về cuộc chiến đấu, những hồi ức của những người mà chiến công và sự hy sinh đóng góp của họ đã hòa vào lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Trưng bày chuyên đề “Kỷ vật- ký ức chiến tranh”, như sự thành kính tưởng nhớ biết bao đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc; các Mẹ Việt Nam anh hùng, các nữ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các cựu chiến binh, thanh niên xung phong trên mọi miền đất nước, đã cống hiến xương máu, công sức, tài sản cho cuộc kháng chiến cứu nước, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc. Những câu chuyện kể về truyền thống anh hùng, truyền thống đấu tranh cách mạng, nhưng cũng chan chứa tình yêu thương gia đình, đồng chí, đồng đội.
Mỗi kỷ vật là một câu chuyện cảm động giúp chúng ta khám phá những điều bí ẩn, diệu kỳ như những câu chuyện cổ tích giữa đời thường về cuộc chiến đấu, những hồi ức của những người mà chiến công và sự hy sinh đóng góp của họ đã hòa vào lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin