BCĐ Tây Nam Bộ vừa tổ chức hội thảo "Phát triển kinh tế- xã hội vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2030".
BCĐ Tây Nam Bộ vừa tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế- xã hội vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2030”. Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển đã được đưa ra, kỳ vọng ĐBSCL sẽ tạo bước phát triển mới. Tuy nhiên, để làm được điều này, nhiều địa phương cho rằng cần tập trung tháo gỡ nhiều nút thắt từ thực tế.
ĐBSCL cần ưu tiên phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. |
Năng lực cạnh tranh thấp
Theo Bộ Kế hoạch- Đầu tư, dù diện tích đất canh tác nông nghiệp và thủy sản chưa tới 30% của cả nước, nhưng ĐBSCL đóng góp hơn 50% diện tích đất lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp cả nước. ĐBSCL ngày càng có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư, giao thương với các nước khu vực và thế giới. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch- Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ĐBSCL đã và đang đứng trước nhiều thách thức: kết cấu hạ tầng yếu kém, đường bộ giao thông nhỏ hẹp, các quốc lộ chưa đồng bộ… “Thu ngân sách trong vùng năm 2015 ước đạt 40.680 tỷ đồng, chỉ cao hơn vùng miền núi phía Bắc. ĐBSCL đóng góp gần 16% cho GDP cả nước, song tỷ lệ chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cho địa phương chỉ chiếm 10% tổng chi đầu tư cả nước, thấp nhất so các vùng khác. Điều này thể hiện việc tái đầu tư cho vùng chưa được quan tâm đúng mức”- Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Nhiều ý kiến còn cho rằng, nội tại nền kinh tế vùng ĐBSCL phụ thuộc vào nông nghiệp với cơ cấu chiếm 31,2% nên phát triển thiếu ổn định. Các sản phẩm chủ lực của vùng như: lúa, cá, trái cây đã tới ngưỡng, tình trạng “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người dân.
Một hạn chế khác “đang nổi lên”- theo ông Nguyễn Phong Quang- Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ Tây Nam Bộ- là cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, thu hút vốn FDI kém hiệu quả. Tính đến hết tháng 6/2015, ĐBSCL có 1.013 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 12 tỷ USD. Vốn đầu tư bình quân một dự án trên 12 triệu USD, thấp hơn bình quân của cả nước là 16 triệu USD/dự án. Số dự án và số vốn thu hút FDI toàn vùng chỉ chiếm khoảng 5% so với cả nước. Các nhà tài trợ chưa quan tâm nhiều đến vùng ĐBSCL do chất lượng nguồn nhân lực vùng còn thấp, tỷ lệ lao động được đào tạo là 45,72%, thấp hơn mức trung bình của cả nước là 54,52%.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Ngày 19/7/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020 với mục tiêu đưa ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững. Để thực hiện đúng chủ trương này, nhiều ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.
Theo ông Lê Vĩnh Tân- Phó Ban Kinh tế Trung ương, việc liên kết vùng hết sức quan trọng, là xu thế chung, khắc phục việc chia cắt địa lý. BCĐ Tây Nam Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ sớm triển khai các công trình, dự án giao thông trọng điểm của vùng; trong đó, sớm triển khai dự án đường cao tốc từ Trung Lương- Mỹ Thuận. Nghiên cứu phân bổ nguồn ngân sách riêng để hỗ trợ TP Cần Thơ phát triển, trở thành “đầu tàu” của vùng. Đồng thời tiếp tục chủ trì đề án liên kết vùng nhằm để hỗ trợ nông dân phát triển bền vững các ngành hàng chủ lực về lúa gạo, cây ăn quả, thủy sản thông qua liên kết vùng với sự tham gia của “4 nhà”.
Ông Nguyễn Phong Quang lưu ý các địa phương, thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, tạo giá trị gia tăng lớn, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch. Đồng thời, cần ưu tiên vốn đầu tư các công trình trọng điểm, huyết mạch liên vùng phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội.
Kết cấu hạ tầng được cho là điểm nghẽn làm hạn chế phát triển của vùng- Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng- nên phải cấp thiết ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, các công trình thủy lợi, cảng biển và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, trước đây đã có một số hội thảo liên quan tới phát triển kinh tế- xã hội ĐBSCL. Và các tỉnh- thành cũng đã triển khai được một phần nhưng chưa được nhiều và bây giờ cần phải làm nhiều hơn nữa. Không chỉ hạ tầng kinh tế mà cần phát triển đồng đều hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện, cơ sở văn hóa... và kết nối được hệ thống này với nhau để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các tỉnh- thành tích cực nhân rộng các mô hình hợp tác xã kiểu mới trong sản xuất nông nghiệp. Xác định sản phẩm thế mạnh để tập trung đầu tư gắn thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Phát triển hạ tầng phù hợp với từng vùng, tạo hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn để nâng cao giá trị. Đặc biệt, cần hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng quy hoạch, nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhất là đẩy mạnh mô hình liên kết.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho rằng, hạ tầng trước nay chỉ phục vụ cho nghề trồng lúa, trong khi hiện giờ vùng đang đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nên hạ tầng cơ sở cũng phải thay đổi để phục vụ cho các ngành nghề khác nhau. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin