Cái Ngang ngày ấy- bây giờ

05:09, 02/09/2015

Trong những năm gần đây, địa danh Cái Ngang được khen ngợi như một "điểm nhấn" trong tiến trình xây dựng và phát triển nông thôn mới. 

[links()]

Trong những năm gần đây, địa danh Cái Ngang được khen ngợi như một “điểm nhấn” trong tiến trình xây dựng và phát triển nông thôn mới. Chúng tôi xin ghi nhận lại những dấu ấn của Cái Ngang với chính mình cách đây hơn 30 năm, và bây giờ, nhân dịp 70 năm mừng Quốc khánh.

Đường bây giờ rộng mở khắp nơi nơi.
Đường bây giờ rộng mở khắp nơi nơi.

Ngày ấy

Thời điểm những năm 1980, Cái Ngang là vùng đất thuộc 2 xã Mỹ Lộc và Hậu Lộc. Trung tâm hành chính 2 xã tọa lạc tại ngã ba sông, xuôi dòng sông chính nối liền ra sông Măng Thít xuống huyện Tam Bình, ngược lên Giáp Nước đi Ngã tư Long Hồ lên được Vĩnh Long, hoặc rẽ về hướng Tây ra chợ Ba Càng đều được. Dọc theo sông lớn thông vào các cánh đồng trũng là chi chít những kinh rạch tự chảy, vào mùa nước nổi nước dâng lên tràn đồng. Với địa thế như vậy, theo người dân Cái Ngang, nơi đây chủ yếu đi lại bằng xuồng, đến những năm 1980 muốn đến với Cái Ngang bằng đường bộ vẫn còn rất
khó khăn.

Hồi ấy, từ Vĩnh Long ai muốn đến với Cái Ngang hoặc người dân ở Cái Ngang muốn về huyện Tam Bình làm việc hay cần đi Vĩnh Long mua sắm, bán nông sản, đều phải dùng phương tiện thủy và tàu đò là phổ biến nhất. Nếu muốn đi bằng đường bộ thì phải khá vất vả và tốn nhiều thời gian. Không ít lần chúng tôi đi Cái Ngang vào chiều thứ bảy hoặc sáng chủ nhật, từ Vĩnh Long đón xe lôi đi Phú Quới hoặc Ba Càng. Tới đó trong buổi sáng mới có đò dọc đưa khách đi Cái Ngang và Tam Bình. Đi vào buổi chiều thì phải cuốc bộ hơn 3 cây số theo đường đất từ Phú Quới vào hướng Giáp Nước (xã Tân Lộc bây giờ). Hỏi xin quá giang xuồng qua bờ bên kia thuộc ấp Danh Tấm và tiếp tục lội bộ đường đất lầy lội vào mùa mưa, hoặc vượt qua nhiều chiếc cầu dừa, cầu tre lắt lẻo bắc qua các con đập (Đường tỉnh 909 ngày nay), đi khoảng hơn 2 cây số mới đến bến đò Hậu Lộc qua chợ Cái Ngang. Chợ Cái Ngang lúc ấy chỉ có nhà lồng lợp tôn đơn sơ và một số quầy bán tạp hóa, nước giải khát. Hoặc muốn đi Ngã Cại qua Lông Công (xã Phú Lộc bây giờ), thì từ Phú Quới cũng tản bộ theo hướng Giáp Nước, nhưng đi khoảng 3 cây số thì rẽ phải theo bờ kinh, vượt đường vườn qua sông Ngã Cại quá giang xuồng hay cho quần áo cầm tay làm một chuyến “phiêu lưu” tự vượt sông rộng chừng 20m là qua được bờ bên kia, đi bộ tiếp chừng cây số nữa là đến ngọn Lông Công, hoặc sang đò qua chợ Cái Ngang. Còn một cách đi khác đến với Cái Ngang là từ Tam Bình hoặc chợ Vĩnh Long xuống bến đò sẽ có tàu khách chạy mỗi ngày 1- 2 chuyến. Khoảng hơn 2 giờ ngồi đò từ Vĩnh Long (cả thời gian chờ đò và nước xuôi hay ngược) là đò có thể cập bến chợ Cái Ngang, từ đây có thể đi lại những nơi cần đến bằng xuồng ba lá, ghe chèo hoặc ghe máy tùy nơi mình muốn đến gần hay xa. Người dân vùng Cái Ngang lúc bấy giờ đi lại mua sắm, bán buôn ở chợ Vĩnh Long chủ yếu bằng tàu đò là phổ biến.

 Bến cũ ngày xưa nay vắng khách.
Bến cũ ngày xưa nay vắng khách.

Tuy vậy, chúng tôi đến thăm bạn, người thân ở Cái Ngang muốn về Vĩnh Long lúc nào cũng được. Dùng xuồng ba lá là có thể giải quyết được tất cả việc khó khăn trong đi lại. Từ Cái Ngang, 2 người xuống xuồng dùng dầm bơi khoảng một giờ theo kinh đào ra Bầu Gốc hoặc theo sông Phú Quới (nay là Hòa Phú) ra Lộc Hòa là có thể tiếp cận QL1A đón xe lôi hoặc xe đò về Vĩnh Long.

Bây giờ

Khi đường Cái Ngang- Ba Kè được khôi phục, tuy chỉ có hơn 3m, chưa đạt chuẩn NTM bây giờ nhưng con đường bộ này mở ra đã rút ngắn khoảng cách đáng kể từ các xã ở Cái Ngang đi về huyện Tam Bình. Sau đó các tuyến lộ Cái Ngang- Ba Càng được khôi phục; tuyến Cái Ngang- Bầu Gốc được mở ra; Đường tỉnh 909 được quy hoạch; cầu Cái Ngang bằng bê tông vĩnh cửu trên tuyến 909 được đầu tư xây dựng; rồi toàn tuyến Đường tỉnh 909 tiếp tục mở ra nối Cái Ngang- Long Hồ ra QL53 về Vĩnh Long; đường liên xã từ Hậu Lộc đi Hòa Lộc (Ba Kè); hoàn thiện Đường tỉnh 909 (đoạn qua Hậu Lộc, Mỹ Lộc) thông với Đường tỉnh 905 ra QL1A. Các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã, liên ấp, liên xóm được sự quan tâm đầu tư của trung ương, tỉnh, huyện và vận động nhân dân góp sức xây dựng trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây đã tạo cho các xã vùng Cái Ngang như Mỹ Lộc, Phú Lộc, Hậu Lộc, Tân Lộc, Hòa Lộc và các xã lân cận một mạng lưới giao thông đường bộ liên hoàn, rút ngắn thời gian đi lại rất nhiều lần so với đường thủy.

Khi hạ tầng đường bộ vùng Cái Ngang được mở ra thì các cơ sở hạ tầng phục vụ kinh tế, xã hội khác như điện, thông tin truyền thông, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thể thao… cũng phát triển song hành. Đặc biệt Cái Ngang còn có Khu Di tích Cách mạng của tỉnh được đầu tư xây dựng, mở rộng, nâng cấp, thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan mỗi năm. Riêng xã Mỹ Lộc trong mấy năm qua cũng được tỉnh, huyện chọn làm điểm xây dựng xã NTM. Sau gần 4 năm nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân, Mỹ Lộc đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Phú Lộc dù không là xã điểm nhưng với nhiều truyền thống cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Phú Lộc cũng đã tự phấn đấu vươn lên là một trong số ít ngoài xã điểm đã dẫn đầu về phong trào xây dựng NTM. Mục tiêu trong năm nay, Phú Lộc sẽ trở thành xã NTM. Xã Hậu Lộc cũng phấn đấu cuối năm nay đạt được 15/19 tiêu chí NTM.

Nét mới của Cái Ngang ngày nay là một sự đổi thay từ vật chất đến tinh thần, đời sống của người dân luôn được cải thiện và nâng cao, đối tượng chính sách và người nghèo được chăm sóc tốt. Đặc biệt, đời sống, sinh hoạt gắn liền với sông nước năm nào nay đã chuyển sang giai đoạn hoàn toàn mới bằng đường bộ, được chinh phục bằng bàn tay, khối óc của những con người đầy nhiệt huyết xây dựngquê hương.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh