Bàn về xây dựng nghĩa trang nhân dân

01:09, 24/09/2015

Nghĩa trang nhân dân là một trong 5 chỉ tiêu của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

[links()]

Nghĩa trang nhân dân là một trong 5 chỉ tiêu của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Chỉ tiêu này được coi là đạt khi xã có nghĩa trang nhân dân được xây dựng theo quy hoạch được duyệt.

Cần tuyên truyền mạnh trước xu hướng ngày càng nhiều “nghĩa trang gia đình” ở nông thôn.
Cần tuyên truyền mạnh trước xu hướng ngày càng nhiều “nghĩa trang gia đình” ở nông thôn.

Những xã điểm đã được công nhận NTM và những xã tiếp tục sắp công nhận trong năm nay đều đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên, hiện có một số ý kiến khác nhau, muốn đề xuất về BCĐ Trung ương tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu nghĩa trang nhân dân trong tiêu chí môi trường, vì nặng vốn đầu tư xây dựng và có phần… lãng phí!

Thực trạng về xây dựng nghĩa trang nhân dân

Theo quy định trước đây, xã NTM phải có nghĩa trang nhân dân theo quy hoạch. Nhưng đối với tỉnh đồng bằng như Vĩnh Long, địa bàn hẹp, thiếu quỹ đất xây dựng nên có kiến nghị về Trung ương xin điều chỉnh xây dựng nghĩa trang nhân dân theo cụm xã. Theo đó, các huyện đều thống nhất và thực hiện một nghĩa trang nhân dân theo cụm các xã liền kề. Đến nay, sau gần 5 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, một số nghĩa trang nhân dân được quy hoạch và xây dựng bước đầu. Ở huyện Bình Tân, nghĩa trang nhân dân cụm xã Nguyễn Văn Thảnh- Mỹ Thuận- Thành Đông- Thành Trung- Tân Bình,… được xây dựng trên diện tích hơn 4ha với tổng kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng, với đầy đủ các hạng mục chức năng. Tuy nhiên, qua hơn 3 năm đưa vào sử dụng, nghĩa trang chỉ có 24 ngôi mộ chôn cất mới, 43 ngôi mộ khác được cải táng từ các công trình giao thông và xây dựng trên địa bàn bị ảnh hưởng chuyển đến.

Nghĩa trang nhân dân cụm các xã Long Phước- Phước Hậu- Lộc Hòa- Hòa Phú,… (Long Hồ) diện tích gần 5ha với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng- hiện vẫn là khu đất đầy cỏ dại. Nghĩa trang nhân dân cụm các xã thuộc các huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít, Tam Bình,… được quy hoạch, cắm mốc để đảm bảo tiêu chí, chứ chưa xây dựng.

Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thảnh Nguyễn Khắc Bình cho biết, người dân ít chịu đưa người thân của mình qua đời vào mai táng trong nghĩa trang nhân dân. Nguyên nhân, do phong tục tập quán và người dân có đất nhà, nên thường chôn cất trong đất vườn để tiện việc chăm sóc. Những ngôi mộ mới được đưa vào chôn trong nghĩa trang nhân dân này hầu hết là các hộ nghèo không có đất.

Theo ông Nguyễn Khắc Bình, hướng tới nên quy hoạch xây dựng mỗi huyện 1 cụm nghĩa trang nhân dân để đảm bảo nhu cầu chôn cất, cải táng ở những hộ thuộc diện kinh tế khó khăn, không có đất. Một số người dân ở xã Nguyễn Văn Thảnh và các xã khác cũng bày tỏ, rằng đây là tập quán của người dân. Chôn ở đất nhà, để con cháu dễ dàng săn sóc mồ mả, thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà.

Ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long cho biết, theo quy hoạch xã NTM, trước đây từ mỗi xã có 1 nghĩa trang nhân dân rồi được điều chỉnh sang cụm xã. Thế nhưng so với thực tế, hiện nay cũng chưa phù hợp. Vì vậy, sẽ kiến nghị nên quy hoạch liên huyện có nghĩa trang nhân dân và hướng dẫn xây dựng các nghĩa trang dòng họ cho phù hợp với tập quán cũng như phục vụ tốt nhu cầu đời sống của nhân dân.

Từ thực tế này, có một số ý kiến muốn kiến nghị BCĐ Trung ương xây dựng NTM điều chỉnh chỉ tiêu về nghĩa trang nhân dân nhằm tiết kiệm kinh phí của địa phương và phù hợp với tập quán chôn cất của người dân hiện nay.

Nghĩa trang nhân dân phải theo quy hoạch

Theo BCĐ xây dựng NTM một số địa phương, nghĩa trang nhân dân không dễ quy hoạch, không dễ xây dựng dù có kinh phí. Tuy vậy, vẫn phải đầu tư xây dựng nhằm đạt hiệu quả lâu dài. Không thể để đầy rẫy mồ mả ở thôn xóm, quanh nhà ở nông thôn, người sống, người chết ở cận kề nhau. Việc này phải đi vào thực hiện theo quy hoạch nề nếp là cần thiết. Vì vậy, nên nghĩa trang nhân dân xây dựng theo cụm các xã có cùng đặc điểm về địa lý, về giao thông, đi lại và phù hợp điều kiện kinh tế, phong tục tập quán của cư dân trong vùng (cụm). Nghĩa trang nhân dân liên xã hay liên huyện cũng được, miễn sao tạo thuận lợi nhất cho người dân đi lại, thăm viếng, chăm sóc mồ mả ông bà mỗi dịp lễ tết, xuân về. Đây là sự cần thiết phải có và phải từng bước vận động làm thay đổi nhận thức của người dân. Nếu không sớm làm tốt việc này, chắc chắn 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, cảnh quan môi trường nông thôn vẫn khó lòng văn minh, sạch đẹp.

Nghĩa trang dòng họ cũng là một trong những phương án khả thi, phù hợp với phong tục tập quán, đỡ gánh nặng cho Nhà nước đầu tư, nhưng khuyến khích phải theo quy hoạch đảm bảo cảnh quan và vệ sinh môi trường. Có thể đặt trên đất của dòng họ nếu phù hợp hoặc mua đất dành riêng cho dòng họ trong nghĩa trang nhân dân.

Mặt khác, muốn người dân mai táng người thân trong nghĩa trang nhân dân, ngoài việc tuyên truyền vận động từng bước, Nhà nước phải có chính sách phù hợp như: thu phí bảo vệ môi trường thật cao khi chôn cất không theo quy hoạch. Nghĩa trang nhân dân phải được đầu tư xây dựng khang trang, tạo vẻ thanh tịnh, ấm áp cùng những dịch vụ đầy đủ nhất. Xây dựng những “nghĩa trang nhân dân kiểu mẫu” góp phần cho nông thôn Việt Nam tiến bộ, văn minh là lộ trình, là mục tiêu mà chương trình NTM hướng đến.

Đến giữa năm 2015, toàn tỉnh có 33/89 xã nông thôn đạt tiêu chí môi trường. 28 xã khác đã đăng ký đạt tiêu chí này trong năm nay, trong đó có chỉ tiêu về nghĩa trang nhân dân được xây dựng theo quy hoạch được duyệt (phổ biến là cụm xã).

Bài, ảnh: TRẦN ÚT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh