Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm, các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn để có thể đạt được chỉ tiêu Nghị quyết năm 2015.
[links()]
Trong phiên thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng 6 tháng cuối năm, các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn để có thể đạt được chỉ tiêu Nghị quyết năm 2015.
Đại biểu tham gia thảo luận tại hội trường. |
Gỡ khó cho doanh nghiệp phải cụ thể
Vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gỡ khó cho doanh nghiệp, xuất khẩu… là những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm đóng góp.
Theo ĐB Lê Quang Đạo (đơn vị huyện Tam Bình), vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đã mang lại một số hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, vấn đề được mùa, mất giá vẫn cứ tiếp tục tái diễn, mối liên hệ giữa “4 nhà” chưa phát huy hiệu quả.
Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mua hàng nông sản, cụ thể là lúa thì cũng không đến được với nông dân mà chỉ có doanh nghiệp được lợi. Hiện nay, dân không bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng không mua trực tiếp của nông dân mà chỉ thông qua hệ thống thương lái, trong khi thương lái ép giá nông dân.
Hay như chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp- mặc dù có chủ trương nhưng cũng chưa nhiều. Tôi ví dụ hiện trên địa bàn tỉnh có người thuê đất dài hạn của nông dân trồng cam, thanh long… họ trả tiền thuê đất trước cho nông dân để thuê dài hạn thì Nhà nước nên hỗ trợ vốn, thuế suất…
ĐB Nguyễn Văn Lượng (đơn vị huyện Mang Thít) cho rằng, theo báo cáo của UBND tỉnh, chỉ tiêu phát triển công nghiệp và xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm gặp khó, chưa có yếu tố bền vững và nền tảng để phát triển tiếp theo cũng chưa rõ ràng.
“Theo tôi, thời gian tới muốn cho tỉnh phát triển cần thiết phải quan tâm đến 2 vấn đề này, không phát triển công nghiệp và xuất khẩu thì chắc chắn rằng tốc độ phát triển kinh tế sẽ chậm lại”- ông nói.
Về xuất khẩu, đối với xuất khẩu lương thực và thực phẩm thì 3 công ty tham gia xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cùng chia nhau “một hạt gạo”.
Đối với các sản phẩm khác của nông nghiệp, nông dân chưa được quan tâm đúng mức, nếu cứ đi một chân như thế thì khó mà góp phần tạo nên tăng trưởng mạnh về xuất khẩu cũng như khó có sự phát triển về sản xuất nông nghiệp.
Đại biểu Lê Quang Đạo tại kỳ họp thứ 14. |
“Theo tôi, chúng ta cần phải ngồi lại để giải quyết từng vấn đề, thậm chí từng mặt hàng. Chúng ta rất đau lòng là có những mặt hàng do ngành nông nghiệp tạo ra được thị trường chấp nhận, thậm chí ở nước ngoài nhưng khi họ đặt hàng với số lượng ổn định thì chúng ta không cung cấp được, lý do không đủ sản phẩm để giao cho từng kỳ.
Nghĩa là chúng ta tạo được mô hình nhưng không tạo được vùng nguyên liệu. Đây là những vấn đề cần giải quyết để có thể đưa ngành nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững”- ĐB Nguyễn Văn Lượng trăn trở.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, theo ĐB Lê Quang Đạo, cần phải điều tra nắm kỹ từng doanh nghiệp- nhất là những doanh nghiệp lớn có đóng góp nhiều cho ngân sách, xã hội, giải quyết lao động… xem họ đang gặp khó khăn gì, cần hỗ trợ gì.
Song song đó, cần xem xét từng vấn đề, cái nào hỗ trợ được và hàng quý báo cáo xem xét chúng ta đã hỗ trợ được bao nhiêu. Nếu chúng ta cứ nói chung chung là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà không có địa chỉ cụ thể thì rất khó.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Văn Lượng đề xuất, “trong chương trình năm 2015 là chương trình vì doanh nghiệp, tôi nghĩ nên thay đổi giải pháp tốt hơn nữa đó là sát với doanh nghiệp như 6 tháng đầu năm mà UBND tỉnh đã khởi động là tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gặp trực tiếp doanh nghiệp, khó cái gì, gỡ cái nấy”.
Nên giải quyết dứt điểm vấn đề Nhà máy nước Trương Vách trong năm 2015
Vấn đề Nhà máy nước Trương Vách cũng được ĐB quan tâm thảo luận, đề xuất cần giải quyết dứt điểm trong năm 2015.
ĐB Nguyễn Thị Cẩm Hồng (đơn vị huyện Long Hồ) cho rằng, trong kỳ họp thứ 12 của HĐND tỉnh cũng đã có kết luận giao UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng giải quyết dứt điểm vấn đề Nhà máy nước Trương Vách nhưng đến nay vẫn chưa có gì khả quan. Theo Báo cáo số 137 của UBND tỉnh trả lời, UBND tỉnh tiếp tục giao các ngành liên quan và Chủ tịch UBND huyện Long Hồ kiểm tra tiến độ quá trình thực hiện chuyển đổi từ nước ngầm sang khai thác nước mặt của DNTN Trương Vách. Báo cáo của UBND tỉnh cho biết đến tháng 7/2015 sẽ xem xét có nên cấp giấy phép cho doanh nghiệp này hay không. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Cẩm Hồng băn khoăn, liệu đến thời điểm đó doanh nghiệp có chuyển đổi đúng tiến độ hay không; đặt trường hợp chuyển đổi được nhưng lúc đó nước không đạt chất lượng theo yêu cầu thì giải quyết như thế nào, đề nghị UBND tỉnh có ý kiến để ĐB trả lời cho cử tri biết.
Theo ĐB Nguyễn Văn Nhỏ (đơn vị huyện Long Hồ), vấn đề Nhà máy nước Trương Vách đã tồn tại 12 năm- qua 2 nhiệm kỳ HĐND. Theo ông, trong năm 2015 này phải giải quyết dứt điểm, không nên để HĐND khóa mới tiếp tục nhùng nhằng vấn đề này.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, đến tháng 8/2015 là đến thời hạn hết cấp phép của đơn vị. UBND tỉnh có chỉ đạo và doanh nghiệp cũng có đề nghị chuyển đổi mô hình chuyển đổi công nghệ khai thác nước ngầm bằng khai thác nước mặt và xử lý đúng tiêu chuẩn. Tỉnh đặt 2 tình huống, nếu doanh nghiệp thực hiện đạt tiêu chuẩn thì tỉnh sẽ ủng hộ và ngược lại. UBND tỉnh sẽ phân công ngành chức năng kiểm tra, giám sát, xem xét tiến độ theo cam kết của doanh nghiệp để có quyết định thỏa đáng trong quý III/2015, đảm bảo nguyện vọng của người dân cũng như doanh nghiệp.
Bài, ảnh: THANH TÂM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin