Năm 2015, các nhà báo chào mừng nhiều sự kiện lớn. Báo chí cách mạng Việt Nam tròn 90 tuổi và kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Đây cũng là năm diễn ra Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015- 2020.
[links()]
Năm 2015, các nhà báo chào mừng nhiều sự kiện lớn. Báo chí cách mạng Việt Nam tròn 90 tuổi và kỷ niệm 65 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Đây cũng là năm diễn ra Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long lần thứ VII, nhiệm kỳ 2015- 2020.
Tập huấn nghiệp vụ ảnh báo chí tại Báo Vĩnh Long. Ảnh: THANH TÂM |
Với 90 năm đồng hành cùng dân tộc, vượt qua những thăng trầm lịch sử, báo chí cách mạng Việt Nam chưa một ngày ngừng nghỉ, luôn góp tiếng nói cách mạng đầy tự tin, tự hào và bản lĩnh. Trong đó, báo chí cách mạng Vĩnh Long cũng luôn gắn chặt với sự chỉ đạo và lớn lên của Đảng bộ Vĩnh Long và phong trào cách mạng Việt Nam. Tin chắc rằng, cùng cả nước, báo chí địa phương đã góp phần không nhỏ trong công cuộc bảo vệ quê hương và dựng xây đất nước.
40 năm sau ngày miền Nam giải phóng và thống nhất đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam lại tiếp tục lao vào “cuộc chiến đấu” mới: đó là xây dựng quê hương, đất nước. Những ngày này, chúng tôi đã ngồi với nhau và nói những câu chuyện về cuộc đời, về chuyện nghề. Chúng tôi nói với nhau về những yêu cầu mà bạn đọc và xã hội đặt ra cho nhà báo hôm nay. Những mong muốn, niềm tin và trách nhiệm của nhà báo. Từ đó, chúng tôi càng hiểu rằng: xã hội lúc nào cũng cần tới báo chí, tin tưởng vào báo chí và chờ đợi sự định hướng cũng như phản biện xã hội của báo chí. Và vì vậy, báo chí luôn phải cố gắng để hoàn thành sứ mệnh của mình. Mà muốn làm được điều này, nhà báo hôm nay càng phải có bản lĩnh vững vàng. Trong đó, có báo chí và những nhà báo địa phương- như tôi và chúng ta.
Nói về công tác thông tin- truyền thông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Công tác thông tin bây giờ đòi hỏi nhanh lẹ, kịp thời để đáp ứng quyền được thông tin của người dân và tạo đồng thuận xã hội. Quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác, kịp thời từ đó tạo niềm tin”. Và để làm được những điều này, nhà báo phải thực sự có bản lĩnh chính trị và năng lực chuyên môn vững vàng. Như vậy, cũng có nghĩa là đặt ra cho Hội Nhà báo việc đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng chính trị, đạo đức và cả pháp luật cho đội ngũ người làm báo tỉnh nhà, nhất là những phóng viên, hội viên trẻ. Đây thật sự là yêu cầu cấp thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hoạt động truyền thông ngày càng sôi động như hiện nay.
Có thể nói, chưa bao giờ làm báo khó như hiện nay mà đồng thời, cũng “dễ” như hiện nay.
Khó là bởi hiện nay cả nước có 845 cơ quan báo chí, truyền hình, với hơn 1.500 trang thông tin điện tử tổng hợp và gần 400 mạng xã hội; khoảng 1.100 ấn phẩm báo chí. Cả nước có hơn 18.000 nhà báo, luôn cung cấp cho người đọc báo, xem đài về những sự kiện nóng bỏng, không chỉ xảy ra trong nước mà cả khắp hành tinh này… Làm như thế nào để báo chí địa phương không lọt thỏm giữa “biển thông tin mênh mông vô bờ bến” này? Làm thế nào để không chạy đua “nhanh hơn, nóng hơn, hấp dẫn hơn” mà vẫn luôn đúng và trúng.
Cũng chưa bao giờ làm báo lại “dễ” như hiện nay. Khoảng cách giữa người làm báo chuyên nghiệp và không chuyên đã “sát” lại gần nhau. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, là người dân có thể ngay lập tức truyền tin trên mạng xã hội hoặc gửi về cho các báo. Còn các nhà báo, thì chỉ cần “ngồi nhà” cũng có thể nắm hết mọi thông tin. Giờ đây, ranh giới giữa nhà báo địa phương và trung ương cũng được rút ngắn. Các cuộc họp Chính phủ, Quốc hội, bộ ngành trực tuyến mà chúng tôi nói vui là đã rút ngắn “khoảng cách thành thị và nông thôn”. Một nhà báo ở địa phương vẫn có thể nghe được ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Trong các đợt bão lũ, lúa sụt giá, doanh nghiệp không mua hàng,v.v… nhà báo địa phương đều được tham dự các cuộc họp, trực tiếp nghe tranh luận và chỉ đạo của các bộ, ngành. Theo tôi, nếu có kỹ năng lắng nghe và ghi chép thông tin, nếu có chí cầu tiến và nếu có thái độ làm việc chuyên nghiệp, nhà báo hôm nay có rất nhiều thuận lợi.
Niềm vui nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2015. Ảnh: CAO HUYỀN |
Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt của nó. Khi điều kiện tiếp nhận cũng như nắm bắt thông tin quá dễ dàng. Rất nhiều nhà báo hôm nay tận dụng ngay các thông tin trên mạng để cóp về làm tin bài của mình. “Cóp” (coppy) và “pát” (pates) là cụm từ hiện nay dành cho các nhà báo salon. Giờ đây, bạn đọc gần như bị tràn ngập thông tin do thấy thông tin trên báo này thì cũng thấy tương tự trên báo khác. Cũng từ đây, phát sinh nhiều vấn đề, sai phạm do khai thác thông tin trên các mạng xã hội. Nhiều vụ việc lẽ ra chỉ cần nói qua là được nhưng do các báo, nhất là báo mạng coppy lẫn nhau nên một việc cứ được lặp đi lặp lại trên hàng trăm tờ báo. Tô đậm thêm sự việc bằng tần số xuất hiện dày đặc của nó.
Vì vậy, nhà báo hôm nay có đủ bản lĩnh để vượt qua “cái khó” đã là khó, nhưng có đủ bản lĩnh để vượt qua “cái dễ” càng khó gấp bội.
Nếu hôm qua là những viên đạn chiến trường thì hôm nay là những “viên đạn bọc đường” từ các thông tin cho lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Đặc biệt là từ “biển thông tin” ngồn ngộn luôn có đầy trên các trang mạng, không biết đâu là thật giả. Có đủ bản lĩnh chính trị và chuyên môn vững vàng thì nhà báo mới có thể viết bài đúng, không sa đà vào chuyện đời tư, cá nhân, sốc, sến.
Bởi đấu tranh nào cũng gian khó. Nhà báo phải vững chuyên môn và pháp luật đồng thời phải có bản lĩnh mới dám đặt vấn đề gai góc. Đối với nhà báo địa phương, đó còn là đủ “bản lĩnh” để vượt qua sự quen biết, gắn bó với cơ sở để có thể viết bài phản biện, điều tra. Nhà báo phải luôn trau dồi nghiệp vụ và càng phải có đủ bản lĩnh, mới có thể viết được bài phản biện xã hội và nêu chính kiến của mình.
Song, trên hết, báo chí cách mạng Việt Nam và báo chí Vĩnh Long vẫn đã và đang làm rất tốt các chức năng của mình. Trong đó, có chức năng giám sát, phản biện cũng như định hướng xã hội. Các phương tiện truyền thông thời gian qua đã thể hiện sự trưởng thành: thông tin nhiều chiều, khách quan hơn trong nhận định, đánh giá các vấn đề, sự kiện. Bày tỏ thái độ rõ ràng trước cái tốt với cái xấu, cái đúng với cái sai.
Đời sống người dân ngày càng tốt đẹp hơn, dân chủ hơn, nông thôn mới ngày càng mới hơn; doanh nghiệp tin tưởng vào Đảng, Nhà nước hơn, tin chắc rằng, có một phần không nhỏ trong công tác thông tin tuyên truyền của các phóng viên, hội viên hội nhà báo. Có thể khẳng định, báo chí hôm nay có quyền tự hào về sự đóng góp đó. Song, cũng hiểu rằng, để làm tốt được chức năng của báo chí, cũng như để trở thành một nhà báo vững vàng về chuyên môn và có trách nhiệm, có bản lĩnh là không hề dễ.
Thực tế đời sống báo chí những năm qua cho thấy có được bản lĩnh chính trị vững vàng, nhà báo mới có điều kiện bắt được mạch sống chủ đạo của xã hội, của địa phương để phát hiện vấn đề, chọn thời điểm cũng như đề ra được cách thông tin phù hợp. Nếu không có bản lĩnh, nhà báo sẽ rất khó đứng vững, giữ trọn được cái tâm, cái đức của người làm báo trong bối cảnh đời sống truyền thông ngày càng nhiều ranh giới mong manh đúng sai như hiện nay. Và như vậy, sẽ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giám sát, phản biện, định hướng dư luận xã hội.
Trong chặng đường 5 năm 2015- 2020, chắc chắn sẽ còn không ít gian nan, thử thách. Tại Đại hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long hôm nay, nhiều vấn đề được đặt ra: Đó là cần đi sâu vào các hoạt động nghề nghiệp hơn nữa. Cần tập huấn, phân tích sâu về Luật Báo chí nói riêng và luật pháp nói chung để trang bị cho phóng viên hội viên “chắc tay bút, vững tay nghề”, đồng thời, cần có cơ chế để bảo vệ hội viên an toàn trong tác nghiệp. Đặc biệt là có những hình thức sinh hoạt phong phú để tạo mối liên kết giữa anh em báo, đài, đồng thời qua đó rèn luyện bản lĩnh chính trị cho hội viên, cũng như trao truyền về đạo đức, kỹ năng, nghiệp vụ của lớp nhà báo đi trước với các phóng viên, hội viên trẻ, để rèn luyện tiếp tục một lớp nhà báo vừa hiện đại, vừa năng động cũng bản lĩnh. Xứng đáng với truyền thống báo chí cách mạng tỉnh nhà, cũng như thật sự xứng đáng với thời đại hôm nay.
PHƯƠNG NAM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin