TX Bình Minh hôm nay

04:06, 03/06/2015

Từ khi có Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 27/5/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "phát triển TX Vĩnh Long trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và Bình Minh thành thị xã", quá trình đô thị hóa đã diễn ra để Bình Minh phát triển với quy mô lớn hơn, là trung tâm đô thị thứ hai thuộc tỉnh Vĩnh Long.

[links()]

Trước đây, Bình Minh là một huyện có nền kinh tế thuần nông, độc canh cây lúa một vụ và năng suất thấp. Từ khi có Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 27/5/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “phát triển TX Vĩnh Long trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và Bình Minh thành thị xã”, quá trình đô thị hóa đã diễn ra để Bình Minh phát triển với quy mô lớn hơn, là trung tâm đô thị thứ hai thuộc tỉnh Vĩnh Long.

Làng nghề tàu hủ ky ở Bình Minh. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH (TP Vĩnh Long)
Làng nghề tàu hủ ky ở Bình Minh. Ảnh: NGUYỄN HÒA BÌNH (TP Vĩnh Long)

Bình Minh nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh và trên tuyến đường huyết mạch của ĐBSCL, có QL1A, QL54 đi ngang qua, cách sân bay quốc tế Cần Thơ 20km, cách TP Vĩnh Long 30km, cách TP Hồ Chí Minh 165km. Trước đây, Bình Minh có bến phà, còn nay có cầu nối liền Bình Minh với TP Cần Thơ.

Ông Lưu Văn Tâm- nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Minh nhớ lại: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, huyện Bình Minh có 6 xã- thị trấn. Ngoài thị trấn Cái Vồn, đã hình thành một số thị tứ như Tân Quới, Tân Lược nhưng quy mô nhỏ, giao thương chủ yếu với các vùng nông thôn xung quanh. Nền kinh tế Bình Minh giai đoạn này còn lạc hậu, năng suất chất lượng, hiệu quả thấp, cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ nhỏ, kết cấu hạ tầng thấp kém… Đời sống vật chất, tinh thần nhân dân còn nhiều khó khăn.

Thực hiện tinh thần đổi mới của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng bộ và nhân dân huyện Bình Minh đã nhanh chóng đổi mới cách nghĩ, cách làm, từng bước vượt qua khó khăn và đạt được những thắng lợi to lớn. Nền kinh tế thị trường dần được triển khai, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, góp phần xây dựng và phát triển đô thị Bình Minh thêm khởi sắc. Chủ trương đổi mới đã làm chuyển biến căn bản cả tư duy và hành động trong toàn Đảng bộ và nhân dân Bình Minh. Từ chỗ sản xuất tự cung tự cấp, lo cái ăn, cái mặc, đối phó với khó khăn, thiếu thốn, Bình Minh đã chuyển sang sản xuất hàng hóa, có dư ra xuất khẩu nông sản, đem về ngoại tệ cho đất nước; đồng thời tích lũy để kiến thiết đô thị, nhà ở, tiện nghi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Hệ thống chính trị từng bước cũng được củng cố, phát triển. Đảng bộ và nhân dân Bình Minh đẩy mạnh sản xuất, ra sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Quá trình đô thị hóa từ đó cũng diễn ra mạnh mẽ hơn trước.

Bên cạnh việc phát huy thế mạnh nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, huyện đã tập trung lãnh- chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống của huyện như chế biến lương thực, thực phẩm, nước chấm. Mạng lưới thương mại phát triển khá nhanh và đều khắp trên địa bàn huyện. Ngoài chợ trung tâm, thị trấn còn có 10 chợ nông thôn. Cơ sở kinh doanh thương mại- dịch vụ phát triển khá nhanh, thu hút nhiều lao động. Các loại hình dịch vụ phát triển mạnh, nhất là các dịch vụ vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, viễn thông, dịch vụ tiền tệ, việc làm, bảo hiểm, giao thông vận tải, du lịch, pháp lý,…. tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, góp phần tích cực phân công lại lao động xã hội, tăng thu nhập và nâng cao mức sống của nhân dân.

Nổi bật là việc quy hoạch các khu dân cư mới, đồng thời đã huy động nhiều nguồn lực, nhiều chương trình tập trung giải quyết nhà ở cho nhân dân. Bình Minh đã đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang đô thị như giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng công cộng, cải tạo nâng cấp hệ thống điện, tổ chức hệ thống thu gom rác thải và quy hoạch xây dựng công viên thị trấn, quy hoạch lại các chợ nông thôn và chợ đầu mối theo định hướng phát triển chung của tỉnh. Xúc tiến đầu tư một số công trình trên địa bàn huyện, tập trung các chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội. Nhìn chung, từ khi Tỉnh ủy có chủ trương chuẩn bị chia tách huyện và xây dựng TX Bình Minh, công tác kêu gọi đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả rất phấn khởi, bộ mặt đô thị có bước khởi sắc và thị trường bất động sản sôi động.

Bình Minh đã thật sự hội nhập và phát triển theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hàng hóa chủ lực của huyện đã thâm nhập, cung ứng cho xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng đàng hoàng hơn, khang trang hơn. Thị trấn Cái Vồn cùng với các thị tứ, cụm dân cư vệ tinh xung quanh đã tạo nên đô thị Bình Minh phát triển, năng động về mọi mặt, xứng đáng được đầu tư xây dựng thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội thứ hai của tỉnh Vĩnh Long.

Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 125/NĐ-CP, ngày 31/7/2007 về chia tách huyện Bình Minh thành 2 đơn vị hành chính cấp huyện là Bình Minh và Bình Tân. Trong đó, huyện Bình Minh có diện tích tự nhiên 93,63km2 và 88.973 nhân khẩu, có 6 đơn vị hành chính (thị trấn Cái Vồn và các xã Thuận An, Mỹ Hòa, Đông Bình, Đông Thạnh, Đông Thành) và 55 ấp- khóm. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Minh xác định Bình Minh giữ vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại- dịch vụ, công nghiệp, khoa học kỹ thuật, quốc phòng- an ninh phía Nam của tỉnh; là đầu mối giao thông thủy bộ, giao lưu hàng hóa giữa các tỉnh trong khu vực với ĐBSCL và cả nước.

Ông Huỳnh Thái Nho- Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Bình Minh phấn khởi cho biết: Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị được cải tạo, kết hợp nâng cấp và xây dựng mới đường bộ, nhiều tuyến đường đã trải thảm bê tông nhựa nóng, cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh như cống thoát nước, lắp đặt điện chiếu sáng, điện sinh hoạt, vệ sinh môi trường. Đến nay, một số tuyến đường trong nội ô huyện đều được nâng cấp mở rộng, lát gạch vỉa hè và trồng cây xanh. Các trường học, bệnh viện, trạm y tế cũng được đầu tư xây dựng kiên cố theo tiêu chuẩn quốc gia. Các công trình văn hóa phúc lợi xã hội, điểm vui chơi giải trí đã được xây dựng nhiều hơn, từng bước đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Các công trình kiến trúc về nhà ở, công trình công cộng đều được xây dựng theo quy hoạch đô thị loại IV.

Có thể thấy rõ rằng giờ đây, Bình Minh đã ngày càng phát triển, sáng- xanh- sạch- đẹp, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, xứng tầm là một thị xã của tỉnh Vĩnh Long nằm bên bờ sông Hậu.

NGUYỄN SAN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh