Thi đua để xây dựng và phát triển

10:06, 03/06/2015

"Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất"- lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thấm nhuần và trở thành những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương và bảo vệ Tổ quốc.

[links()]

“Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”- lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thấm nhuần và trở thành những hành động, việc làm thiết thực, cụ thể, góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương và bảo vệ Tổ quốc.

5 năm qua, phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội tỉnh nhà luôn gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong đó huyện Trà Ôn là một điển hình.

Anh Lê Quang Thảo (phải) thăm cánh đồng được áp dụng “3 giảm, 3 tăng”.
Anh Lê Quang Thảo (phải) thăm cánh đồng được áp dụng “3 giảm, 3 tăng”.

Đổi mới thi đua

Trà Ôn là đơn vị điểm của tỉnh tổ chức đầu tiên hội nghị điển hình tiên tiến cấp huyện. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua”, thời gian qua, công tác thi đua khen thưởng của huyện Trà Ôn ngày càng đi vào chiều sâu. Hình thức phát động thi đua, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua được đổi mới đa dạng và phong phú, tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các ngành, các cấp và trong mọi tầng lớp nhân dân, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến trong các phong trào.

5 năm qua, huyện Trà Ôn đã phát động phong trào thi đua trên nhiều lĩnh vực như: chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp kém hiệu quả, nông dân sản xuất giỏi... Từ đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp từng bước chuyển dịch đúng hướng, giá trị sản xuất nông nghiệp thủy sản đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so năm 2010; dịch vụ nông nghiệp chiếm 9,6%, tốc độ tăng bình quân 14,2%/năm, sản lượng tăng từ 180.000 tấn lên gần 208.700 tấn; thu nhập bình quân 75 triệu đồng/ha/năm, tăng 15 triệu đồng so năm 2010.

Lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, đặc biệt là phong trào hiến đất xây dựng trường học, có 32 hộ hiến trên 36.600m2 đất với tổng trị giá khoảng 3,6 tỷ đồng. Các chương trình y tế quốc gia được thực hiện đạt trên 96%, phong trào hiến máu nhân đạo đã vận động được hơn 7.700 đơn vị máu. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, nếp sống văn minh nơi công cộng” được đẩy mạnh đi vào chiều sâu. Có 89% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 110 ấp- khu giữ vững nâng chất đạt chuẩn văn hóa theo tiêu chí mới. Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, có 41 tập thể và 128 cá nhân tiêu biểu được khen thưởng...

Ông Nguyễn Trường Giang- Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng huyện cho biết, thời gian qua, nội dung thi đua đã được cụ thể hóa sát với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị và đi vào đời sống thực tiễn xã hội; đã thu hút nhiều cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trực tiếp tham gia lao động sáng tạo, có nhiều sáng kiến hay để tăng gia sản xuất, kinh doanh giỏi đều tham gia thi đua và được biểu dương khen thưởng kịp thời như: phong trào xây dựng nông thôn mới, cựu chiến binh gương mẫu, nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hiến máu tình nguyện...

Vận động nhân dân ra sức thi đua

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình sản xuất lúa giống xã Xuân Hiệp- mô hình điển hình tiên tiến đã đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài tỉnh- trên cánh đồng lúa chín vàng nặng trĩu hạt, ông Lê Quang Thảo- Chủ nhiệm CLB Sản xuất lúa giống cho biết: Đây là mô hình được thực hiện từ vụ lúa Thu Đông 2014 với sự tham gia của 40 hộ nông dân là thành viên CLB.

Mô hình này được thực hiện theo dự án lúa “Áp dụng “3 giảm, 3 tăng” kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa bằng phương pháp cấy”. CLB đã gieo mạ và cấy 2 loại giống OM 4900 và OM 6976 của Viện Lúa ĐBSCL, trung bình 30kg giống được cấy cho 1ha đất. Nhờ áp dụng đúng quy trình bón phân và khử lẫn, cho năng suất 6,3 tấn/ha (ngoài mô hình là 6 tấn/ha), lợi nhuận trên 37,3 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa hàng hóa là 22,3 triệu đồng. Ông Lê Quang Thảo cho biết thêm, chính nhờ áp dụng cấy lúa bằng máy nên chi phí đầu tư giảm so với cấy tay, nhờ đó, lợi nhuận cũng tăng lên. Mô hình đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, thay đổi nhận thức trong cơ cấu giống, việc sản xuất được chuẩn bị chu đáo, khoa học và có được giống chất lượng với nhiều chủng loại thì nông dân sẽ có nhiều lựa chọn theo nhu cầu thị trường. Chính nhờ đáp ứng được nhu cầu về giống đạt tiêu chuẩn mà CLB đã được người dân gần xa tin tưởng.

Thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Xuân Hiệp là 1 trong 4 địa phương tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 1.500ha (chiếm 12,3% diện tích trồng lúa). Bước đầu, đã mang lại hiệu quả tích cực, lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình bình quân 2,7- 3 triệu đồng/ha. Qua các phong trào thi đua yêu nước, nhân dân đã tích cực tham gia lao động, sản xuất. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người từ 15,75 triệu đồng/người/năm vào năm 2011, đến nay đã tăng lên 26,7 triệu đồng/người/năm.

Thông qua các phong trào thi đua đã phát hiện nhiều cá nhân điển hình tiên tiến để nhân rộng, học hỏi và nêu gương. Đã có 3.381 tập thể, 13.619 cá nhân được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh, UBND huyện tặng bằng khen, giấy khen, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế- xã hội của huyện.

 

Bài, ảnh: YẾN- TƯƠI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh