Tạo sức bật cho phát triển toàn diện

03:06, 26/06/2015

10 năm qua, bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin (BCVT, CNTT) Vĩnh Long đã có bước tiến mạnh mẽ. Lĩnh vực này đã góp phần chung vào sự phát triển trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội; đảm bảo quốc phòng- an ninh và đóng góp lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

[links()]

10 năm qua, bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin (BCVT, CNTT) Vĩnh Long đã có bước tiến mạnh mẽ. Lĩnh vực này đã góp phần chung vào sự phát triển trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội; đảm bảo quốc phòng- an ninh và đóng góp lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

BCVT: Bước chạy đà ấn tượng

Ông Nguyễn Việt Thanh- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Vĩnh Long cho biết: “BCVT tỉnh có bước chạy đà và phát triển rất ấn tượng”. Từ những ngày đầu thành lập (20/5/2005, lấy tên là Sở BCVT), thị trường này bắt đầu có hướng đi mới. Tuy nhiên, giai đoạn này cơ sở hạ tầng mạng điện thoại, Internet còn rất hạn chế. Việc sử dụng Internet ở mức thấp, phần lớn các cơ quan, doanh nghiệp mới sử dụng, tốc độ thấp…

Biểu đồ tổng số thuê bao điện thoại cố định và di động.
Biểu đồ tổng số thuê bao điện thoại cố định và di động.

Giai đoạn đầu những năm 2000, giá cước điện thoại đã giảm rất nhiều. Và cột mốc đặc biệt là ngày 29/4/2003- thị trường viễn thông đã xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp. Giá cước giảm mạnh. Tuy nhiên, giá cước vẫn còn cao so với thu nhập của người dân. Do vậy, việc sở hữu một chiếc điện thoại di động/điện thoại thông minh đối với nông dân, người thu nhập thấp giai đoạn này thì “chắc chỉ có nằm mơ mới có”- ông Nguyễn Tấn Dương- Phó Giám đốc Sở TT-TT nói vui.

Đến 3/2008, viễn thông đã có bước phát triển ngoạn mục. Trên cơ sở các quy hoạch BCVT đã được UBND tỉnh phê duyệt và sự định hướng, tạo điều kiện thuận lợi từ Sở TT-TT, các doanh nghiệp viễn thông đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và kinh doanh dịch vụ với tốc độ nhanh. Hệ thống thông tin, liên lạc trên địa bàn tỉnh luôn an toàn và thông suốt, kể cả vùng sâu, vùng xa; bảo đảm phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh; phòng chống bão lụt, doanh thu BCVT phát triển mạnh.

Cụ thể, năm 2005 có 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet, mức phủ sóng điện thoại 60%, đến nay đã tăng lên 7 doanh nghiệp. Mạng di động đã được phủ sóng trong toàn tỉnh, Internet cáp quang tốc độ cao, đã đến với các xã vùng sâu. Đặc biệt là việc phát triển các trạm thông tin di động (BTS). Từ 12 trạm BTS năm 2005, đến nay đã phát triển lên hơn 1.390 trạm (trên 500 trạm 3G). Nếu năm 2005, doanh thu đạt 70 tỷ đồng, nộp ngân sách 5 tỷ đồng thì đến năm 2014 doanh thu đã tăng lên 700 tỷ đồng nộp ngân sách 60 tỷ đồng,… Bên cạnh, mạng lưới bưu chính, chuyển phát hoạt động ổn định, chất lượng được đảm bảo, góp phần cho các xã đạt tiêu chí thứ 8 (TC bưu điện) trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Có được kết quả đó, lãnh đạo Sở TT-TT cho biết: “Quan trọng nhất là nhờ cơ chế chính sách của Nhà nước cũng như sớm có quy hoạch BCVT, CNTT”. Ông Nguyễn Tấn Dương cho biết thêm, lãnh đạo tỉnh đã có những chủ trương, định hướng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tỉnh trong triển khai hạ tầng mạng. Cụ thể, “hỗ trợ đẩy mạnh xây dựng trạm BTS (trạm thu/phát sóng thông tin di động) được phép xây tạm trên đất nông nghiệp mà chưa cần thiết chuyển thổ cư, nhờ đó mà thời gian qua đã phát triển các trạm BTS vùn vụt”- ông nêu một ví dụ.

CNTT: Trên đà tăng tốc

Ông Nguyễn Tấn Dương cho biết, tỉnh sớm có quy hoạch CNTT, hạ tầng được nâng cấp, các ứng dụng CNTT đã từng bước phát triển và đạt kết quả rất tốt. Lĩnh vực viễn thông phát triển ngày càng mạnh đã hỗ trợ tương tác với lĩnh vực CNTT.

Những năm 2005, “Tốc độ đường truyền ra Internet tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh phục vụ sở ban ngành năm 2005: 512 Kbps (tương đương 0,5 Mbps) nay đã tăng lên 300 Mbps”- ông Võ Văn Phước- Phó Giám đốc Trung tâm CNTT-TT Vĩnh Long cho biết. Còn việc sử dụng Internet tại các đơn vị sử dụng cáp đồng trục và quay số với tốc độ thấp chỉ 32 Kbps, sau đó được nâng lên gấp đôi tức 64 Kbps. Tuy nhiên, nếu so với hiện nay là từ 1- 100 Mbps qua cáp quang mới thấy sự thay đổi rất lớn. Đặc biệt, hiện mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan nhà nước theo công nghệ đối xứng đã có gần 200 đơn vị từ tỉnh đến xã đã tham gia kết nối về mạng diện rộng của tỉnh phục vụ công tác truy cập, khai thác thông tin trên hệ thống cổng/trang thông tin điện tử, thư điện tử của tỉnh,…

Ông Nguyễn Tấn Dương cho rằng, về mặt quản lý nhà nước, cũng như ứng dụng trong cơ quan đơn vị thì “qua phối hợp với các cơ quan, đơn vị góp phần vào việc cải cách thủ tục hành chính tỉnh, huyện, xã”. Trong đó, việc sớm áp dụng chứng thư số để chuyển văn bản điện tử đã đạt những kết quả tích cực. Và những dự án CNTT, các giải pháp công nghệ bảo mật, an toàn thông tin ngày càng được quan tâm đầu tư.

Ông Võ Văn Phước cho biết thêm, hiện Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh đã được nâng cấp, đảm bảo phục vụ tốt hệ thống, đường truyền, dữ liệu cũng như các ứng dụng CNTT. Ở đây vận hành các phần mềm đang hoạt động dùng chung cho toàn tỉnh như phần mềm quản lý văn thư - hồ sơ công việc; một cửa điện tử, một cửa liên thông. Ngoài ra, còn có các phầm mềm chuyên ngành như quản lý đất đai (thuộc dự án VLAP); điều hành tác nghiệp; quản lý thanh tra, khiếu nại, tố cáo; quản lý tài sản; quản lý kế toán- tài chính; quản lý khoa học- công nghệ; quản lý nhân sự…

Đặc biệt, Sở TT-TT phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 840 chứng thư số chuyên dùng cho đơn vị, cán bộ công chức cấp tỉnh, huyện và xã. Bên cạnh đó, với hơn 5.300 hộp thư được cấp, mức độ thường xuyên sử dụng trong công việc là 70%. Tổng số tên miền hoạt động trên Internet đã được cấp phát tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh là 60. Trong đó, có 47 tên miền của các cổng/trang thông tin điện tử tỉnh cung cấp 1.799 dịch vụ công mức độ 1 và 2; 1 phần mềm dịch vụ công mức độ 3 (126 dịch vụ công mức độ 3);… Ngoài ra, những năm gần đây việc đưa chỉ tiêu ứng dụng CNTT vào tiêu chí thi đua của tỉnh đã giúp lãnh đạo khắc phục và có hướng phát triển ứng dụng CNTT cho đơn vị mình tốt hơn,...

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Giám đốc Sở TT-TT- Nguyễn Việt Thanh cho biết, lĩnh vực BCVT, CNTT sẽ còn cạnh tranh khốc liệt hơn nữa trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoài nước. Đặc biệt, lĩnh vực CNTT là rất nhạy cảm và cần thiết, bởi sắp tới đây sẽ tiến tới xây dựng chính quyền điện tử từ tỉnh đến xã, các đề án ứng dụng CNTT như cải cách thủ tục hành chính một cửa và đặc biệt là thực hiện chương trình hành động theo Nghị quyết 36/TW của Trung ương,… Tất cả cần có sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo tỉnh, nhất là vấn đề về phân bổ danh mục kinh phí theo ngân sách cho ngành. Đồng thời đòi hỏi sự chủ động tham mưu của Sở TT-TT, từ đó, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho phát triển ứng dụng của CNTT, từng bước xây dựng CNTT trở thành ngành kinh tế- kỹ thuật quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng- an ninh.

Giám đốc Sở TT-TT- Nguyễn Việt Thanh cho biết, lĩnh vực BCVT, CNTT sẽ còn cạnh tranh khốc liệt hơn nữa trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoài nước.
Giám đốc Sở TT-TT- Nguyễn Việt Thanh cho biết, lĩnh vực BCVT, CNTT sẽ còn cạnh tranh khốc liệt hơn nữa trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp ngoài nước.

Bài, ảnh: TẤN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh