Ngày 23/5 vừa qua, liên tiếp 2 vụ sạt lở bờ bao nặng đã xảy ra, một bờ bao ở xã Long Mỹ (Mang Thít) và một bờ bao ở phường Thành Phước (TX Bình Minh) làm 1 nhà sàn bị cuốn trôi và khoảng 10 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp.
[links()]
Ngày 23/5 vừa qua, liên tiếp 2 vụ sạt lở bờ bao nặng đã xảy ra, một bờ bao ở xã Long Mỹ (Mang Thít) và một bờ bao ở phường Thành Phước (TX Bình Minh) làm 1 nhà sàn bị cuốn trôi và khoảng 10 hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp.
Điều đáng lưu ý ở cả 2 điểm sạt lở này là nền gạch, tường nhà dân hiện đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt mà theo ngành chuyên môn, khả năng tiếp tục sạt lở sẽ rất cao.
Điểm sạt lở tại vàm kinh Hai Quý (Khóm 1, phường Thành Phước- TX Bình Minh) được khắc phục tạm bằng cách phủ bạt cao su để tránh sóng gây sạt lở thêm. |
Ghi nhận tại điểm sạt lở đê bao thuộc Tổ 1 (ấp Long Khánh, xã Long Mỹ-Mang Thít) chỉ trong 4 ngày (từ ngày 23- 26/5) đã xảy ra nhiều lần sạt lở, trong đó có 2 lần sạt lở nặng với khoảng 70m bờ bao sạt xuống sông, gây thiệt hại đáng kể về tài sản của ít nhất 4 hộ dân nơi đây.
Theo ông Nguyễn Đắc Hưởng- hộ dân chịu ảnh hưởng sạt lở đất, lần sạt lở nặng đầu xảy ra không chỉ đã làm cho cả đoạn bờ bao trước cổng tường rào nhà ông mất dạng mà sâu phía trong sân khoảng 5m cũng xuất hiện những vết rạn nứt nền gạch, xé tường. Không lâu sau đó thì hầu như cả mảng đất có dấu hiệu rạn nứt đã rớt xuống sông ở lần sạt lở nặng thứ 2 cách lần thứ nhất chỉ 4 ngày.
Đến nay, điểm sạt lở đã được khắc phục tạm bằng việc phủ bạt cao su để tránh sóng gây xói lở thêm, nhưng những vết rạn nứt, xé tường nhà đã xuất hiện ở những hộ lân cận khiến người dân không khỏi lo lắng. Có hộ đã chuyển đến chỗ ở khác để tránh nguy hiểm bởi khả năng sạt lở vẫn còn rất cao.
Người dân đã tháo dỡ các mái che trước nhà để giảm trọng lượng. |
Bà Trần Thị Nhiên có nhà liền kề với nhà ông Nguyễn Đắc Hưởng tỏ ra lo lắng khi sạt lở đã khiến cho phần bờ bao trước nhà bà rung rinh. Theo bà, cách đây đúng một năm bà cũng chịu cảnh sạt lở tương tự. Tuy đoạn bờ bao này đã được kiên cố hóa nhưng xem ra nay không còn vững chãi nữa khiến bà bất an.
Ông Huỳnh Hoàng Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Long Mỹ cho biết: phạm vi sạt lở đang có chiều hướng tiếp tục lan rộng, ăn sâu vào phần đất liền, mùa mưa tới sẽ còn dễ sạt lở hơn nữa.
Nếu như bờ bao ở xã Long Mỹ đã nhiều lần xảy ra sạt lở và người dân nhận thấy được nguy cơ thì tại điểm sạt lở bờ kinh Hai Quý (Khóm 1, phường Thành Phước- TX Bình Minh), người dân tỏ ra khá bất ngờ. Anh Phạm Thành Việt- hộ dân có căn nhà sàn bị cuốn trôi vì sạt lở- cho biết lâu nay khu vực này chưa xảy ra sạt lở, không ngờ bây giờ lại sạt lở nặng và lại bất ngờ nên anh không kịp trở tay.
Anh Việt làm việc tại lò mổ gia súc nên ra ngoài từ nửa đêm, ở nhà có vợ và con nhỏ. Trong cái rủi có cái may, trước lúc sạt lở xảy ra (khoảng 3 giờ sáng), có người quen chở hàng qua nhà thấy cột điện trước nhà anh bị nghiêng xuống sông nên kịp thời kêu vợ con anh thoát ra ngoài, lát sau thì sạt lở đất, căn nhà đổ sụp xuống sông, tài sản trong nhà gần như mất trắng.
Đến nay, điểm sạt lở trên có nguy cơ xâm thực sâu vào bên trong. Hiện tại nhà của các hộ dân trong điểm sạt lở có dấu hiệu răn, nứt phần sân. Qua vận động, người dân đã tháo dỡ các mái che trước nhà để giảm trọng lượng.
Ngay khi vụ việc xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã đến khảo sát tại các điểm sạt lở trên, đồng thời chỉ đạo địa phương phát huy “4 tại chỗ” để hỗ trợ người dân trong vùng sạt lở di dời các vật dụng, con người ra khỏi khu vực nguy hiểm, yêu cầu không đến gần, không ngủ đêm tại khu vực này- nhất là trẻ em.
Trước mắt, ngành chức năng đặt biển báo ở hai đầu khu vực sạt lở, cắt giao thông đi lại, vận động các hộ dân tháo dỡ, di dời vật kiến trúc như hàng rào, nhà tạm trước sân để giảm bớt trọng lượng khu vực sạt lở, đồng thời tiến hành gia cố tạm phủ bạt cao su để tránh sóng gây sạt lở thêm, khi ổn định nền đất sẽ gia cố đất khắc phục.
Sắp tới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn 2 địa phương sẽ thuê đơn vị tư vấn khảo sát lòng sông về mức độ sạt lở để có phương án xử lý cụ thể. Quan điểm của ngành chuyên môn, việc gia cố các điểm sạt lở này bằng giải pháp công trình đòi hỏi cần có khoảng thời gian nhất định nhằm khảo sát xây dựng phương án khả thi. Hiện tại, việc can thiệp bằng giải pháp công trình trong khi nền đất tại điểm sạt lở chưa ổn định sẽ không mang lại hiệu quả cao.
Theo Chi cục Thủy lợi, hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa, từ mùa khô sang mùa mưa, do mưa xuống làm nền đất yếu nên đây là thời điểm sạt lở thường xảy ra. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở, trong đó những bờ bao có nền đất yếu cộng với trọng lượng của các vật kiến trúc bên trên sẽ khiến sạt lở nghiêm trọng hơn.
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin