Phóng viên tác nghiệp nơi biển đảo

03:06, 23/06/2015

Một lần được đến với đảo xa, chúng tôi- những người làm báo có dịp tác nghiệp trong một môi trường khá đặc biệt. Thông tin, bài viết được truyền về từ trên boong tàu giữa biển trời bao la hay ở đảo tiền tiêu- nơi mà những phương tiện tác nghiệp hiện đại đôi khi không còn phát huy tác dụng.

[links()]

Một lần được đến với đảo xa, chúng tôi- những người làm báo có dịp tác nghiệp trong một môi trường khá đặc biệt. Thông tin, bài viết được truyền về từ trên boong tàu giữa biển trời bao la hay ở đảo tiền tiêu- nơi mà những phương tiện tác nghiệp hiện đại đôi khi không còn phát huy tác dụng.

Phóng viên Đài PT-TH Bình Dương tác nghiệp.
Phóng viên Đài PT-TH Bình Dương tác nghiệp.

Những ngày giáp Tết Ất Mùi, đoàn công tác của Vùng E Hải quân cùng đại biểu đoàn đại diện lãnh đạo các tỉnh- thành miền Đông và Tây Nam Bộ đã đến thăm và tặng quà tết các cán bộ, chiến sĩ hải quân và nhân dân tại các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Cùng tham gia chuyến công tác này có hơn 30 phóng viên báo, đài trung ương và địa phương.

Trong đó, xa nhất là phóng viên ở tỉnh Hải Phòng, rồi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai cùng một số báo, đài PTTH khu vực ĐBSCL, các văn phòng đại diện báo, đài Trung ương tại TP Cần Thơ.

Trong số này, có người đã nhiều lần tác nghiệp trên vùng biển cực Nam của Tổ quốc. Tuy vậy cũng có không ít phóng viên mới lần đầu đến với đảo xa.

Phóng viên tác nghiệp tại đảo Hòn Khoai.
Phóng viên tác nghiệp tại đảo Hòn Khoai.

Thế nhưng tất cả đều có chung tâm trạng háo hức được đi, được thấy, được nghe, được ghi nhận những nỗ lực vượt qua khó khăn của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm nỗ lực bám đảo, bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và tất cả họ đều xem đây là một chuyến đi đầy ý nghĩa và bổ ích trong hành trình dài làm báo với những trải nghiệm thực tế sống động trên bước đường tác nghiệp.

Với mong muốn phản ánh kịp thời đầy đủ nhịp sống và nỗ lực bám biển, bám đảo của cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, các nhà báo có mặt trong hành trình này đã vượt qua nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt, tác nghiệp để kịp thời chuyển tải những thông tin mới trên vùng biển đảo Tây Nam đến với đất liền.

Khó khăn về chỗ nơi sinh hoạt trên tàu hay tình hình địa lý cách trở trên vùng biển đảo không phải là chuyện thường tình đối với các nhà báo tác nghiệp trên vùng biển đảo Tây Nam. Cái khó lớn nhất tác động trực tiếp đến tác nghiệp mà cánh phóng viên quan tâm nhiều chính là đường truyền Internet. Có những lúc phải “bó tay” vì không có bất cứ tín hiệu nào của sóng điện thoại hay sóng 3G khi đến với các đảo tiền tiêu hay lúc tàu rời cảng.

Phóng viên Lê Hữu Đăng Khoa (Đài PT-TH Vĩnh Long) cho biết: “Tôi đã có dịp tác nghiệp tại đảo Thổ Chu cách nay 2 năm và hôm nay đến đây, tôi rất vui khi các điều kiện về văn hóa về tinh thần cho người dân đã phát triển, có rất nhiều quán xá phục vụ chiếu phim hoặc xem bóng đá, và giờ đây tôi có thể ngồi làm việc ở một quán cà phê có phục vụ wifi. Đây cũng là một trong những điều kiện rất là tốt để nhóm phóng viên chúng tôi chuyển tải thông tin kịp thời về đất liền từ đảo xa”.

Buổi tối trong khoang tàu, các phóng viên tranh thủ chuyển thông tin qua Internet khi tàu chưa di chuyển.
Buổi tối trong khoang tàu, các phóng viên tranh thủ chuyển thông tin qua Internet khi tàu chưa di chuyển.

Phóng viên Lê Anh Kiệt (Đài PT-TH Vĩnh Long) nhớ lại lần tới Trường Sa cách nay gần 7 năm, thời điểm đó, điều kiện tác nghiệp khá khó khăn, hầu như toàn bộ tin tức, hình ảnh đều chưa được xử lý tại chỗ để truyền về. Một số thông tin quan trọng được xử lý để phát thanh mà phóng viên chỉ có thể truyền về bằng điện thoại.

Vừa trở về sau chuyến công tác tại Trường Sa, phóng viên Bùi Thanh Tâm (Báo Vĩnh Long) chia sẻ những bài học kinh nghiệm tác nghiệp khi tốc độ đường truyền mạng hạn chế. Để truyền tin tức, hình ảnh kịp thời đòi hỏi phóng viên tác nghiệp nhanh chóng, tranh thủ mọi thời gian để hoàn thành sớm trước khi tàu di chuyển.

Do phải di chuyển liên tục trên tàu và thời gian tác nghiệp không nhiều tại các điểm đảo, nên hầu hết các phóng viên, nhà báo đều tranh thủ bất cứ lúc nào có thể, từ ngay trên boong tàu, hay trong một góc khuất căn phòng nhỏ của các thuyền viên. Thông thường, các phóng viên tranh thủ viết bài khi tàu chưa cập cảng hay những lúc nửa đêm về sáng. Đối với những thông tin thời sự thì hầu hết được xử lý hoàn thành tại hiện trường để kịp di chuyển cùng đoàn công tác.

Bạn Lê Hải Anh (Đài PT-TH Vĩnh Long) cho rằng, để quay được nhiều hình ảnh từ các buổi tiếp xúc với lính đảo, đời sống của cư dân trên đảo, người quay phim phải chạy đua với thời gian. Cũng lần đầu được đến với đảo xa, phóng viên Huỳnh Chí Nghĩa (Đài PT-TH Đồng Tháp) bày tỏ mong muốn có thêm nhiều chuyến đi đảo xa để hiểu thêm cuộc sống của người lính đảo và qua đó bản thân trau dồi được nhiều kinh nghiệm sống, để việc tuyên truyền về biển đảo trong thời gian tới được tốt hơn.

Sau chuyến hải trình dài, trải qua các đảo tiền tiêu thiêng liêng, những thông tin nóng bỏng, kịp thời được đăng, phát trên báo chí, đong đầy những nỗ lực của các nhà báo tác nghiệp nơi đảo xa. Những khó khăn vất vả sau mỗi ngày như cũng tan theo bọt biển khi những trải nghiệm được các đồng nghiệp hàn huyên bên mâm cơm chiều trên boong tàu lộng gió biển.

Bài, ảnh: LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh