Nhân ngày Môi trường thế giới (5/6), xin ghi lại vài thông điệp từ cuộc sống để mỗi người cùng chiêm nghiệm và có hành vi ứng xử hợp lý để giữ gìn môi trường sống của chúng ta bền vững hơn.
[links()]
Nhân ngày Môi trường thế giới (5/6), xin ghi lại vài thông điệp từ cuộc sống để mỗi người cùng chiêm nghiệm và có hành vi ứng xử hợp lý để giữ gìn môi trường sống của chúng ta bền vững hơn.
Bãi chôn lấp rác tập trung của Bãi rác Hòa Phú sắp hết chỗ chứa. |
Môi trường và cuộc sống có mối quan hệ rất đa dạng. Trong bài viết này, chỉ xin đề cập đến 3 lĩnh vực trọng yếu có quan hệ mật thiết tới cuộc sống hàng ngày, đó là rác thải, nước thải và khí thải.
Rác xưa, rác nay
Rác thải (sinh hoạt và công nghiệp) đâu đâu cũng có. Từ thành thị đến nông thôn, mỗi nhà, mỗi người hàng ngày đều có nhu cầu sinh hoạt, sử dụng vật dụng, hàng hóa cho cuộc sống, kèm theo đó là một lượng chất thải được loại ra môi trường. Nhìn lại những năm 1970 trở về trước, liệu môi trường sống có bị ô nhiễm? Ông bà xưa cho biết là có nhưng không đáng kể. Một phần do đất rộng, người thưa, chất thải ra môi trường chung quanh không nhiều. Hơn nữa, trước đây, trong mọi mặt của đời sống con người (cả chăn nuôi, trồng trọt) hầu hết dựa vào các điều kiện của tự nhiên mang lại. Từ các vật dụng sinh hoạt trong nhà đến những thứ thiết yếu cho cuộc sống đều lấy từ thiên nhiên, chẳng hạn như vật liệu xây dựng, vật dụng gia đình, thức ăn phần lớn từ “cây nhà lá vườn”. Khi không còn sử dụng được nữa chỉ cần đem thiêu hủy hoặc có vứt ra môi trường tự nhiên thì cũng chỉ trong thời gian ngắn các vật dụng “hữu cơ” ấy nhanh chóng phân hủy, có thể dùng san lấp mặt bằng hoặc làm phân bón cho cây trồng.
Khi đời sống xã hội hiện đại hơn, mọi vật dụng được chế tạo sẵn, giúp cho con người thêm nhiều tiện ích. Tuy nhiên, hệ lụy kèm theo đó là các chất thải của thời đại công nghiệp, như nhựa, chất dẻo, cao su, ny lông, kim loại bền, thủy tinh, cùng các chất liệu tổng hợp, hóa chất khác… Nhiều bãi chứa rác được mở rộng, tăng công suất và biện pháp xử lý nhưng vẫn không đáp ứng kịp cho lượng chất thải rắn ngày một nhiều hơn và thời gian phân hủy lại lâu hơn. Có loại chẳng ai đoán được đến bao giờ nó mới phân hủy hết. Rác thải thời công nghiệp đã và đang trở thành vấn nạn nghiêm trọng, là thách thức lớn đặt ra cho chính quyền các cấp và ngành quản lý hiện nay.
Thái độ ứng xử với môi trường chưa tốt
Với tập quán đời sống từ nền nông nghiệp lạc hậu, đa số người dân vẫn còn thói quen “thoải mái” trong xử lý rác thải. Ở đâu có người thì ở đó có rác thải. Hệ lụy của các thói quen đã làm cho môi trường sống trở nên nhếch nhác, ô nhiễm, rất khó khắc phục.
Hệ thống nước thải sinh hoạt dân cư và sản xuất nhỏ lẻ hầu hết đưa trực tiếp ra sông, khiến các dòng sông ngày càng ô nhiễm nặng. |
Về nước thải sinh hoạt, theo ông Trần Hoài Hiệp- Phó Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Long, cho đến thời điểm này hầu hết nước thải sinh hoạt tại các đô thị đều thải trực tiếp ra sông rạch, ao hồ mà chưa qua khâu xử lý nào (ngoại trừ một vài khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế có cam kết về bảo vệ môi trường). Chính vì thế, nguồn nước mặt trên các sông rạch bị ô nhiễm ngày càng nặng hơn. Hiện tại cũng có hàng trăm giếng khoan nước ngầm trong dân cư nông thôn lâu ngày không còn khai thác mà không được lấp lại cẩn thận, làm cho các mạch nước ngầm cũng bị ô nhiễm. Theo ông Võ Anh Duy- Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, việc đầu tư xử lý nước sạch đạt chuẩn mỗi năm có xu hướng tăng cao hơn. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm nặng thì việc tạo ra mỗi mét khối nước sạch, tương lai sẽ cao hơn nhiều lần so với trước đây.
Ai cũng biết và thấy rất rõ rằng, chúng ta đang sống trong môi trường không khí ngày một bẩn hơn. Ở trong nhà, trên các bàn ghế, nếu không kịp lau chùi mỗi ngày chúng ta thấy dày thêm nhiều lớp bụi bẩn; trên các cánh quạt máy, bộ lọc máy điều hòa bụi bẩn dày thêm sau một thời gian ngắn sử dụng. Vậy, thử hỏi lá phổi của chúng ta mỗi ngày có bấy nhiêu tạp chất độc hại từ môi trường không khí bẩn chui vào mà không cách nào gội rửa. Hệ lụy đã làm cho nhiều người bị viêm hô hấp, viêm phế quản, hen và giảm tuổi thọ từng năm. Tỷ lệ người mắc các chứng bệnh về hô hấp ngày càng nhiều, chắc chắn không loại trừ có tác động từ môi trường sống ngày càng ô nhiễm nặng nề hơn.
Trong khi giải pháp hữu hiệu về bảo vệ môi trường hầu như vẫn còn nằm yên trên luật, thì những hành vi xâm phạm làm ảnh hưởng đến môi trường sống đa phần chỉ dừng ở mức tuyên truyền giáo dục. Nếu chưa có chế tài nghiêm khắc thì có lẽ còn lâu lắm ý thức giữ gìn môi trường mới được tôn trọng. Không thể chỉ gần đến ngày Môi trường thế giới (5/6) chúng ta mới dọn dẹp rác rưởi ở nơi công cộng để làm “phong trào”. Điều mà cuộc sống cần là làm sao cho mọi người sống và làm theo pháp luật, không xả rác thải ra môi trường, nước thải cần được thu gom và xử lý.
Đó là chưa kể, tình trạng ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên phạm vi cả nước diễn ra rất phức tạp. Một số bãi rác đã biến thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, người dân khiếu kiện kéo dài, tụ tập đông người ngăn cản xe vận chuyển chất thải từ địa phương khác vào bãi rác là một thực tế từng diễn ra (Vĩnh Long cũng đã từng có). Hầu hết các địa phương mới chỉ quan tâm đến quy hoạch các bãi chứa rác chứ chưa quan tâm đến các vấn đề như phân loại rác đầu nguồn, cuối nguồn; biện pháp xử lý chất thải… công nghệ xử lý phù hợp để bảo vệ môi trường và đảm bảo lợi ích kinh tế dường như vẫn còn xa lạ.
Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 có 20 chương, 170 điều. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Theo Bộ Tài nguyên- Môi trường, ở nước ta, khối lượng chất thải rắn đang tăng lên rất nhanh trong khi bãi chôn lấp thì không có khả năng mở rộng. Phương thức xử lý chủ yếu là chôn lấp, nhưng khoảng 70- 80% bãi chôn lấp vận hành không phù hợp, là bãi chôn lấp hở... Hệ lụy là tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ở các đô thị và các thành phố lớn. Ứng dụng công nghệ mới theo hướng giảm đốt và chôn lấp là phương án nước ta cần tính đến để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. |
Bài, ảnh: TRẦN ÚT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin