Hết lòng vì bệnh nhân nghèo, khuyết tật

04:06, 23/06/2015

Hơn 10 năm tham gia công tác tại Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, bà Đỗ Thị Ngon- Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TX Bình Minh đã không ngại khó ngại khổ để mang đến niềm vui, hy vọng cho những số phận kém may mắn.

[links()]

Hơn 10 năm tham gia công tác tại Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, bà Đỗ Thị Ngon- Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TX Bình Minh đã không ngại khó ngại khổ để mang đến niềm vui, hy vọng cho những số phận kém may mắn.

5 năm qua, bà Đỗ Thị Ngon (thứ 3 từ trái sang) đã vận động hỗ trợ 230 chiếc xe đạp cho trẻ mồ côi.
5 năm qua, bà Đỗ Thị Ngon (thứ 3 từ trái sang) đã vận động hỗ trợ 230 chiếc xe đạp cho trẻ mồ côi.

Về TX Bình Minh hỏi thăm bà Đỗ Thị Ngon chắc hẳn mọi người sẽ có chung câu trả lời: Bà là bác sĩ tận tâm và hết lòng vì bệnh nhân nghèo, khuyết tật, trẻ mồ côi. Tham gia vào quân đội làm bác sĩ quân y đến năm 1992 về hưu, bà về TX Bình Minh mở phòng khám bệnh để ổn định kinh tế gia đình, cũng vừa giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo. Bà nhớ lại: Lúc bấy giờ hoàn cảnh thiếu thốn lắm, trong mình chỉ có vài trăm ngàn, gia đình bà phải mượn nhà tín dụng để ở. Tuy nhiên, nhờ phấn đấu mà gia đình vượt qua khó khăn.

Năm 2005, bà được phân công vào công tác tại Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo huyện Bình Minh. Đến năm 2010 thì được phân công làm Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo Bình Minh cho đến nay. Bước đầu, hội “bắt đầu từ con số 0” còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng với sự quyết tâm, bà đã cố gắng để phát triển tổ chức hội và “vận động sao cho được nhiều người tham gia, nhiều người đóng góp”. Từ năm 2010 đến nay, hội phát triển nhanh: tất cả 8 đơn vị xã- phường đều đã lập được cơ sở hội. Từ 20 hội viên ban đầu, đến nay, đã phát triển lên đến 600 hội viên, tham gia vận động được trên 32,8 tỷ đồng để phục vụ cho các chương trình hoạt động hữu ích tại địa phương.

Bà cho biết, đã từng sống cơ cực nên rất cảm thông trước những mảnh đời bất hạnh. Và chính mong muốn được góp công sức của mình giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh đã trở thành động lực mạnh mẽ để bà hết lòng với công tác xã hội. Hơn 10 năm qua, trên chiếc xe gắn máy của mình, bà đã tự thân “mang hy vọng đến cho nhiều mảnh đời bất hạnh”.

Bà quan niệm: “Đời người như chiếc thuyền trên biển. Nếu gặp sóng gió, chúng ta cố gắng vượt qua thì sẽ đi đến bến bình yên. Chính vì thế mà trong công việc bà luôn cố gắng hết sức có thể để đem đến niềm vui cho mọi người”.

Bà kể: “Không phải lúc nào đi vận động, quyên góp cũng như mong muốn hết. Nhớ đợt đi vận động một doanh nghiệp tại thị xã, lần đầu vận động chỉ được 10.000đ thôi, nhưng sau đó nhờ làm việc uy tín mà doanh nghiệp ấy đã ủng hộ hàng triệu đồng. “Và chưa có lần nào đi về tay không”- bà nói vui.

Giúp cho những người tàn tật vượt qua số phận, hòa nhập với cộng đồng, bà và các hội viên đã vận động hàng trăm xe lăn, xe lắc; phẫu thuật 24 trẻ sứt môi, hở hàm ếch, khoèo tay chân, trợ giúp sinh kế cho 9 trường hợp,…

Trong công tác chăm sóc trẻ em mồ côi và bệnh nhân nghèo, đã vận động hỗ trợ học bổng, tập viết với giá trị trên 970 triệu đồng; vận động phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho người nghèo, phẫu thuật tim, phẫu thuật cho phụ nữ nghèo bị u xơ tử cung, vận động trợ giúp bệnh nhân nghèo… trên 7 tỷ đồng

Từ sự tận tâm của bà và các hội viên, đã vận động nhiều đoàn y, bác sĩ về địa phương thăm khám bệnh miễn phí cho trên 20.350 lượt người dân. Bếp ăn miễn phí do hội quản lý đã phát động đã quyên góp được hàng trăm tấn rau củ quả và nhu yếu phẩm và hỗ trợ hàng trăm ngàn suất cơm, suất cháo cho bệnh nhân nghèo…

Theo bà, là Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, ngoài trách nhiệm còn phải có cái tâm, biết tranh thủ sự lãnh đạo của cấp trên và phải công khai minh bạch. Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác vận động, bà cho biết: Phải chịu khó, không mặc cảm, không tự ái, chi đúng người đúng bệnh, có như thế thì công tác vận động mới hiệu quả. Không chỉ thế, bản thân mình phải có tấm lòng thương người và tiên phong đóng góp. Chính vì thế, hàng năm, bản thân bà còn trích tiền lương hưu của mình ủng hộ cho quỹ khuyến học, quỹ Vì người nghèo, hỗ trợ cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn sửa nhà…

Đến nay có rất nhiều trường hợp được vận động giúp đỡ đã có thêm điều kiện mưu sinh, vượt qua được nỗi đau bệnh tật hòa nhập với cộng đồng. “Bằng tinh thần “lá lành đùm lá rách”, cô Ngon đã đem đến niềm hy vọng cho những số phận không may mắn như tôi. Giờ đây nếu có hoàn cảnh không may nào cần giúp, tôi sẽ sẵn sàng truyền nghề lại”- anh Bùi Minh Quang (xã Đông Thạnh) cho biết. Biết anh bị tật nguyền lại không có vốn để làm ăn nên cô đã lấy tiền của mình để hỗ trợ cho anh mua đồ nghề hớt tóc. Nhờ vậy mà giờ mỗi ngày anh có thu nhập trên 100.000đ.

Không chỉ thương người, bà còn là một trong những tấm gương sáng đi đầu trong phong trào “Xây dựng nông thôn mới”. Thời gian qua, bà đã vận động xây 5 cây cầu nông thôn; cất và sửa chữa 36 căn nhà tình nghĩa, làm 5 đoạn đường đá nhựa...

Chính những thành tích đạt được, những năm qua bà đã nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Ban Dân vận Trung ương, bằng khen của UBND tỉnh, Tỉnh ủy… “Đó là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu cho những năm kế tiếp và vận động nhiều hơn nữa để giúp đỡ cho những người nghèo, khuyết tật”- bà cho biết.

Năm 2014, bà nhận bằng khen của Trung ương Hội Cựu chiến binh và báo cáo điển hình cựu chiến binh thực hiện “Chỉ thị 03” tại Quân khu 9 khu vực phía Nam. Tháng 1/2015, bà được nhận bằng khen Trung ương Hội và được báo cáo điển hình toàn quốc “Cựu chiến binh gương mẫu” tại Hà Nội.

 

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh