Luật BHYT sửa đổi đã khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và tính bền vững của quỹ BHYT để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.
[links()]
Ngày 13/6/2014, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (sau đây xin gọi tắt là Luật BHYT sửa đổi). Luật BHYT sửa đổi đã khắc phục những hạn chế, bất cập hiện hành, tạo cơ chế pháp lý bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và tính bền vững của quỹ BHYT để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Tuy nhiên, khi thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc.
Kỳ 1: Sửa đổi nhiều, nhưng vẫn “vướng”
Luật BHYT sửa đổi đã có hiệu lực được gần nửa năm nay. Bên cạnh những mặt đổi mới tích cực, vẫn còn nhiều vướng mắc đối với cả người bệnh và đơn vị thực hiện.
Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa- HĐND tỉnh đến gặp trực tiếp hộ dân ở xã Lục Sỹ Thành (Trà Ôn) để ghi nhận những khó khăn của người dân khi tham gia BHYT. |
Nhiều điểm mới quan trọng
Có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, Luật BHYT sửa đổi đã bổ sung đối tượng được đóng BHYT bằng ngân sách nhà nước là người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo. Bổ sung đối tượng được BHXH đóng BHYT là: người đang hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
Thành viên trong hộ gia đình (trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo hợp đồng lao động, chế độ với người có công, bảo trợ xã hội, học sinh, sinh viên…) cũng sẽ phải tham gia BHYT. Người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở; những người tiếp theo đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Bên cạnh, trong thời gian người lao động (NLĐ) nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về BHXH thì mức đóng hàng tháng tối đa bằng 6% tiền lương tháng của NLĐ trước khi nghỉ thai sản và do tổ chức BHXH đóng.
Về cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, không cần bản sao giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh, ngoài tờ khai tham gia BHYT chỉ cần bổ sung danh sách tham gia BHYT do UBND xã lập. Về mức hỗ trợ, mở rộng đối tượng được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh (KCB) như: binh sĩ quân đội đang tại ngũ; học viên công an nhân dân; cựu chiến binh; người được hưởng BHXH hàng tháng; người thuộc hộ nghèo; cha đẻ mẹ đẻ, vợ/chồng, con của liệt sĩ…
Đặc biệt, người đóng BHYT liên tục trên 5 năm, đã thanh toán tiền KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở cũng được hưởng 100% (trừ trường hợp trái tuyến). Tăng mức hưởng BHYT của thân nhân người có công cách mạng và người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ 80% lên 95%. Mức hỗ trợ cho trường hợp KCB trái tuyến, như: tuyến huyện được hỗ trợ 70%, tuyến tỉnh 60%, tuyến trung ương 40%.
Luật BHYT sửa đổi cũng tăng mức phạt doanh nghiệp trốn đóng BHYT. Nếu không đóng hoặc đóng không đầy đủ thì phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất liên ngân hàng (tăng gấp đôi so với trước đây). Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà NLĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT.
Người tham gia BHYT giảm
Theo Luật BHYT trước đây, người bệnh khi KCB trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả ở mức 30%, 50%, 70% tùy hạng bệnh viện (BV). Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2015, khi vượt tuyến Trung ương, người bệnh chỉ được thanh toán 40% nếu chữa bệnh nội trú. Còn riêng trường hợp khám và điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán.
Luật BHYT sửa đổi ra đời đã khắc phục nhiều hạn chế, bất cập, nhưng khi thực hiện vẫn còn “vướng”. |
Tương tự, đối với trường hợp điều trị nội trú ở tuyến tỉnh, BHYT chỉ trả 60% chi phí, tuyến huyện 70% và cũng không chi trả đối với trường hợp điều trị ngoại trú. Quy định này đưa ra nhằm góp phần vào việc giảm quá tải tại các BV tuyến Trung ương. Thế nhưng, sau khi triển khai, chính sách này chưa phát huy hiệu quả.
Quý 1/2015, huyện Mang Thít có gần 57.300 thẻ BHYT còn giá trị sử dụng, giảm 471 người tham gia so cùng kỳ năm 2014. Huyện Trà Ôn, có 4.257 người đến kỳ đáo hạn, nhưng chỉ có gần 1.950 người tham gia, giảm 523 người. Tại TP Vĩnh Long, số người tham gia BHYT cũng giảm 22,5%. Đến cuối tháng 4/2015, huyện Tam Bình có 43.430 người tham gia BHYT, giảm gần 5.000 người.
Ông Nguyễn Thành Ân- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn cho biết, việc bắt buộc 100% thành viên trong hộ gia đình phải tham gia BHYT và việc KCB trái tuyến ngoại trú tuyến tỉnh, tuyến Trung ương không được hưởng BHYT, bước đầu làm cho người dân chưa đồng thuận.
Ngoài ra, khi có người đến kỳ đáo hạn, nhưng trong sổ hộ khẩu có nhiều người, chỉ cần một người không tham gia BHYT thì người đáo hạn cũng không được tham gia (mặc dù người này đã tham gia liên tục nhiều năm).
Do đó, trước khi có Công văn số 777/BHXH-BT của BHXH Việt Nam ngày 12/3/2015 hướng dẫn một số nội dung về thu BHYT, thì trong quý I/2015, chỉ có 45,48% người dân tiếp tục tham gia BHYT khi đáo hạn.
Ông Lê Ngọc Đức- Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Bình cũng cho rằng, lúc đầu, do chưa có văn bản chỉ đạo thống nhất về công tác thu đối với việc tham gia hết hộ, đáo hạn, tham gia mới…, nên trong tháng 1- 2/2015 số lượng tham gia BHYT hộ gia đình giảm 33% so với cùng kỳ, đến tháng 4/2015 giảm 18%.
Trước mắt, Công văn 777 đã “gỡ vướng” cho năm 2015, nhưng công văn cũng quy định rõ: Từ 1/1/2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc tạm trú phải thực hiện BHYT theo hộ gia đình.
Ông Nguyễn Văn Nhiên (ấp Tân An, Lục Sĩ Thành- Trà Ôn)- người đã mua BHYT tự nguyện 4 năm liền cho biết, gia đình ông có 6 người, nên chia ra từng đợt mua sẽ hợp lý hơn vì đối với nông dân chi một khoản tiền lớn cùng lúc sẽ gặp khó.
Ông Phan Văn Chính (ấp Sóc Ruộng, Tân Mỹ- Trà Ôn) thì cho rằng, khi mua BHYT, chúng tôi luôn ưu tiên cho người lớn tuổi, bệnh tật và lao động chính trong gia đình. Đối với hộ có đông người, sẽ không đủ khả năng mua cho tất cả.
Trước đây, khi hộ gia đình có một người tham gia thì đóng 620.000 đ/năm, trong khi nếu cả gia đình 5 người cùng mua thì số tiền phải đóng lên gần 2 triệu đồng (dù mức đóng đã giảm dần), đối với nông dân và người lao động thì đây là khoản tiền lớn, cùng với đó là còn quá nhiều vướng mắc xảy ra trong triển khai thực hiện, đã làm cho kết quả chưa đạt được như kỳ vọng.
Kỳ cuối: Gỡ “vướng” cho BHYT
Ông Nguyễn Thành Tâm- Phó Chủ tịch UBND huyện Mang Thít: Từ tháng 3/2015, địa phương đã thực hiện hướng dẫn của BHXH Việt Nam theo Công văn số 777 đã “gỡ khó” cho nhiều vấn đề bất cập. Tuy nhiên, việc cần phải xác nhận những người có tên trong hộ khẩu nhưng đã lập gia đình theo chồng hoặc theo vợ chưa cắt hộ khẩu, những người đi làm ăn xa nhà…, chưa được chính quyền địa phương quan tâm xác nhận đúng mức nên cũng gây khó khăn cho người tham gia.
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin