Kỳ 2: "Hút" doanh nghiệp về nông thôn

03:05, 21/05/2015

Kinh nghiệm tại nhiều địa phương cho thấy, động lực giúp xã đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới (NTM) không có giải pháp nào ưu thế hơn là phải "hút" được doanh nghiệp (DN) về nông thôn.

[links()]

Kinh nghiệm tại nhiều địa phương cho thấy, động lực giúp xã đạt chuẩn và giữ vững danh hiệu xã nông thôn mới (NTM) không có giải pháp nào ưu thế hơn là phải “hút” được doanh nghiệp (DN) về nông thôn để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cư dân nông thôn.

Vĩnh Long đang tạo mọi điều kiện để các DN về với nông nghiệp, nông thôn.
Vĩnh Long đang tạo mọi điều kiện để các DN về với nông nghiệp, nông thôn.

Phải có chính sách “hút” nguồn lực

Theo ông Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, qua 4 năm xây dựng NTM, kết quả đầu tiên và mang tính chất căn cơ là đã chuyển được nhận thức trong cán bộ và nhân dân lên một bước đáng kể. Toàn dân đã coi đây là chương trình của mình, do mình, cho mình và các thành phần xã hội tham gia rất tích cực. Đây cũng là kết quả quan trọng nhất để đi tiếp những chặng đường mới. Quan trọng nhất là bởi vì chương trình xây dựng NTM đã có sự chuyển biến rõ về chất. Ngoài cơ sở hạ tầng tập trung các năm trước, năm qua có thêm những thành tố mới được nhiều địa phương đặc biệt quan tâm. Đó là sự chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp và thực hiện các chỉ tiêu về môi trường nông thôn- 2 thành tố được xem là “chất” nhất của NTM.

Ông Hồ Xuân Hùng- Cố vấn BCĐ Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhấn mạnh: Vĩnh Long cần có chính sách cụ thể để thu hút các DN về với nông thôn. Bởi vì, bên cạnh những mặt đạt được về tiêu chí tăng trưởng cao, Vĩnh Long vẫn còn nhiều tiêu chí đạt thấp hơn bình quân chung của cả nước. Trong đó có tiêu chí giao thông (cả nước 28%, Vĩnh Long 17%); trường học đạt chuẩn (cả nước 31%, Vĩnh Long 15%); cơ sở vật chất văn hóa (cả nước 18%, Vĩnh Long 11%); hệ thống chính trị xã hội trong sạch vững mạnh (cả nước 70%, Vĩnh Long 38%);… Đặc biệt, “bóng dáng” DN tham gia đầu tư vào nông thôn Vĩnh Long vẫn chưa thấy. Rõ ràng, không phải chỉ chờ họ đầu tư vào hạ tầng, mà tỉnh cần thiết phải có chính sách cho họ đầu tư vào sản xuất, sử dụng lao động và tăng thu nhập cho dân (cả nước 6,3%, Vĩnh Long
mới 1%).

Ông Hồ Xuân Hùng lưu ý thêm: tỉnh cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi thật cụ thể, thiết thực để thu hút được con em tỉnh nhà thành đạt trên tất cả các lĩnh vực, ở mọi miền Tổ quốc cũng như ở nước ngoài về quê hương góp công, góp của, góp trí. Nhưng cách gì để họ được tôn vinh thật sự? Đây là bài toán Vĩnh Long cần tìm ra lời giải nhanh và đúng nhất!

Kinh nghiệm hay ở một số nơi cho thấy, như Đồng Nai, vốn tín dụng cho xây dựng NTM chiếm đến 60% tổng nguồn huy động- trong đó, nhờ tỉnh hỗ trợ 190 tỷ đồng lãi suất cho các DN đến đầu tư trên địa bàn và thu hút nguồn lực tín dụng cho xây dựng NTM khá lớn (gấp 38 lần mức hỗ trợ lãi suất). Hay như TP Hồ Chí Minh, địa phương có chính sách khuyến khích từ hộ dân đến hợp tác xã (HTX), DN, nếu ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất sẽ được hỗ trợ 30%. Còn ở Long An, có nhiều DN từ TP Hồ Chí Minh về gắn kết với Hội Nông dân tỉnh để thực hiện quy trình giết mổ gia súc, gia cầm và làm thủy sản đạt tiêu chuẩn an toàn, chất lượng. Thời điểm này, tỷ trọng chăn nuôi của Long An chiếm phần lớn trong khu vực nói riêng, cả nước
nói chung.

Số liệu tổng hợp của các bộ, ngành chức năng cho thấy, hiện cả nước mới chỉ có 6% DN vào làm ăn khu vực nông thôn; năng suất, hiệu quả lao động còn rất thấp, tiêu thụ sản phẩm khó; với 15 triệu hộ sản xuất trên 70 triệu mảnh ruộng manh mún và phân tán... thì không thể sản xuất ra hàng hóa hội nhập được. Vì thế Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Nếu không có DN vào thì nông nghiệp, nông thôn và NTM không thể phát triển!”

Theo tinh thần chỉ đạo đó, năm 2015, tỉnh Vĩnh Long phải củng cố ngay các HTX và chính sách hướng cho DN tổ chức sản xuất ở vùng nông thôn và nông nghiệp phải cụ thể hóa kịp thời và chuyển đổi ngay theo Luật HTX mới năm 2012. Bởi tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và xây dựng NTM nói riêng chỉ thực sự thành công khi tạo được sự gắn kết trong hợp tác kinh doanh và phát triển, do đó cần tập trung hỗ trợ HTX củng cố và phát triển bền vững làm nền tảng, động lực trong việc tái cơ cấu, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Mới đây, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng đã có chuyến khảo sát một số HTX nông nghiệp ở các tỉnh ĐBSCL và ông cũng đã chủ trì cuộc “Tọa đàm xây dựng HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL”, nhằm tìm ra lộ trình phát triển mô hình HTX kiểu mới, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, hội nhập thế giới.

Và phải đầu tư lớn hơn cho nông nghiệp, nông thôn

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, chương trình tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM là chương trình “hết sức trọng điểm của quốc gia. Trên 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, do đó phải tập trung tìm mọi nguồn lực để đầu tư lớn hơn. Do đó, nên có cơ chế tổng thể huy động mọi nguồn lực (kể cả vốn ODA, lẫn FDI), tiếp tục hoàn thiện dần dần để tạo ra nguồn lực đầu tư cho khu vực này. Các nguồn lực được phân bổ phải phù hợp theo từng vùng, đảm bảo phong trào phát triển sâu rộng, đồng đều.

Có DN tham gia, nhiều cánh đồng lớn phát huy tốt hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân.
Có DN tham gia, nhiều cánh đồng lớn phát huy tốt hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân.

Và để đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM năm 2015 và giai đoạn 2016- 2020, Chính phủ sẽ tính toán để tăng thêm khoảng 15.000 tỷ đồng trong 2 năm 2015- 2016. Song song, tăng thêm nguồn lực của tỉnh, địa phương và nguồn lực xã hội hóa, nhằm dồn sức để tạo đà phát triển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị tổng kết xây dựng NTM năm 2014: “Theo nghị quyết đến năm 2020, chúng ta sẽ chuyển lao động nông nghiệp xuống còn 30% để làm ra 15% tổng sản phẩm quốc nội GDP thì không có cách nào khác ngoài việc phải khuyến khích và thu hút cho được DN về đầu tư sản xuất ngay trên địa bàn nông thôn”.

Riêng tỉnh Vĩnh Long, ngoài những giải pháp đã làm, nên tiếp tục có những chính sách cụ thể để thực hiện hiệu quả hơn Nghị định 210 của Chính phủ, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Huy động tốt mọi nguồn lực cho 11 xã xây dựng NTM còn lại trong năm 2015 và chuẩn bị tốt cho 30% xã giai đoạn 2016- 2020. Đồng thời thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn; tổ chức sắp xếp, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, giúp các xã xây dựng NTM nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Trong điều kiện khó khăn, Chính phủ vẫn đảm bảo vốn cho nông nghiệp, nông thôn phát triển. Năm 2014: huy động 5.700 tỷ đồng, cả 3 năm (2012, 2013, 2014): hơn 15.000 tỷ và trong 2 năm 2015- 2016 tiếp tục huy động khoảng 15.000 tỷ đồng. Đặc biệt, từ năm 2016 trở đi, chỉ còn lại 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững.

Kỳ cuối: Tạo động lực hiện đại hóa nông thôn

Bài, ảnh: TRẦN ÚT- BÍCH VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh