Cách đây 69 năm, ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê, tiền thân của BCĐ Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương ngày nay.
[links()]
Cách đây 69 năm, ngày 22/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 70 thành lập Ủy ban Trung ương hộ đê, tiền thân của BCĐ Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương ngày nay.
Để khẳng định tầm quan trọng của công tác phòng chống lụt bão (PCLB) và giảm nhẹ thiên tai, ngày 21/3/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký Quyết định số 89/HĐBT lấy ngày 22/5 hàng năm là “Ngày truyền thống PCLB, giảm nhẹ thiên tai của Việt Nam”.
Lũ, triều cường đe dọa nhiều tuyến đê ở huyện Vũng Liêm vào mùa lũ năm 2011. |
Thiên tai để lại hậu quả nặng nề
Đánh giá của BCĐ Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trung ương, trong hơn 30 năm qua, bình quân mỗi năm trên cả nước, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng ngàn người, thiệt hại về kinh tế từ 1- 1,5% GDP.
Thiên tai luôn diễn biến khó lường, những trận bão lũ lớn trong lịch sử như: cơn bão số 5 ở miền Nam (1997), trận lũ ở miền Trung (1999) và 2 trận lũ lớn năm 2000, 2001 tại các tỉnh ĐBSCL đã làm chết và mất tích gần 4.460 người, thiệt hại vật chất ước tính 17.600 tỷ đồng.
Từ năm 2001- 2005, thiên tai đã cướp đi sinh mạng của 1.900 người, thiệt hại về vật chất ước tính lên đến 13.500 tỷ đồng.
Trong năm 2006, nước ta đã bị ảnh hưởng của 10 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới, điển hình là các cơn bão Chan chu (cơn bão số 1), cơn bão Xangsane (cơn bão số 6), cơn bão Durian (cơn bão số 9) với sức tàn phá lớn gây thiệt hại hơn 18.500 tỷ đồng, mức thiệt hại kinh tế lớn nhất kể từ năm 1971: 339 người chết; 274 người mất tích; 2.065 người bị thương; 75.000 ngôi nhà đổ trôi, 554.000 ngôi nhà khác bị ngập, hư hại…
Hậu quả do những trận bão khủng khiếp năm 2006 gây ra đã trở thành bài học xương máu đối với công tác PCLB và giảm nhẹ thiên tai. Bởi sau gần 10 năm không có bão lớn, khiến cơ quan chức năng và người dân có phần chủ quan.
Đó chính là nguyên nhân khiến bão Chan chu (cơn bão số 1- 2006) với sức gió cấp 12, giật trên cấp 12 đi vào biển Đông vào đầu tháng 5/2006 đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản: 13 tàu bị đắm, 5 tàu mất tích kèm theo đó là 266 người chết và mất tích...
Năm 2007, thiên tai lớn như bão, lụt, lũ quét, mưa đá đã dồn dập xảy ra ở nước ta, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
Theo ước tính tổng thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong năm 2007 lên tới 11.500 tỷ đồng. Trong giai đoạn 1990- 2009, trung bình 457 người chết mỗi năm vì thiên tai. Trong 10 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại khoảng từ 1,3- 1,5% GDP của cả nước.
Năm 2012, thiên tai ở nước ta có nhiều diễn biến bất thường; bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm hơn bình thường và kết thúc muộn hơn so với trung bình nhiều năm.
Thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm khoảng 16.000 tỷ đồng. Đặc biệt cuối tháng 10 đã xảy ra cơn bão số 8 với cường độ rất mạnh (cấp 13, 14) đường đi phức tạp, không theo quy luật hàng năm, đã gây thiệt hại hơn 11.000 tỷ đồng.
Năm 2013 được xem là năm kỷ lục về thiên tai, lụt bão ở Việt Nam trong 50 năm qua: có 15 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới, trong đó có siêu bão Haiyan.
Thiên tai đã gây thiệt hại lớn nhất về kinh tế từ trước đến nay cho Việt Nam, đặc biệt thiệt hại cho các tỉnh miền Trung do bão số 10.
Năm 2014, tình hình thiên tai, lụt bão ở nước ta giảm về số vụ so với trung bình nhiều năm gần đây, tuy nhiên có nhiều diễn biến bất thường, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện sớm hơn; mưa lớn, lũ quét,… gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Nâng cao nhận thức phòng chống thiên tai
Hàng năm nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống 22/5, Chủ tịch nước đều có thư gửi đồng bào, chiến sĩ cả nước nhằm động viên, khuyến khích và nhắc nhở thực hiện tốt công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai.
Lốc xoáy có chiều hướng gia tăng, xảy ra bất ngờ và gây thiệt hại đáng kể. |
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp, các ngành mở đợt tuyên truyền sâu rộng. Đây không chỉ là dịp để tôn vinh những người làm công tác phòng, chống thiên tai mà còn để nhắc nhở mọi người hãy chủ động trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Những năm gần đây, công tác PCLB của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, với phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.
Chính phủ đã xây dựng chiến lược và đề ra nhiều biện pháp PCLB, giảm nhẹ thiên tai, huy động nhiều nguồn lực để phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ, thiên tai gây ra như: củng cố hệ thống đê điều, xây dựng các hồ chứa nước để điều tiết lũ; tăng cường hệ thống dự báo, cảnh báo và thực hiện việc quy hoạch dân cư, quy hoạch phát triển có sở hạ tầng, chuyển đổi mùa vụ sản xuất để hạn chế thiệt hại; tăng cường công tác tuyên truyền và nâng cao ý thức cộng đồng….
Mỗi năm, Chính phủ đã dành hàng ngàn tỷ đồng cho việc xây dựng, tu bổ đê điều, khắc phục hậu quả thiên tai. Hầu hết các công trình này đều đã và đang tham gia hiệu quả vào việc PCLB, giảm nhẹ thiên tai cho đất nước.
Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long cũng đã nhiều nỗ lực trong phòng chống thiên tai. Theo ông Phan Nhựt Ái- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT- Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, để chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ban chỉ huy các cấp cần nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, tổ chức các lực lượng thực thi các phương án ứng phó kịp thời, có hiệu quả.
Bên cạnh, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống thiên tai cho cộng đồng nhằm huy động, tạo sức mạnh tổng hợp của cả cộng đồng xã hội để công tác này đạt hiệu quả cao hơn.
Bài, ảnh: LÊ SƠN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin