Theo BCĐ Xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long, để hỗ trợ các xã thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (CSVCVH), thời gian gần đây, tỉnh đã đầu tư hơn 31 tỷ đồng để xây dựng 9 trung tâm văn hóa- thể thao (VHTT) xã và 11 nhà văn hóa- khu thể thao ấp và liên ấp.
[links(left)]
Theo BCĐ Xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long, để hỗ trợ các xã thực hiện tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (CSVCVH), thời gian gần đây, tỉnh đã đầu tư hơn 31 tỷ đồng để xây dựng 9 trung tâm văn hóa- thể thao (VHTT) xã và 11 nhà văn hóa- khu thể thao ấp và liên ấp.
Công trình VHTT xã Đông Thạnh đầu tư hàng tỷ đồng cần duy trì phát huy hiệu quả. |
Khoản đầu tư này giúp cho nhiều xã điểm xây dựng NTM đạt tiêu chí CSVCVH và xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Nguồn vốn đầu tư vào tiêu chí này khá lớn, song có nhiều công trình khi đưa vào sử dụng lại chưa thật sự phát huy hiệu quả.
CSVCVH tốt vẫn“để không”
Trong 19 tiêu chí xây dựng xã NTM, CSVCVH là tiêu chí rất khó thực hiện, bởi muốn đạt được tiêu chí này đòi hỏi địa phương phải có quỹ đất và nguồn vốn đầu tư khá lớn. Gần đây, nhiều xã vùng nông thôn của tỉnh Vĩnh Long trong đó có các xã điểm được sự hỗ trợ đầu tư của trên nên đã thực hiện hoàn thành tiêu chí này. Tuy nhiên, đến nay nhiều công trình trung tâm VHTT xã, nhà VHTT ấp và liên ấp được xây dựng đạt chuẩn nhưng rất khó phát huy được hiệu quả.
Ở ấp Long Phước (xã Long Mỹ- Mang Thít), nhiều người đi ngang nhà VHTT ấp không khỏi trầm trồ trước vẻ khang trang đẹp mắt, nhưng nhiều tháng qua, phòng đọc sách, hội trường, sân chơi thể thao, trụ sở ấp thường xuyên vắng lặng.
Bí thư chi bộ, Trưởng ấp Long Phước Phạm Thanh Tùng cho biết: “Công trình Nhà VHTT ấp Long Phước được xây dựng trên diện tích hơn 2.000m2, gồm hội trường 80 chỗ ngồi, phòng đọc sách, sân chơi thể thao, trụ sở ấp cùng nhiều hạng mục khác với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng. Nhưng đến nay, phòng đọc sách vẫn chưa có sách để phục vụ, còn sân chơi thể thao có hoạt động nhưng không thường xuyên”.
Ông Phạm Thanh Tùng cũng chia sẻ về thực trạng của địa phương: Nhu cầu sinh hoạt VHTT của bà con mình ở nông thôn không nhiều, một năm sinh hoạt chỉ vài lần. Bà con suốt ngày tập trung làm ruộng rẫy tới chiều tối mới về, do mỏi mệt nên ít ai tới nhà VHTT để sinh hoạt, vui chơi. Còn trụ sở ấp, trong giờ hành chính mình đến trực thì bà con ít đến để trao đổi hoặc làm giấy tờ, mà đa số theo thói quen buổi trưa hoặc chiều tối mới đến nhà xin xác nhận giấy tờ khi có yêu cầu.
Tại ấp Quang Phú (xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm), Bí thư chi bộ, Trưởng ấp- Phan Huệ Phương thông tin về hoạt động nhà văn hóa ấp: “Qua 5 tháng đưa nhà văn hóa liên ấp Quang Phú- Hiếu Hiệp vào hoạt động, đa số các cuộc họp ở ấp chúng tôi đưa vào đây hết. Còn bà con ở Hiếu Hiệp đa phần chưa có tới. Việc quản lý nhà văn hóa này chủ yếu giao cho bí thư- trưởng ấp, nhưng bí thư- trưởng ấp thường bận nhiều công chuyện thành ra trong tháng chỉ mở cửa một vài lần để họp dân hoặc họp chi bộ mà thôi”.
Được biết, công trình nhà VHTT liên ấp Quang Phú- Hiếu Hiệp được đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng với đầy đủ các hạng mục công trình theo quy định. Tuy nhiên, do thiếu người quản lý và thiếu kinh phí để hoạt động nên chưa thu hút được người dân đến sinh hoạt, vui chơi, giải trí.
Nhiều nhà VHTT ấp vẫn chưa phát huy tốt hiệu quả sử dụng. |
Ở ấp Phước Lợi A (xã Long Phước- Long Hồ), chị Nguyễn Thị Bé- Bí thư chi bộ, Trưởng ấp cũng thông tin chưa mấy lạc quan: “Nhà văn hóa hoạt động đến nay là 6 tháng rồi mà chưa có điện, mới có nước thôi. Thư viện thì không có sách, sân thể thao không có lưới. Về trụ sở ấp, dân người ta chủ yếu đến nhà Bí thư- Trưởng ấp để giao dịch giấy tờ, ít ai đến trụ sở ấp. Một tháng chỉ tổ chức họp chi bộ 1 lần, hoặc tiếp xúc cử tri khi có yêu cầu”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực trạng CSVCVH xã, ấp tại nhiều địa phương khác tuy đã đạt chuẩn NTM nhưng cũng trong tình trạng hoạt động tương tự.
Làm gì để phát huy hiệu quả CSVCVH?
Có lẽ tình hình nói trên BCĐ xây dựng NTM các cấp đã rõ. Tuy nhiên, để phát huy đồng vốn hàng chục tỷ đồng đầu tư cho CSVCVH xã NTM là việc có thể khắc phục được ngay.
Chúng ta còn nhớ, trong hàng chục năm tích cực thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” theo tinh thần Chỉ thị số 01 của Tỉnh ủy Vĩnh Long, hầu hết xã được công nhận văn hóa đều có nhà văn hóa xã. Quy mô của nó không lớn như quy chuẩn của trung tâm VHTT xã hoặc nhà VHTT ấp của xã NTM như bây giờ, nhưng hoạt động của nó cũng bao phen “chết dở” rồi để không hoặc hoạt động cầm chừng. Điều nghịch lý là, phong trào trước đây đã có trên 50% số xã đạt xã văn hóa, rồi xã văn hóa theo tiêu chí mới, nhưng nhà văn hóa xã vẫn hoạt động một cách ì ạch, khó khăn. Ngày nay, đối với xã NTM, các tiêu chí, tiêu chuẩn có cao hơn theo quy định. Nhiều CSVCVH được xây mới thật hoành tráng, khá tốn kém, trong khi nhu cầu sinh hoạt văn hóa hiện tại của người dân nông thôn chưa được khơi dậy và gắn kết vào. Nhiều xã, ấp của các xã đạt chuẩn NTM đang nỗ lực nghĩ cách cho nó hoạt động có khí thế hơn để không lãng phí tiền của Nhà nước đã đầu tư. Tuy nhiên, khó khăn vẫn hiện hữu trước mắt mà các cấp ủy, chính quyền địa phương và BCĐ xây dựng NTM chưa thể tháo gỡ trong một sớm một chiều.
Cũng có ý kiến đề xuất, chúng ta chỉ nên quy hoạch về CSVCVH cho xã NTM. Còn việc xây dựng nó vào thời điểm nào và quy mô đến đâu phải dựa trên nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa thực tế của người dân địa phương. Trước mắt, để giảm áp lực phải đầu tư vốn từ nguồn ngân sách vốn dĩ khó khăn, các địa phương nên tận dụng CSVCVH hiện có để phục vụ nhu cầu văn hóa của
nhân dân.
Về lâu dài, khi nguồn lực cho phép chúng ta sẽ tiếp tục phát triển nó một cách phù hợp với nhu cầu phát triển văn hóa địa phương. Theo nhiều người dân nhận định, nòng cốt của việc khơi dậy và duy trì phong trào VHTT nông thôn vẫn là tầng lớp thanh niên. Khi nông thôn không còn lực lượng thanh niên thì nhà VHTT dù có đầu tư hiện đại thế nào cũng khó đạt hiệu quả cao, vì ít có người sử dụng. Giải quyết tốt nhân tố này, trong tương lai NTM mới phát triển bền vững.
“Mình nghèo, nguồn lực ít, cố gắng đầu tư xây dựng, nhưng rồi sử dụng các công trình, dự án không hiệu quả. Vấn đề này theo tôi các địa phương cần nghiên cứu khắc phục cho được…”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các địa phương tại hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2014. |
Bài, ảnh: TRẦN ÚT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin