Để luật đi vào cuộc sống, phù hợp yêu cầu phát triển

02:03, 29/03/2015

Thực hiện công văn chỉ đạo của Văn phòng Quốc hội về việc cho ý kiến đóng góp các dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho 2 dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Luật Thú y.

Thực hiện công văn chỉ đạo của Văn phòng Quốc hội về việc cho ý kiến đóng góp các dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp cho 2 dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và Luật Thú y.

Dự thảo Luật ATVSLĐ quy định cụ thể các chính sách về quyền, nghĩa vụ của người lao động.
Dự thảo Luật ATVSLĐ quy định cụ thể các chính sách về quyền, nghĩa vụ của người lao động.

Dự thảo Luật ATVSLĐ gồm 7 chương, 94 điều, quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác ATVSLĐ và quản lý nhà nước về ANTVSLĐ.

Dự thảo Luật Thú y gồm 7 chương, 116 điều quy định về phòng bệnh, chữa bệnh, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật; kiểm tra vệ sinh thú y; quản lý thuốc thú y; hành nghề thú y.

Đối với dự thảo Luật ATVSLĐ, các đại biểu thống nhất với việc mở rộng đối tượng áp dụng đối với tất cả người lao động và quy định một số chính sách cụ thể về ATVSLĐ đã tạo sự công bằng cho người lao động, quyền con người và phù hợp với Hiến pháp, công ước quốc tế. Các đại biểu cũng thống nhất với tên gọi của dự thảo luật là phù hợp với môi trường làm việc.

Bà Lê Thị Kim Hoa- Trưởng Ban Chính sách pháp luật- LĐLĐ tỉnh đóng góp, trong thực tế còn gặp rất nhiều vướng mắc trong giải quyết các hồ sơ tai nạn lao động, nên quy định hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động linh hoạt hơn. Ở Điều 67 thì phải có quy định rõ hơn ai là người chủ trì điều hành và điều hành như thế nào để đảm bảo ATVSLĐ tại nơi có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm việc. Về vấn đề người lao động nhận công việc về làm tại nhà, phải quy định là chỉ có quyền giao công việc cho người lao động về nhà làm khi người sử dụng lao động có đủ điều kiện đảm bảo ATVSLĐ. Về hình thành bộ phận ATVSLĐ, cần cụ thể trong luật về quy mô doanh nghiệp cụ thể và địa phương cần có căn cứ đề xuất quy mô doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Lợi- Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng, dự thảo luật lần này quy định cụ thể các chính sách về quyền, nghĩa vụ của người lao động. Về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nên mở rộng đối tượng áp dụng, đề nghị các chính sách cụ thể đối với khu vực không có quan hệ lao động. Thống nhất trong việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ cần có sự phân biệt và giao trách nhiệm rõ cho các ngành. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về ATVSLĐ thống nhất bổ sung thêm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động có trách nhiệm thống kê báo cáo cho cơ quan chức năng, địa phương được đầy đủ, đồng bộ hơn.

Đối với dự thảo Luật Thú y, các đại biểu cho rằng những nội dung của dự thảo Luật Thú y lần này rất đầy đủ và phù hợp với tình hình thực tế. Đa số đại biểu thống nhất với việc thẩm quyền công bố dịch bệnh động vật trên cạn nên được phân cấp đến chủ tịch UBND cấp huyện và tán thành hệ thống chuyên ngành thú y được phân bổ từ cấp tỉnh đến cấp huyện.

* Ông Nguyễn Thành Một- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho rằng: về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ thống nhất là phải có cơ sở tập trung và cần phải có quy định rõ ràng mang tính bắt buộc để thuận tiện việc kiểm soát và có điều kiện đảm bảo ATVS thực phẩm. Trạm kiểm dịch động vật phải duy trì trạm đầu mối của tỉnh.

* Ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho rằng, việc thành lập hội đồng thú y là cần thiết với chức năng kiểm tra, đánh giá năng lực của đội ngũ hành nghề thú y, tư vấn đào tạo và yêu cầu hội nhập quốc tế. Cần định lượng cụ thể rõ ràng thế nào là dịch bệnh lây lan nhanh trên diện rộng và quy định rõ về danh mục dịch bệnh phải công bố. Về cơ sở giết mổ động vật cũng phải quy định cần có cơ sở tập trung vì những cơ sở nhỏ lẻ không thể nào có đủ điều kiện đảm bảo ATVS thực phẩm và rất khó cho các ngành chức năng kiểm tra quản lý.

Bài, ảnh: HẢI YẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh