Cần bổ sung thêm các quyền

10:03, 29/03/2015

Thực hiện sự chỉ đạo về việc tổ chức lấy ý kiến Bộ luật Dân sự sửa đổi (BLDS), UBMTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tổ chức thành viên. Tại hội nghị, có rất nhiều ý kiến tâm huyết đã được các đại biểu quan tâm đóng góp.

[links(left)]

Thực hiện sự chỉ đạo về việc tổ chức lấy ý kiến Bộ luật Dân sự sửa đổi (BLDS), UBMTTQ Việt Nam tỉnh vừa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong các tổ chức thành viên. Tại hội nghị, có rất nhiều ý kiến tâm huyết đã được các đại biểu quan tâm đóng góp.

Hoạt động báo chí dù đã có luật riêng nhưng cần thể hiện trong Bộ luật Dân sự.
Hoạt động báo chí dù đã có luật riêng nhưng cần thể hiện trong Bộ luật Dân sự.

Dự thảo BLDS gồm 26 chương, 712 điều (ít hơn 10 chương và 65 điều so với BLDS năm 2005). BLDS cơ bản thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2011- 2020 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Dự thảo luật đã cụ thể hóa các quy định về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự trong Hiến pháp; cơ bản đảm bảo sự kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật dân sự.

Thượng tọa Thích Thiện Trí- đại diện Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo đề nghị luật cần quan tâm đến nhóm người yếu thế một cách cụ thể hơn. Cụ thể luật cần bổ sung mục “quyền của người yếu thế”, trong mục này cần quy định rõ nhóm người yếu thế là những người nào để đảm bảo quyền lợi của các nhóm người này. Ngoài ra, ông còn đề nghị luật cần quan tâm đến quyền lợi của người khuyết tật và cần có những quy định cụ thể để bảo đảm quyền lợi của họ về việc làm cũng như các quyền bình đẳng trong việc sử dụng các công trình công cộng.

Ông Phạm Hoàng Khải- Tổng Biên tập Báo Vĩnh Long cho rằng, tại Điều 25, Hiến pháp 2013 ghi rõ công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Tại dự thảo BLDS, chỉ thể hiện các quyền tiếp cận thông tin, quyền lập hội mà chưa thể chế hóa đầy đủ điều này nên đề nghị bổ sung thêm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền họp hội và quyền biểu tình và quy định rõ việc thực hiện quyền này do pháp luật quy định.

Đóng góp thêm và hình thức sở hữu (Điều 213), ông đồng tình với 3 hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, sở hữu cá nhân và sở hữu chung vì phù hợp với các chế độ sở hữu được ghi trong Hiến pháp. Tuy nhiên, đề nghị luật cần quy định rõ hơn hình thức sở hữu toàn dân để có thể xác định được quyền của nhân dân đối với các loại tài sản thuộc sở hữu toàn dân để nhân dân còn kiểm tra, giám sát, thực hiện chức năng làm chủ, nhất là tài sản về đất đai.

Ví dụ như đất khi chưa quy hoạch mở đường giá như thế này nhưng khi đã mở đường giá sẽ tăng rất nhiều lần; hay loại tài sản vô hình là thương hiệu doanh nghiệp nhà nước cũng là tài sản thuộc sở hữu toàn dân mà chưa được thể hiện cụ thể vào luật… đó sẽ là một kẽ hở dễ làm thất thoát tài sản sau khi cổ phần hóa.

Ông Đỗ Đình Gần- Sở Tư pháp cho rằng, quy định về trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự không nên quy định trong luật. Lý do việc xét xử của tòa án phải tuân theo pháp luật, trong khi các khái niệm “niềm tin nội tâm; lẽ công bằng” quá trừu tượng, không có tiêu chí rõ ràng.

Theo ông, ở thời điểm này không thể giao quyền cho thẩm phán và hội thẩm nhân dân quá lớn. Vì trên thực tế, việc xét xử “chỉ tuân theo pháp luật” mà lượng án bị sửa, bị hủy rất nhiều, nếu chúng ta mở rộng quyền thì lượng án sai, sửa sẽ như thế nào?

Đóng góp thêm “về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi”, ông cũng đề nghị không nên quy định như dự thảo luật. Bởi, việc bổ sung thẩm quyền này cho tòa án theo ông là chưa phải lúc vì trình độ năng lực, phẩm chất đạo đức rất dễ dẫn đến tùy tiện không tuân thủ nguyên tắc “chỉ tuân theo pháp luật”. Hơn nữa, các bên trong quan hệ dân sự vẫn có quyền tự thỏa thuận điều chỉnh (nếu cần).

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đóng góp ở Điều 42 về quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình. Luật quy định, trong trường hợp 2 cá nhân không vi phạm điều cấm trong Luật Hôn nhân và Gia đình có thỏa thuận về việc chung sống với nhau như vợ chồng thì quyền, nghĩa vụ của họ được xác định theo thỏa thuận.

Theo bà, nếu đưa vào dự thảo luật thì chưa dự liệu được nếu có con chung thì giải quyết như thế nào? Nếu có thỏa thuận thì giải quyết theo thỏa thuận nhưng không thỏa thuận thì sao? Bà đề nghị nên quy định thêm “Trường hợp có con chung thì sẽ xác định theo Luật Hôn nhân và Gia đình về quyền, nghĩa vụ cha mẹ và con”.

Ở Điều 665, về hủy bỏ di chúc chung của vợ chồng, và luật quy định “vợ chồng có thể sửa đổi di chúc bất cứ lúc nào. Nếu bên kia không đồng ý thì người kia có quyền lập di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Trong thực tế tài sản phần nhiều đang đứng tên người chồng, nếu có mâu thuẫn phải sửa đổi thậm chí hủy bỏ di chúc chung thì mỗi người có quyền lập di chúc liên quan đến tài sản của mình thì người phụ nữ có cơ hội và điều kiện thực hiện quyền này hay không? Bởi vì họ không đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sở hữu hay chứng minh được đó là tài sản chung.

Bài, ảnh: BÙI THANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh