Vĩnh Long tăng cường cải thiện chỉ số PAPI

06:01, 08/01/2015

Trong buổi hội thảo giữa UBND tỉnh Vĩnh Long và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về nâng cao chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI) tại Vĩnh Long thì tỉnh còn 3/6 chỉ số PAPI đạt thấp và cần phải tập trung cải thiện trong thời gian tới.

Trong buổi hội thảo giữa UBND tỉnh Vĩnh Long và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về nâng cao chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI) tại Vĩnh Long thì tỉnh còn 3/6 chỉ số PAPI đạt thấp và cần phải tập trung cải thiện trong thời gian tới.


Vĩnh Long sẽ tăng cường việc giải trình của cán bộ, công chức đối với người dân.

Sự cần thiết phải nâng chỉ số PAPI

Chỉ số PAPI ở Việt Nam là một bộ chỉ số đo lường khách quan về hiệu quả công tác quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công tại địa phương dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền và trong sử dụng dịch vụ công.

PAPI được xây dựng trong bối cảnh Việt Nam ngày càng chú trọng tới sự tham gia của toàn xã hội vào việc giám sát và đánh giá hiệu quả thực thi chính sách, coi ý kiến đánh giá đó là nguồn thông tin đầu vào hữu ích cho công tác hoạch định chính sách nhằm phản ánh những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Có 3 vấn đề chính được coi là trụ cột cho triết lý và tinh thần của PAPI. Thứ nhất, trong quá trình xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và một nền kinh tế thị trường vững mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy hành chính nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và bảo đảm công bằng trong cung ứng dịch vụ cho mọi người dân, thay vì chỉ tập trung tạo điều kiện tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, để cải thiện công tác quản trị và hành chính công ở Việt Nam, cần tạo cơ hội cho người dân được tham gia hiệu quả hơn vào quá trình thực hiện và giám sát tính hiệu quả trong công tác quản trị của các cấp chính quyền địa phương.

Thứ ba, PAPI cung cấp số liệu và thông tin nhằm hỗ trợ cho những nỗ lực cải cách ở cấp trung ương và địa phương; là công cụ chẩn đoán cung cấp những dẫn chứng có thể hỗ trợ cho các quy trình hoạch định chính sách trong thời gian ngắn và trung hạn.

Với số liệu và thông tin do PAPI cung cấp, chính quyền các cấp có thể theo dõi mức độ hiệu quả của công tác quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công của các cấp, các ngành ở địa phương.

Bắt đầu từ một nghiên cứu thí điểm ở 3 tỉnh- thành trong năm 2009, đến năm 2010, nghiên cứu PAPI được triển khai ở 30 tỉnh- thành với 90 quận/huyện, 180 xã- phường- thị trấn, 360 thôn- ấp, tổ dân phố trực thuộc.

Công tác khảo sát thực địa được tiến hành cẩn thận trong thời gian trên 3 tháng liên tục, quá trình xây dựng chỉ số thành phần, nội dung thành phần, trục nội dung lớn và chỉ số PAPI tổng hợp đều được thực hiện một cách bài bản và khoa học.

Những phát hiện và phân tích tổng hợp từ các chỉ số thành phần cho thấy một bức tranh khá toàn diện, có thực chứng về đánh giá của người dân đối với hiệu quả công tác của các cấp chính quyền ở 6 lĩnh vực cụ thể về công tác quản trị và quản lý hành chính công tại địa phương.

Vĩnh Long cần tăng cường cải thiện chỉ số PAPI

Năm 2011 là năm đầu tiên chỉ số PAPI được điều tra, nghiên cứu trên toàn bộ 63 tỉnh- thành trong cả nước.

Vĩnh Long là một trong những tỉnh trọng điểm về phát triển kinh tế- xã hội của vùng ĐBSCL. Trong những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.

Những kết quả đạt được đó không chỉ tác động tích cực đến nhận thức của cả hệ thống chính trị vai trò của CCHC, về động lực “cải cách” trong tư duy, trong thực thi công vụ của từng cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, nó còn tác động tích cực đến nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, trách nhiệm của người dân trong thực hiện CCHC và là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển.

Chỉ số PAPI năm 2013 do Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng, thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam công bố xếp hạng Vĩnh Long đứng vị trí 22/63 tỉnh- thành.

Có 2 chỉ số được xếp hạng cao là: “Cung ứng dịch vụ công” chỉ số đứng đầu cả nước; “Kiểm soát tham nhũng” đứng thứ 6 trong cả nước; 1 chỉ số xếp hạng trung bình là “Thủ tục hành chính công”. Tuy nhiên, tỉnh có 3 chỉ số còn xếp hạng thấp là “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”; “Công khai, minh bạch” và “Trách nhiệm giải trình với người dân”.


Đại biểu đóng góp giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác CCHC trong năm 2015.

Tại buổi hội thảo, Tiến sĩ Bùi Phương Đinh- Viện trưởng Viện Lãnh đạo học và Chính sách công lưu ý, thời gian tới Vĩnh Long cần cải thiện chỉ số trách nhiệm giải trình của cán bộ công quyền đối với người dân về các chủ trương, chính sách gắn liền với đời sống nhân dân, nâng cao hơn nữa trình độ cán bộ chuyên trách cấp cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhằm đem lại sự hài lòng cho người dân.

Phát biểu những giải pháp để nâng cao chỉ số PAPI trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh, Vĩnh Long sẽ tăng cường công khai minh bạch các thủ tục hành chính, các quy hoạch, kế hoạch cả quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành và các cơ chế chính sách tại các cơ quan đơn vị ở các cơ sở, xã, phường, thị trấn.

Tỉnh sẽ hoàn thiện các cơ sở dữ liệu đăng tải trên các trang thông tin, cổng thông tin điện tử của các ngành, các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tìm hiểu tra cứu thông tin để triển khai thực hiện.

Đồng thời, tỉnh sẽ thực hiện tốt hơn nữa việc giải trình của cán bộ công chức đối với dân, nhất là những vấn đề người dân quan tâm. Tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân thực hiện tốt các chương trình liên quan đến phản biện xã hội, giám sát của MTTQ, dân vận và các tổ chức thành viên nhằm tăng cường, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Bài, ảnh: BÙI THANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh