Khuyết tật của xã hội

06:01, 11/01/2015

“Triệu phú khu ổ chuột”- quyển tiểu thuyết đầu tay của nhà ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup, viết về cậu bé nghèo làm bồi bàn tên Ram Mohammed Thomas, sống trong khu ổ chuột tồi tàn của thành phố hoa lệ Mumbai, bỗng chốc trở thành triệu phú sau khi đáp đúng tất cả 13 câu hỏi của trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú”.

“Triệu phú khu ổ chuột”- quyển tiểu thuyết đầu tay của nhà ngoại giao Ấn Độ Vikas Swarup, viết về cậu bé nghèo làm bồi bàn tên Ram Mohammed Thomas, sống trong khu ổ chuột tồi tàn của thành phố hoa lệ Mumbai, bỗng chốc trở thành triệu phú sau khi đáp đúng tất cả 13 câu hỏi của trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú”.

Không được học hành, không xu dính túi, không một người thân… nhưng bởi cuộc mưu sinh của cậu là cả một bài học trường đời lúc đắng cay, khi ngậm ngùi cũng có cả hạnh phúc. Trong đó, có một quãng đời mà cậu và nhiều đứa trẻ dưới đáy xã hội khác đã kinh hoàng trải qua: rơi vào tay bọn giang hồ sẵn sàng móc mắt, chặt chân, biến bọn trẻ thành người tàn phế- để buộc đi ăn xin về cho chúng hưởng lợi.

Ở đây chúng tôi không muốn nhắc đến những thành công của quyển tiểu thuyết đã được dịch ra 41 thứ tiếng, cũng như khi nó được chuyển thể thành phim đã lấy bao nhiêu nước mắt người xem; mà chỉ muốn nói rằng, dù ở nơi đâu, vào lúc nào, cũng không thiếu những kẻ nhẫn tâm sử dụng trẻ em, người khuyết tật để mưu cầu lợi ích, dựa vào lòng từ thiện xã hội.

Ở nước ta cũng thế, bên cạnh những người ăn xin có hoàn cảnh thật sự khó khăn, thì vẫn có những người “đội lốt” ăn xin để kêu gọi lòng hảo tâm. Thậm chí, trước đây còn có cả những làng chuyên “hành nghề” ăn xin.

Hóa ra, ăn xin cũng là một “nghề” hái ra tiền, khiến cho không ít người nhảy vào để thu lợi. Báo chí không ít lần đưa tin, chụp ảnh về các băng nhóm giang hồ đã khống chế, đe dọa trẻ em, người già cô đơn, người khuyết tật… buộc họ đi ăn xin để chúng thu lợi bất chính. Rõ ràng đây cũng là một “khuyết tật” của xã hội, rất cần được xóa bỏ.

Gần đây, TP Hồ Chí Minh có chủ trương kêu gọi người dân không nên cho tiền người ăn xin. Thay vào đó là điện báo cho các ngành hữu quan để đưa họ về nhà hoặc vào nơi sống thích hợp.

Thiết nghĩ, không chỉ nhằm để xây dựng đô thị văn minh, sạch đẹp mà còn là bước đi đúng để quản lý “các dạng ăn xin” và ổn định đời sống cho những người thật sự cơ nhỡ, có hoàn cảnh đáng thương.

Lòng từ thiện xã hội, nên trao đúng nơi, gửi đúng người.

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh