Động lực mới đến từ năm 2015

07:01, 01/01/2015

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014, tình hình kinh tế- xã hội đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực và tăng trưởng GDP cao hơn 2 năm trước. Tại Vĩnh Long, năm 2014, hầu hết đạt và vượt các chỉ tiêu về kinh tế- xã hội, tạo tiền


Ngành gốm phục hồi với nhiều sản phẩm mới.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014, tình hình kinh tế- xã hội đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực và tăng trưởng GDP cao hơn 2 năm trước.

Tại Vĩnh Long, năm 2014, hầu hết đạt và vượt các chỉ tiêu về kinh tế- xã hội, tạo tiền đề, động lực mới cho năm 2015 với nhiều kỳ vọng đột phá thành công.

Cả nước: một năm thành công

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2014, tình hình kinh tế, chính trị thế giới và trong nước có nhiều biến động, diễn biến phức tạp tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, năm 2014 là năm thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế- xã hội của đất nước tạo sự chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả khả quan.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, đà tăng trưởng phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, tăng trưởng GDP cao.

Sau 3 năm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011- 2015, đây là năm đầu tiên vượt mục tiêu đề ra. Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao. Nông nghiệp đạt kết quả khá, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đạt kết quả bước đầu, các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu đều có mức tăng trưởng cao hơn.

Xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước chuyển biến tích cực với tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều so với năm trước và đạt xấp xỉ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài… Thu ngân sách nhà nước đạt cao, vượt kế hoạch đề ra. Hoạt động phát triển doanh nghiệp đã có những dấu hiệu tích cực bước đầu.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 7 và thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều bộ luật hết sức quan trọng để bảo đảm triển khai, thực thi có hiệu quả các quy định của Hiến pháp, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Mặc dù còn một số lĩnh vực chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhưng kết quả của năm 2014 đã tạo tiền đề, điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: tinh thần chung là phải phấn đấu quyết liệt, nỗ lực nhất để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2015. Thủ tướng chỉ đạo cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Kinh tế là trung tâm, nhiệm vụ của chính quyền là tạo mọi thuận lợi, khắc phục, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp làm ăn, nhân dân làm ăn.

Phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp bằng hành động và việc làm cụ thể, tập trung vào những lĩnh vực mà nhân dân đang khó khăn, vướng mắc”. Bên cạnh đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

Vĩnh Long: duy trì tốc độ tăng trưởng

Năm 2014, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế của tỉnh vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá và đạt mục tiêu kế hoạch.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 7,01% so với năm 2013 và tăng trên cả 3 khu vực. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. GRDP bình quân đầu người ước đạt 35,4 triệu đồng, tăng 4,4 triệu so năm trước. Nhìn chung các lĩnh vực đều duy trì tăng trưởng.

Một số ngành sản xuất suy giảm trước đây nay có xu hướng phục hồi, cùng với năng lực sản xuất mới và nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại sau thời gian tạm ngưng.

Huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế- xã hội tiếp tục được duy trì. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông thôn mới được tăng cường và đạt được nhiều kết quả tích cực. An sinh, phúc lợi xã hội đảm bảo. Cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm thực hiện…


Tuyến cáp ngầm vượt sông Cổ Chiên hoàn thành đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế- xã hội 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ.

Thành quả trên đây tạo đà cho Vĩnh Long đi tới. Ông Trần Văn Rón- Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian tới là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giải quyết tốt các vấn đề nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp chế biến và đẩy mạnh thương mại- dịch vụ. Tạo điều kiện phát triển tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo hướng gắn kết phát triển du lịch. Vĩnh Long sẽ ưu tiên thực hiện chương trình thu hút đầu tư và chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Xác định thế mạnh của tỉnh chủ yếu vẫn là nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Vì thế, ông Trần Văn Rón nhận định: “Tới đây Vĩnh Long phải tập trung nông nghiệp chất lượng, hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại là định hướng khả thi lâu dài và chúng ta phải đi tới bằng con đường đó. Nông nghiệp Vĩnh Long phải là cánh đồng lớn, liên kết bao tiêu đầu ra, hiện đại hóa công nghệ giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật…
 
Nông dân phải làm giàu từ nông nghiệp. Trong thu hút đầu tư, tỉnh ưu tiên công nghiệp chế biến từ nguyên liệu của ngành nông nghiệp- là nông- thủy sản, với công nghệ phù hợp, hiện đại.

Thực tế hiện nay, Vĩnh Long có một số dự án công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp chuẩn bị triển khai trong năm 2015, như dự án nhà máy đóng hộp trái cây, rau, củ, quả tại TX Bình Minh; dự án Trại thực nghiệm thủy sản của Công ty TNHH De Heus (Hà Lan) tại Mang Thít.

Bên cạnh, một số dự án đang kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp: nhà máy sản xuất thiết bị cơ giới nông nghiệp, nhà máy chế biến các sản phẩm khoai lang, nhà máy chế biến phụ phẩm- phế phẩm thủy sản, nhà máy sản xuất vắc xin cho động vật- thủy sản.

Theo Viện Nghiên cứu phát triển, đến thời điểm này cơ cấu kinh tế của Vĩnh Long đã vượt qua ngưỡng cân bằng giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp đánh dấu thời điểm phát triển tiền công nghiệp hóa (cơ cấu phi nông nghiệp là 60,02% vượt trên 50% GDP). Vĩnh Long thuộc nhóm có tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh ở ĐBSCL, tương đồng với Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang và Long An.

Xét về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Vĩnh Long phát triển đúng hướng và tạo ra những tiền điều kiện cần thiết cho sự phát triển công nghiệp hóa.


Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh