Năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP Cần Thơ đạt 71.726 tỉ đồng, đứng hàng thứ ba trong cả nước, chỉ sau Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Năm nay, TP Cần Thơ đạt mức thu ngân sách 12.129 tỉ đồng, vượt kế hoạch 26,49%, là một trong 13 địa phương có nhiều đóng góp cho ngân sách T.Ư. Ðây là một tín hiệu vui của một thành phố trẻ vùng Đồng bằng sông Cửu
Năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP Cần Thơ đạt 71.726 tỉ đồng, đứng hàng thứ ba trong cả nước, chỉ sau Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Năm nay, TP Cần Thơ đạt mức thu ngân sách 12.129 tỉ đồng, vượt kế hoạch 26,49%, là một trong 13 địa phương có nhiều đóng góp cho ngân sách T.Ư. Ðây là một tín hiệu vui của một thành phố trẻ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) ngay trong thời kỳ giảm phát về kinh tế hiện nay.
Kết quả đó từ những nỗ lực và quyết tâm của Ðảng bộ và chính quyền TP Cần Thơ trong thực hiện đường hướng kinh tế mở, với thương mại-dịch vụ làm đột phá mang tính chiến lược, đồng thời tập trung phát huy những lợi thế mang tính động lực của toàn vùng ÐBSCL về thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp, tăng cường khả năng liên kết và kết nối mạnh với các trung tâm kinh tế và các địa phương trên địa bàn vùng...
Tất cả những giải pháp chiến lược phát triển kinh tế đó nhằm giúp TP Cần Thơ xác lập vai trò đầu mối về giao thương trên địa bàn.
Việc tăng trưởng mang tính bước ngoặt về kinh tế TP Cần Thơ dựa trên việc khai thác lợi thế của đô thị trung tâm cấp vùng. Ðó là đầu mối giao thương giữa TP Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm ÐBSCL (bao gồm TP Cần Thơ với các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và An Giang), giữa vương quốc Campuchia với các tỉnh ÐBSCL và TP Hồ Chí Minh; là tâm điểm của các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch, đối ngoại, giáo dục, y tế... luôn được tổ chức tại thành phố. Sự thu hút các nguồn lực phát triển hệ thống giáo dục và y tế tại Cần Thơ đã giảm tải cho TP Hồ Chí Minh, đồng thời là tác nhân quan trọng góp phần tăng trưởng về thương mại, dịch vụ.
Nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm vùng ÐBSCL thông qua Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng ÐBSCL được tổ chức tại Cần Thơ.
Riêng TP Cần Thơ đã tổ chức hơn 15 cuộc hội thảo về đầu tư thương mại và du lịch, quảng bá du lịch... Việc hợp tác toàn diện với các tỉnh trong vùng giúp thành phố phát huy được vị thế trung tâm của mình, trực tiếp hơn là thu hút đội ngũ trí thức, vốn, gia tăng doanh thu từ thương mại và dịch vụ. Mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, TP Cần Thơ đã ký kết và thực hiện nhiều thỏa thuận quốc tế.
Một số công trình đầu tư nguồn vốn ODA và NGO hoàn thành đưa vào sử dụng, như Trung tâm Truyền máu huyết học, dự án cải thiện môi trường TP Cần Thơ, Trung tâm học liệu Trường Đại học Cần Thơ, dự án nâng cấp đô thị. Hiện nay, TP Cần Thơ có quan hệ xuất khẩu với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ (khu vực châu Á chiếm 50,6%, châu Mỹ chiếm 19,2%, châu Âu chiếm 13%).
Do vậy, trong thời điểm suy giảm kinh tế thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu, nhưng với sự năng động, tìm hướng tháo gỡ khó khăn, nên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Cần Thơ vẫn đạt bảy tỉ USD, tăng bình quân 5,2%/năm.
Kinh doanh mua bán tại siêu thị Co.opmart Cần Thơ. Ảnh: N. HƯƠNG
Trong năm năm qua, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của thành phố phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng theo hướng đa dạng hóa loại hình dịch vụ, trong đó một số dịch vụ thể hiện rõ vị thế trung tâm của vùng, như giao thông vận tải, tài chính-ngân hàng, thông tin và truyền thông...
Thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP Cần Thơ có 107 chợ, 12 siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm bán buôn, với 52 tổ chức tín dụng, với 230 điểm giao dịch, cùng với sự hiện diện của 10 công ty bảo hiểm, công ty cho thuê tài chính có uy tín trong và ngoài nước.
Hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật, dịch vụ du lịch tiếp tục được phát triển; du lịch gắn với các sự kiện, lễ hội văn hóa-thể thao cấp vùng, cấp quốc gia và quốc tế được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, quy mô hơn, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách về đặc trưng miệt vườn, sông nước Nam Bộ.
Năm 2014, thành phố này đón hơn năm triệu khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, du lịch, trong đó 1,3 triệu khách lưu trú thường xuyên.
Kết quả đó cho thấy, thương mại TP Cần Thơ phát triển đa dạng với nhiều loại hình, luôn quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, góp phần tăng năng lực bán buôn, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn và bước đầu thể hiện vai trò trung tâm phân phối hàng hóa cho toàn vùng ÐBSCL.
Sau ba năm thi công, đến nay chợ chuyên doanh lúa, gạo tại huyện Thốt Nốt với tổng mức đầu tư hơn 800 tỉ đồng đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động.
Ðây là chợ đầu mối lúa, gạo mang tầm vóc vùng với mục tiêu tăng tích lượng kho, nâng cao lợi thế của kho chứa lớn để tạo điều kiện cho việc dự trữ lưu thông lúa, gạo nhằm thu mua hết lúa hàng hóa trong dân; nâng cao chất lượng lúa, gạo, giảm tỷ lệ hao hụt do phơi sấy, bảo quản không đạt yêu cầu, nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân.
Hơn thế nữa, chợ gạo đầu mối này còn góp phần làm tốt nhiệm vụ chủ lực trong việc thu mua lúa hàng hóa với giá cả có lợi cho nông dân, điều hòa lương thực, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh? Ðồng thời, thiết lập một trung tâm tồn trữ lúa, gạo kết hợp chợ chuyên doanh lúa, gạo để người mua, người bán, nhà sản xuất, nhà cung ứng... thực hiện việc thu mua, bảo quản, dự trữ, chế biến và xuất khẩu gạo với số lượng lớn một cách tốt nhất.
Chợ đầu mối lúa gạo này có đường bộ và đường thủy tiếp giáp với các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, cho nên là địa bàn lý tưởng để thu hút lượng lúa hàng hóa dồi dào của các tỉnh bạn thông qua các doanh nghiệp kinh doanh lương thực và hệ thống thương lái.
Vị thế trung tâm, vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế luôn là cơ hội để Ðảng bộ và chính quyền TP Cần Thơ tập trung phát triển lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Việc chú trọng nâng cấp và mở rộng các trục giao thông huyết mạch nối TP Cần Thơ với TP Hồ Chí Minh, với các tỉnh biên giới thuộc nước Campuchia, với bán đảo Cà Mau và Tây sông Hậu tạo điều kiện giúp Cần Thơ gia tăng hàng hóa lưu thông qua các dịch vụ vận tải, nhờ đó xác lập vai trò kết nối thương mại-dịch vụ, đáp ứng vai trò tổng đại lý, điều tiết và phân phối hàng hóa cho toàn khu vực ÐBSCL.
Lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ đang đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng khẩn trương hoàn thành nạo vét Dự án Kênh Quan Chánh Bố để các tàu có tải trọng từ 10 nghìn đến 20 nghìn tấn có thể ra vào sông Hậu, phát huy cảng biển quốc tế Cái Cui phục vụ cho xuất khẩu hàng nông, thủy sản của khu vực ÐBSCL.
Dự án này góp phần giúp nông dân ÐBSCL bớt thua thiệt về kinh tế, bởi vì hiện nay vẫn có khoảng 70% đến 80% hàng hóa xuất khẩu trong vùng phải trung chuyển qua khu vực TP Hồ Chí Minh, làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa bình quân 7 đến 10 USD/tấn, làm hạn chế sự cạnh tranh của hàng nông sản ÐBSCL trên thị trường thế giới và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất-nhập khẩu, môi trường đầu tư trong vùng.
Quận Ninh Kiều là một điểm nhấn về thương mại-dịch vụ của thành phố Cần Thơ. Bên cạnh vốn đầu tư từ ngân sách, việc huy động các nguồn lực để phát triển và tận dụng lợi thế quận đô thị trung tâm này được xem là một trong những khâu quan trọng để phát triển nhanh, đồng bộ hạ tầng kinh tế-xã hội của quận, nhất là việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại đa chức năng, chợ truyền thống, phát triển khu phố chuyên doanh, siêu thị chuyên ngành.
Trong năm 2014, cùng với việc đưa vào hoạt động trung tâm thương mại Sense City, trung tâm mua sắm Nguyễn Kim, chợ An Cư, các dự án khác trên địa bàn quận cũng đang được tích cực triển khai như dự án Trung tâm Hội nghị thành phố, trung tâm Thương mại dịch vụ Lotte Cần Thơ, mở rộng chợ An Bình, đồng thời chuẩn bị đầu tư Trung tâm Thương mại Dịch vụ của Tập đoàn Vingroup.
Từ năm 2012 đến 2014, có hơn 5.900 hộ cá thể trên địa bàn quận Ninh Kiều được cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh mới với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỉ đồng, thu hút hơn 8.700 lao động, góp phần đưa quận Ninh Kiều trở thành trung tâm thương mại năng động, là nơi giao thương hàng hóa với các tỉnh ÐBSCL và với TP Hồ Chí Minh.
Bí thư Quận ủy Ninh Kiều, Tiến sĩ kinh tế Võ Thành Thống khẳng định, việc phát triển thương mại-dịch vụ giữ vai trò chính yếu trong việc hiện thực hóa Cần Thơ đảm đương sứ mệnh là thành phố động lực của vùng ÐBSCL. Thương mại của Cần Thơ phát triển cũng chính vì cả ÐBSCL, rõ nhất là việc tìm đầu ra cho hàng nông sản và thủy sản.
Muốn vậy, hệ thống hạ tầng thương mại phải được quy hoạch, đầu tư có trọng điểm và có chiều sâu, với các kênh thu mua và phân phối hàng hóa có bài bản. Ðể có hạ tầng phân phối hàng hóa tốt, Cần Thơ đã quy hoạch các khu đất dành cho thương mại, đồng thời mời gọi đầu tư rộng rãi.
Ngoài các siêu thị và trung tâm thương mại đã hình thành, phía Hàn Quốc đang triển khai xây dựng trung tâm Thương mại Dịch vụ Lotte Cần Thơ, các Tập đoàn kinh tế ở TP Hồ Chí Minh cũng đang triển khai dự án xây dựng thêm các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn quận Ninh Kiều.
Bên cạnh những kênh phân phối hàng hóa nêu trên, Cần Thơ đang tập trung quy hoạch xây dựng chợ đầu mối và nâng cấp chợ truyền thống. Ðó là chợ đầu mối về rau, củ, quả; chợ đầu mối thủy sản; đặc biệt là chợ thương mại đặc thù gắn với phát triển du lịch.
Cần Thơ chuẩn bị khởi công cầu đi bộ nối bến Ninh Kiều với cồn Cái Khế, hình thành phố đi bộ kết hợp mua sắm. Hàng loạt các công trình hạ tầng quy mô phục vụ cho thương mại Cần Thơ như mời gọi đầu tư khu dịch vụ hậu cần Lô-gi-xtích gần cảng quốc tế Cái Cui, gắn với tái cơ cấu lại cảng Cái Cui theo hướng tăng nguồn lực và khả năng cạnh tranh.
Công ty Tân Cảng Sài Gòn cũng đang tiến hành đầu tư khu dịch vụ Lô-gi-xtích tại Thốt Nốt thành nơi trung chuyển hàng nông sản vùng tứ giác Long Xuyên và Ðồng Tháp Mười về Sài Gòn, góp phần giảm chi phí cho nông dân.
Theo NDĐT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin