Phát triển đối tượng tham gia BHYT hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân; BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện.
|
Phát triển đối tượng tham gia BHYT hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân; BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của luật này để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện.
Đó là những nội dung sửa đổi của Luật BHYT vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015. Để bạn đọc hiểu rõ vấn đề trên, phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ- Bác sĩ Lưu Văn Tuấn- Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Vĩnh Long.
* Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (Luật sửa đổi, bổ sung) mới được Quốc hội thông qua, mức hưởng BHYT của các đối tượng có thẻ BHYT thay đổi gì so với Luật BHYT hiện hành, thưa ông?
- Nhằm phát triển đối tượng hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015, đối với đối tượng hộ gia đình nhân dân trước đây tham gia BHYT tự nguyện thì nay tham gia BHYT bắt buộc theo hộ gia đình bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
Để khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình, Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có quy định giảm dần mức đóng BHYT từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể: Người thứ nhất đóng 100% mức đóng; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi (72 tháng): trẻ em đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 30/9 của năm đó.
Nâng mức hưởng BHYT đối với đối tượng thân nhân của người có công với cách mạng là: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ từ 80% lên 100%; thân nhân của người có công cách mạng còn lại và người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ 80% lên 95%.
Trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến được điều chỉnh mức hưởng như sau:
Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú; tương tự tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% (từ ngày 1/1/2015- 31/12/2020) và 100% (từ ngày 1/1/2021) trong phạm vi cả nước; tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí KCB (từ ngày 1/1/2015- 31/12/2015) và 100% (từ ngày 1/1/2016) trong cùng địa bàn tỉnh.
* Ông có thể cho biết việc thay đổi này có lợi hơn cho người tham gia BHYT như thế nào?
- Việc thay đổi này đã mở rộng quyền lợi KCB cho người tham gia BHYT. Theo đó, BHYT sẽ chi trả chi phí KCB đối với tai nạn lao động, tự tử, tự gây thương tích; khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật người đó gây ra.
Trẻ em dưới 6 tuổi được BHYT chi trả khi điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt. Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến.
* Cảm ơn ông!
TẤN PHONG (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin