Nhằm áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, Bộ luật Lao động năm 2012 hiện có những quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với lao động nữ. Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Nhân- Trưởng Phòng Việc làm- Tiền lương- Bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long.
Nhằm áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, Bộ luật Lao động năm 2012 hiện có những quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với lao động nữ. Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Nhân- Trưởng Phòng Việc làm- Tiền lương- Bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long.
* Xin ông cho biết thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với lao động nữ được quy định như thế nào?
Người sử dụng lao động (NSDLĐ) không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp: mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 7 sẽ được chuyển làm những công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 1 giờ làm việc hàng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.
Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút và trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Lao động nữ nghỉ thai sản được nghỉ trước và sau khi sinh là 6 tháng; sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng và thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.
* Nếu vi phạm những quy định trên thì NSDLĐ sẽ bị xử phạt như thế nào, thưa ông?
Nếu vi phạm những quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với lao động nữ, NSDLĐ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000- 1.000.000đ đối với hành vi không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh; phạt tiền từ 10.000.000- 20.000.000đ đối với những trường hợp còn lại. Ngoài ra, nếu NSDLĐ không bảo đảm việc làm cũ khi lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 157 của Bộ luật Lao động và sử dụng lao động nữ làm những công việc không được sử dụng lao động nữ theo quy định tại Điều 160 của Bộ luật Lao động cũng bị phạt tiền từ 10.000.000- 20.000.000đ.
* Cảm ơn ông!
TẤN PHONG (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin