Năm 2014, hiện tượng El Nino xuất hiện ở nước ta, lũ đầu nguồn sông Cửu Long về sớm nhưng ở mức thấp, mùa mưa ở Nam Bộ kết thúc sớm và lượng mưa thiếu hụt hơn bình thường… Cho nên có khả năng dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt trong mùa khô năm 2015. Đó là nhận định của các cơ quan chuyên môn về khí tượng- thủy văn trong mùa khô năm nay.
Kiểm tra kinh, mương nội đồng, trữ nước chủ động phòng, chống hạn, mặn.
Năm 2014, hiện tượng El Nino xuất hiện ở nước ta, lũ đầu nguồn sông Cửu Long về sớm nhưng ở mức thấp, mùa mưa ở Nam Bộ kết thúc sớm và lượng mưa thiếu hụt hơn bình thường… Cho nên có khả năng dẫn đến hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt trong mùa khô năm 2015. Đó là nhận định của các cơ quan chuyên môn về khí tượng- thủy văn trong mùa khô năm nay.
Nguồn nước năm 2014 thiếu hụt
Theo báo cáo của Trung tâm Dự báo khí tượng- Thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino có khả năng xuất hiện ở nước ta với xác suất vào mùa Hè khoảng 70%, mùa Thu, Đông 80%, thời gian ảnh hưởng từ mùa Hè năm 2014 đến hết mùa Xuân năm 2015.
Ảnh hưởng của El Nino làm cho nhiệt độ tăng so với trung bình nhiều năm từ 1,2- 1,5oC, lượng mưa bị thiếu hụt so với cùng kỳ nhiều năm từ 25- 50%, mùa mưa khả năng đến muộn hơn và kết thúc sớm hơn, dòng chảy các sông, suối có xu thế suy giảm nhanh sau khi mùa mưa kết thúc.
Thực tế, từ đầu năm 2014 đến tháng 9/2014, khu vực Nam Trung Bộ đã xảy ra hiện tượng nắng nóng kéo dài, lượng mưa phổ biến đạt dưới 50% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm, một số nơi chỉ đạt khoảng 20-30% (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận);
dòng chảy các sông suối hầu hết thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30- 80%; các hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ thấp, trung bình đạt khoảng 30- 40% so với dung tích thiết kế, nhiều hồ chứa nhỏ tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận bị cạn nước.
Ở khu vực Bắc Bộ, một số nơi có lượng mưa thấp so với trung bình nhiều năm (TBNN), một số hồ chứa lớn có dung tích trữ thấp so với cùng kỳ.
Ở khu vực Nam Bộ, theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, nền nhiệt trung bình trên khu vực trong các tháng mùa khô năm 2014 ở mức cao hơn TBNN một ít (cao nhất là 0,70C); tổng lượng mưa từ tháng 4- 11/2014 ở khu vực ĐBSCL hầu hết thấp hơn lượng mưa so với TBNN cùng thời kỳ, đạt khoảng từ 84- 86% so với lượng mưa TBNN.
Lũ năm 2014 về sớm. Từ nửa cuối tháng 6, do ảnh hưởng của lũ thượng nguồn kết hợp với triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh từ những ngày cuối tháng 7 và đạt đỉnh vào giữa tháng 8 ở mức 3,95m (dưới mức báo động II là 0,05m) tại Tân Châu, tại Châu Đốc là 3,2m (cao hơn báo động I là 0,2m), đây cũng là đỉnh lũ năm 2014 ở khu vực ĐBSCL.
Trong đợt này, các trạm trên dòng chính sông Cửu Long như: Cao Lãnh, Mỹ Thuận (sông Tiền), Long Xuyên, Cần Thơ (sông Hậu) cũng đạt xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động III. Sau đạt đỉnh giữa tháng 8, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long xuống dần, đến cuối tháng 10 mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc ở mức thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 0,9-1m.
Độ mặn vùng cửa sông
Theo Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, khả năng xuất hiện El Nino trong mùa khô năm 2014- 2015 được đánh giá vào khoảng 60- 70%. Tổng lượng mưa trong mùa khô từ tháng 12/2014- 4/2015 có khả năng ở mức thấp hơn so với TBNN.
Từ tháng 11/2014- 4/2015, nền nhiệt độ trung bình ở khu vực ĐBSCL phổ biến ở mức cao hơn TBNN từ 0,5- 10C, cao nhất từ 32-350C.
Đến cuối năm 2014, mực nước tại Tân Châu, Châu Đốc thấp hơn TBNN từ 0,6- 0,7m, đến cuối mùa khô có khả năng thấp hơn TBNN từ 0,1- 0,2m.
Do đỉnh lũ trên sông Cửu Long xuất hiện khá sớm và ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy về khu vực ĐBSCL thiếu hụt nhiều so với TBNN nên trong mùa khô 2014- 2015,
tình hình xâm nhập mặn có khả năng xuất hiện sớm và sâu hơn vào nội đồng; độ mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ cao hơn cùng kỳ năm 2014 và TBNN, có khả năng tương đương với mùa khô năm 2012- 2013 (năm ở Vĩnh Long độ mặn phía sông Cổ Chiên lên cao nhất từ trước đến nay); trên sông Tiền, sông Hậu, độ mặn 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 40- 50km tính từ cửa sông, đặc biệt độ mặn sẽ tăng cao trong các tháng 2- 4/2015.
Do đó, cần chủ động đối phó với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn sớm và sâu ở khu vực Nam Bộ trong các tháng đầu năm 2015.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, tình hình thời tiết, khí hậu diễn ra như trên cho thấy, El Nino đã ảnh hưởng đến khu vực Nam Trung Bộ và có nguy cơ tiếp tục diễn ra, có khả năng ảnh hưởng đến việc cấp nước phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2014- 2015 ở nhiều nơi trên cả nước, nhất là các khu vực Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên.
Chuẩn bị đối phó với hạn, mặn
Ngày 21/11/2014, Tổng cục Thủy lợi đã triệu tập hội nghị các sở nông nghiệp và PTNT, chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi 13 tỉnh khu vực ĐBSCL và các cơ quan nghiên cứu như Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, Đài Khí tượng- Thủy văn khu vực Nam Bộ, tại tỉnh Đồng Tháp để bàn giải pháp phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn vụ Đông Xuân 2014- 2015 và vụ Hè Thu năm 2015 các tỉnh ĐBSCL, do ông Lê Mạnh Hùng- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi chủ trì.
Ngày 1/12/2014, Tổng cục Thủy lợi đã ra thông báo ý kiến kết luận của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi tại hội nghị nêu trên. Trong đó, đề nghị các tỉnh- thành vùng ĐBSCL thực hiện những nội dung:
(1). Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 7071/CT-BNN-TCTL ngày 3/9/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, đối phó với ảnh hưởng của El Nino.
(2) Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước để chủ động lấy nước tưới phù hợp với thực tế; xây dựng phương án và tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
(3) Huy động các nguồn lực để tập trung duy tu, sửa chữa công trình, nạo vét kinh chính, củng cố bờ bao, đắp đập thời vụ, vận hành hợp lý cống, đập điều tiết để lấy nước và trữ nước, đóng cống ngăn mặn trữ nước ngọt kịp thời, đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, phối hợp giữa các địa phương trong vận hành hệ thống công trình thủy lợi và tập trung nhiều nguồn vốn để thực hiện.
(4) Thường xuyên phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi để trao đổi, nắm bắt thông tin về diễn biến, dự báo nguồn nước, xâm nhập mặn để chỉ đạo lấy nước phục vụ sản xuất hợp lý.
(5) Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp tưới, tiêu khoa học, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng ở những nơi có điều kiện; huy động sự tham gia của người dân, nâng cao năng lực hoạt động của Tổ chức hợp tác dùng nước trong quản lý, vận hành công trình thủy lợi nội đồng.
(6) Phối hợp với báo, đài địa phương để thông tin, tuyên truyền về phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn để nhân dân biết, chủ động kế hoạch sản xuất…
Bài, ảnh: HÀ THÀNH THẶNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin