Lạnh lùng nước chảy

07:12, 20/12/2014

Khúc sông Măng này giáp với sông Tiền nên cá lớn thường vào. Những “ông cá hô”, “bác cá cóc” cứ thỉnh thoảng lại vào sâu cửa sông.

1. Khúc sông Măng này giáp với sông Tiền nên cá lớn thường vào. Những “ông cá hô”, “bác cá cóc” cứ thỉnh thoảng lại vào sâu cửa sông. Người dân chài lưới hò hụi kéo cá lên bờ rồi lấy cây tre to xỏ ngang mang cá, cứ thế vài ba thanh niên khỏe mạnh kéo cá rê trên đất để đem lên chợ.

Bọn trẻ nhỏ hò reo đi theo nhặt vảy cá về rửa sạch, phơi khô, để dành chơi nhà chòi. Mới đó mà đã xa…

Bây giờ, mỗi lần bắt được con cá to chừng trăm ký là… được đăng báo. Tin thường đăng vầy: ngày... tháng…, một ngư dân thả lưới trên lưu vực sông Đồng Nai bắt được con cá hô nặng 128kg, bán gần 200 triệu đồng. Ngày… tháng…, vợ chồng ngư dân ở sông Vàm Nao- An Giang, đã cào được 1 con cá hô đỏ cân nặng 86kg, bán cho một thương lái giá 320.000 đ/kg.
 
Thương lái này lại đem cá lên TP Hồ Chí Minh bán lại cho nhà hàng với giá 1.200.000 đ/kg. Ngày… tháng…, bắt được cá hô 107kg trên sông An Giang. Con cá “khủng” này được đóng thùng đá chở về một quán nhậu ở TP Hồ Chí Minh. Bài báo viết thêm: Được biết, loài cá hô đã bị cấm đánh bắt nhưng vì giá bán khá cao nên một số ngư dân vẫn bất chấp lệnh cấm và săn lùng ráo riết.

2. Tin trên báo: ngày… tháng… Cầu thủ nổi tiếng người Italia- Yuri Grisendi vừa khoe chiến tích khi “hạ gục” được con cá da trơn khổng lồ nặng hơn 100kg, dài 2,5m. Sau khi chụp loạt ảnh với con cá khổng lồ này, Yuri Grisendi đã quyết định phóng sinh nó về với tự nhiên.

Ngày… tháng…, ông Andy Harman, đến từ quận Surrey (Anh) bắt được con cá chép Xiêm nặng 68kg khi đang du lịch ở Thái Lan. Sau khi chụp ảnh với con cá khổng lồ, Harman thả nó về hồ. Cá chép Xiêm là giống cá chép lớn nhất thế giới có thể được tìm thấy sống tự nhiên ở các lưu vực sông Châu Á.

3. Các bà các chị đi chợ giờ đây đều có kinh nghiệm: tôm càng xanh đều chằn chặn, nhảy xoi xói đích thị là tôm nuôi. Tôm càng xanh nằm ngất ngư giơ càng, con nhỏ con lớn gì cũng có, ắt hẳn là tôm sông. Lý giải khá đơn giản: vì người đánh bắt bằng điện nên không có con tôm nào lên khỏi mặt nước mà còn thở nổi. Đi theo mớ tôm là đủ loại cá thiểu, cá phèn, cá lưỡi trâu… nhỏ xíu, cũng là nạn nhân của xiệc điện.

Ai bắt (cá tôm) cứ bắt, ai mua cứ mua. Lạnh lùng nước chảy.

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh