Trong tù trung kiên, bất khuất- Ngoài đời tình nghĩa, thủy chung

08:12, 16/12/2014

Phát huy tinh thần “Sống trong tù trung kiên, bất khuất- Sống ngoài đời tình nghĩa, thủy chung”, những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã không hề nao núng trước đòn roi tra tấn dã man của quân thù. Thời bình, họ tiếp tục noi gương Bác Hồ đoàn kết, giúp nhau vượt khó vươn lên.

Phát huy tinh thần “Sống trong tù trung kiên, bất khuất- Sống ngoài đời tình nghĩa, thủy chung”, những người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã không hề nao núng trước đòn roi tra tấn dã man của quân thù. Thời bình, họ tiếp tục noi gương Bác Hồ đoàn kết, giúp nhau vượt khó vươn lên.


Bà Xuyến (thứ 2 bên trái) đã dày công tạo việc làm, giúp đỡ cho hội viên và con cháu hội viên vượt khó vươn lên.

Hạt muối chia đôi, tấm chăn xẻ nửa

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Nguyễn Văn Mười vừa bước sang tuổi 19 và xin làm du kích xã An Đức (nay là xã Phú Đức- Long Hồ). Một năm sau, ông bị bắt giam và “ngày nào không bị đánh là… không ăn cơm”- ông nhớ lại.

Chúng liên tục điều ông từ Khám Vĩnh Long đến Khám Cần Thơ rồi ra “địa ngục trần gian” ở Nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang). Trước cảnh tra tấn tù binh rợn người, ông vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản, quyết không khai báo dù chỉ nửa lời.

Năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông được trao trả tù binh tại bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và ra Bắc an dưỡng kết hợp học tập. Sau đó, ông về miền Nam tiếp tục chiến đấu và công tác tại Đội Trinh sát vũ trang (Tỉnh Đội Vĩnh Long). Sau khi “ Bắc- Nam sum họp một nhà”, năm 1977, ông phục viên về quê chăm lo phần đất do cha mẹ để lại.

Ông kể, thời đó đất đai còn hoang hóa, dân cư thưa thớt, rắn hổ rất nhiều... Buổi đầu, ông cất tạm căn chòi, cột làm từ cây gòn, cây đủng đỉnh; còn bộ ván để nghỉ lưng thì được làm từ thân cây cau. Những trận đòn roi ở “địa ngục trần gian” đã khiến ông đau ốm triền miên, nhưng không đầu hàng trước số phận, ông gắn sức cải tạo vườn hoang, tăng gia sản xuất để đưa gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Hưởng ứng cuộc vận động “Học tâp và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Người tù kháng chiến ấp Thông Quan, ông đã tích cực vận động hội viên cùng hưởng ứng phong trào “Bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội” do Tỉnh hội phát động. Tuy gia cảnh còn thiếu trước, hụt sau nhưng mỗi năm khui ống, ông đều nhường phần cho đồng đội khó khăn hơn.

Theo ông Mười, từ những ngày tháng tù đày, ông đã cùng đồng đội “hạt muối chia đôi, tấm chăn xẻ nửa”, người bị thương ít chịu đòn thay người bị thương nhiều, thì trong thời bình càng phải thương yêu, đùm bọc nhau, huống chi đa số hội viên đều già yếu, bệnh tật, rất cần được quan tâm.

Đoàn kết vượt khó

Chia tay ông Mười, chúng tôi tìm đến người nữ tù kháng chiến Nguyễn Thị Kim Xuyến (ấp Hậu Thành, xã Long An- Long Hồ). Thời gian tưởng chừng sẽ xóa nhòa tất cả, nhưng những năm tháng tù đày, bị tra điện khảo cung tại Khám Vĩnh Long vẫn là nỗi ám ảnh không nguôi đối với bà. “Lúc đó, tui thà chịu đựng một mình để bảo vệ an toàn bí mật cho tổ chức, cho đồng đội”- bà Xuyến nhớ lại.

Hòa bình, bà xin nghỉ công tác để về quê chăm lo cho gia đình. Bà được Nhà nước cấp xuồng và cây để cất nhà. Để cải thiện đời sống, hàng ngày bà tất bật đi cấy lúa mướn. Là người khá nhanh nhẹn, nên mỗi ngày bà cấy được 2 công. Cứ cấy được 10 công thì được trả 4 giạ lúa.

Nhờ vậy, bà có vốn để chăn nuôi gà vịt. Kinh tế dần phát triển, khi có “của ăn, của để”, bà dành thời gian để chăm lo cho những đồng đội còn khó khăn. Năm 1993, khi Hội Người tù kháng chiến xã được thành lập, với vai trò là Chủ tịch hội, nhận thấy đời sống hội viên còn nhiều khó khăn, bà luôn trăn trở “phải làm gì để đem lại lợi ích, giúp đỡ cho đồng đội”.


Nhờ nguồn vốn của hội, ông Mười (thứ 2 bên phải) đã phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả.

Qua điều tra, hầu hết hội viên đều không có việc làm ổn định, bà đã đứng ra phối hợp mở 26 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và dạy nghề lao động nông thôn. Đồng thời, mở cơ sở đan gia công xuất khẩu, tạo việc làm cho 187 người. Trong đó, có 38 hội viên và con cháu hội viên.

Bên cạnh, bà còn giới thiệu hội viên vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội; vận động giúp nhau về cây, con giống, ngày công lao động; đa dạng hóa các hình thức hùn vốn xoay vòng bằng tiền, lúa, vàng để giúp nhau làm kinh tế và cất nhà.

Nhờ vậy, đến nay đã có 6 hội viên thoát nghèo, không còn hội viên khó khăn về kinh tế hay nhà ở. Thành quả có được ngày hôm nay chính là nhờ bà luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công” (“Giã gạo”- Hồ Chí Minh).

Ông Huỳnh Tấn Phước- Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tỉnh: Trải qua những năm tháng tù đày tra tấn nên cuộc sống người tù kháng chiến còn gặp nhiều khó khăn. Hiện toàn tỉnh còn 33 hộ hội viên nghèo và 20 hộ gặp khó khăn về nhà ở. Nhiệm kỳ 2013- 2018, hội sẽ nhân rộng các mô hình thi đua “Bỏ ống tiết kiệm vì đồng đội”, trồng chuối gây quỹ, nắm gạo đoàn kết... Phấn đấu, không còn hội viên đói nghèo và khó khăn về nhà ở, ít nhất phải có cuộc sống ngang bằng hoặc cao hơn trung bình ở cộng đồng khu dân cư.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh