Đã liên lạc được với các nạn nhân trong vụ sập hầm thủy điện

10:12, 17/12/2014

Đến gần 20 giờ ngày 16/12, tức 13 tiếng đồng hồ sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng cứu hộ đã khoan thông xuyên qua lớp đất đá bị sụp đổ và liên lạc được với các nạn nhân trong vụ sập đường hầm dẫn nước trên công trình thủy điện Đạ Dâng-Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng).

Đến gần 20 giờ ngày 16/12, tức 13 tiếng đồng hồ sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng cứu hộ đã khoan thông xuyên qua lớp đất đá bị sụp đổ và liên lạc được với các nạn nhân trong vụ sập đường hầm dẫn nước trên công trình thủy điện Đạ Dâng-Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng).

Phía ngoài hiện trường vụ sập hầm. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Theo lực lượng cứu hộ, mũi khoan đã xuyên được qua lớp đất đá bị sụp đổ dài khoảng 35m và thông suốt với đoạn đường hầm phía trong, nơi có 12 công nhân bị mắc kẹt.

Lực lượng cứu hộ đã liên lạc được với các công nhân bị nạn bên trong hầm và được biết sức khỏe tất cả công nhân vẫn tốt.

Ngay sau khi xuyên qua lớp đất đá, đội cứu hộ sẽ đưa ống dẫn khí ôxy vào bên trong để cung cấp dưỡng khí cho nhóm công nhân.

Phương án tiếp theo sẽ là mở rộng lỗ hổng vừa được tạo ra tại đoạn hầm bị sập, gia cố thêm và đưa ống sắt vào trong để làm đường thoát ra ngoài cho các nạn nhân.

Tại hiện trường, lực lượng cứu hộ với hơn 100 người đang tích cực làm việc. Một trại dã chiến cũng được lập ngay trước cửa hầm để phục vụ công tác cứu hộ.

Lực lượng chức năng cũng đưa thêm máy khoan, máy phát điện và đèn chiếu sáng công suất lớn để triển khai cứu hộ trong suốt đêm 16/12.

Thông tin mới được Đại tá Hoàng Công Thạo, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy-cứu nạn Công an tỉnh Lâm Đồng, Chỉ huy trưởng công tác cứu hộ xác nhận, chính xác là có 12 người bị mắc kẹt bên trong đường hầm, trong đó có một phụ nữ.

Đại tá Thạo cũng khẳng định việc cứu hộ sẽ tiếp tục trong suốt đêm 16/12 cho đến khi tiếp cận được phía hầm bên kia và đưa các nạn nhân ra ngoài an toàn.

Ngay sau sự cố, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận hiện trường với nhiều xe chuyên dụng, máy móc, thiết bị để cứu hộ. Ngoài lực lượng công an và quân đội, đội ngũ y, bác sỹ của Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương thường xuyên túc trực để kịp thời ứng cứu các nạn nhân.

Có mặt tại hiện trường, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, cho biết khi xảy ra sự cố, tỉnh đã huy động mọi lực lượng và chuẩn bị nhiều giải pháp ứng cứu các nạn nhân, tất cả tập trung cho mục tiêu cao nhất là đưa người bị mắc kẹt ra ngoài một cách an toàn.

Chính quyền tỉnh Lâm Đồng và huyện Lạc Dương đã huy động nhiều nguồn lực, trang thiết bị để xử lý sự cố.

Công tác cứu hộ, cứu nạn gặp khó nhiều khó khăn do khối lượng đất đá, bêtông bị sụp đổ khá lớn, đường hầm sâu và bị ngập nước, khu vực hầm bị sập có nền đất yếu và đoạn hầm bị sập cách cửa hầm gần 500m; đồng thời khu vực Lạc Dương cả ngày có mưa và trời rét.

Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ đã không ngừng nghỉ, tìm mọi cách nhanh nhất có thể giải cứu các nạn nhân.

Cũng trong chiều tối 16/12, ngay sau khi có công điện chỉ đạo khẩn của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng, Quân khu 7, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương cũng đang khẩn trương phối hợp để xử lý sự cố sập hầm; trước mắt tập trung mọi nguồn lực cho việc cứu hộ, cứu nạn, đưa các công nhân còn bị mắc kẹt trong đoạn hầm bị sập ra ngoài./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh