Chiến dịch mùa khô 1985- 1986

07:12, 19/12/2014

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2014) và ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989- 22/12/2014), Báo Vĩnh Long giới thiệu bài viết của đồng chí Phan Quốc Khanh- cựu chiến binh Trung đoàn vận tải 659- Cục Hậu cần Quân khu 9.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2014) và ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989- 22/12/2014), Báo Vĩnh Long giới thiệu bài viết của đồng chí Phan Quốc Khanh- cựu chiến binh Trung đoàn vận tải 659- Cục Hậu cần Quân khu 9.

Bài viết tuy ngắn nhưng phản ánh tinh thần hy sinh, gian khổ vì nhiệm vụ quốc tế cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam .

Cách đây 29 năm (ngày 22/12/1985) đơn vị tôi- Tiểu đoàn vận tải 42 trực thuộc Cục Hậu cần tiền phương Mặt trận 979- được lệnh hành quân từ hậu cứ PochenTong đến một huyện thuộc tỉnh Pusat (Campuchia) để vận chuyển lương thực, khí tài, quân tư trang… cho các đơn vị tiền tiêu của Đoàn 339 đóng dọc trên cung đường 56 đến giáp biên giới Campuchia- Thái Lan.

Trước đó 1 tháng, Tiểu đoàn vận tải 41 đã hành quân lên Battambang để vận chuyển cho Đoàn 330 trên tuyến đường 10 từ Battambang đến Pailin. Lúc này, tàn quân Pol Pot tìm mọi cách để đánh phá các đơn vị vận tải của ta, như phục kích trên đường, gài mìn,…

Đã có nhiều đồng chí hy sinh và bị thương. Lúc này, tinh thần của một số anh em chiến sĩ đã bị dao động. Để đảm bảo kịp thời cho kế hoạch vận chuyển, lãnh đạo đơn vị và cấp trên đã kịp thời động viên tất cả anh em trong đơn vị hãy dũng cảm lên “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.

Cán bộ tiểu đoàn và cán bộ đại đội là những người xung phong đi đầu, cho đoàn xe thẳng tiến, đồng thời cấp trên cũng giao nhiệm vụ cho các đơn vị bộ binh, chốt chặn trên các trục đường tích cực rà phá mìn, sửa chữa đường sá, để đảm bảo an toàn cho mạch máu chiến trường thông suốt. Nếu chậm trễ không đúng kế hoạch thì khi mưa xuống đường trơn trợt, cầu tạm bị nước lũ cuốn trôi, sẽ không đủ lương thực, khí tài cho bộ đội ta sử dụng trong 6 tháng mùa mưa.

Dọc hai bên đường, đơn vị công binh phải đốn hạ cây rừng cách xa từ 100- 150m, để đề phòng địch phục kích và dễ dàng cho ta tiêu diệt địch nếu bị phục kích. Gian khổ nhất là tuyến đường 56 vì xe phải vượt qua nhiều đèo dốc gồ ghề- nhất là 3 ngọn đèo: đèo Đá, đèo Gà, đèo Khỉ (tên những ngọn đèo do bộ đội ta tự đặt cho dễ nhớ).

Đây là những ngọn đèo có độ dốc rất cao và 2 bên là vực thẳm. Nơi bộ đội ta đóng quân là vùng rừng sâu nước độc rất dễ bị sốt rét rừng- nhất là sốt rét ác tính- không có dân sinh sống.

Chỉ toàn là quân tình nguyện Việt Nam chia nhau đóng rải rác trên các điểm cao và dọc biên giới Campuchia- Thái Lan, nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của tàn quân Pol Pot. Đối với cánh lính trẻ chúng tôi, được sự chỉ bảo tận tình của các cựu binh đã có một thời sống và chiến đấu ở rừng Trường Sơn là không được ngủ trưa quá 1 tiếng đồng hồ.

Nếu ngủ quá lâu- nhất là buổi chiều- thì rất dễ bị sốt rét rừng. Tranh thủ thời gian ngoài nhiệm vụ được giao, chúng tôi đi hái rau rừng và đánh bắt cá để cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày vì cá ở đất bạn rất nhiều và dễ đánh bắt.
 
Thương nhất là các đồng chí lái xe ở sở giao thông vận tải các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang… được điều động lên sau để tăng cường cho thực hiện kế hoạch vận chuyển được sớm hoàn thành, vì thiếu kinh nghiệm nên bị sốt rét rừng hành hạ phải cấp cứu.

Nhưng sự mất mát hy sinh có thể đến bất cứ lúc nào. Có người thì bị địch phục kích hy sinh, có người thì bị sốt rét ác tính rồi đái huyết cầu tố hy sinh,... Tổng kết một mùa chiến dịch, có quá nhiều sự mất mát và hy sinh mà không có gì có thể bù đắp được.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi viết bài này, xin thay mặt các cựu chiến binh và toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn vận tải 659 anh hùng, gửi lời tri ân sâu sắc đến các gia đình đã có người thân hy sinh ở chiến trường Campuchia vì nhiệm vụ quốc tế cao cả.

PHAN QUỐC KHANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh