Sẽ ưu tiên xây dựng dự án kè của huyện Long Hồ

07:12, 12/12/2014

Tiếp tục trả lời chất vấn của cử tri và đại biểu HĐND tại kỳ họp thứ 12, đại diện Sở Công thương và UBND tỉnh giải trình làm rõ thêm về vấn đề hoàn trả tiền điện, lò nung liên hoàn, dự án kè Long Hồ…

Tiếp tục trả lời chất vấn của cử tri và đại biểu HĐND tại kỳ họp thứ 12, đại diện Sở Công thương và UBND tỉnh giải trình làm rõ thêm về vấn đề hoàn trả tiền điện, lò nung liên hoàn, dự án kè Long Hồ…


Lò nung liên hoàn đạt hiệu quả về môi trường, giá thành, an toàn lao động. Ảnh: minh họa

Sẽ ưu tiên xây dựng dự án kè của huyện Long Hồ

Về đặt tên 20 tuyến đường, UBND tỉnh đã họp bàn, căn cứ vào các quy định đặt tên đường và xem xét, đối chiếu với Nghị định 91 về quy định đặt tên đường theo những tiêu chí ưu tiên (địa danh nổi tiếng, sự kiện lịch sử, sự kiện văn hóa, danh lam thắng cảnh, danh nhân tiêu biểu,...). UBND tỉnh xem xét, lấy ý kiến thảo luận và đi tới kết luận là tờ trình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình phù hợp theo quy định và thông qua.

Riêng con đường “Ông Phủ” xin được rút lại để xác minh rõ hơn vì chưa xác định chắc chắn về quá trình lịch sử, nhân vật chưa thật sự tiêu biểu, trong khi Nghị định 91 quy định rõ ngân hàng danh nhân và ngân hàng tên đường, căn cứ vào các quy định của nghị định trên thì nhân vật này chưa phù hợp. Còn 19 tên đường còn lại trong đó có 15 vị danh nhân tiêu biểu, rất xứng đáng đề nghị HĐND xem xét thông qua để đặt tên đường.

Trả lời chất vấn về kế hoạch kè của huyện Long Hồ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Phan Anh Vũ cho biết, hiện đã có dự án thiết kế vốn đầu tư 111 tỷ đồng, bồi hoàn 31 tỷ đồng, chủ đầu tư là UBND huyện Long Hồ. Bởi ngân sách của huyện có hạn nên đề nghị Trung ương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào công trình biến đổi khí hậu.

Do tình hình bức xúc của người dân nhiều năm bị ngập lụt, UBND tỉnh đã làm việc 2 lần với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng chưa có kết quả. Vì vậy UBND tỉnh đề nghị HĐND bổ sung vào danh mục công trình giai đoạn 2016- 2020, công trình sử dụng nguồn vốn vay, nguồn vay từ các công trình dự án bức xúc từ Bộ Tài chính, sau đó sẽ hoàn trả sau.

Trả lời về việc hỗ trợ Ban vận động phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khóm- ấp vẫn còn quá thấp, ông Phan Anh Vũ cho biết, hiện nay mỗi năm các ban vận động này được hỗ trợ có 3 triệu đồng, thiếu kinh phí cho phong trào hoạt động, phát triển và nhân rộng để hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. UBND tỉnh đề nghị HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về kinh tế- xã hội, an ninh- quốc phòng 2015 và bổ sung danh mục này vào để tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm 2015.

Lò nung liên hoàn đang phát huy hiệu quả

Trả lời chất vấn về việc hoàn trả tiền điện sau khi hoàn trả mạng lưới điện hạ áp nông thôn và vấn đề chuyển giao công nghệ lò nung liên hoàn, trên cơ sở của tỉnh có thể cải tiến thêm đạt hiệu quả cao hơn hay không, Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Tho cho biết: Tính đến nay, hộ sử dụng điện toàn tỉnh đạt 99,46%, hiện còn khoảng 13.600 hộ câu đuôi và 0,54% hộ chưa có điện sử dụng- phần lớn nằm ở các xã cù lao và vùng sâu vùng xa.

Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, quyết định của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc chuyển giao điện hạ thế nông thôn từ các tổ điện về đầu mối là Công ty Điện lực Vĩnh Long, Điện lực Vĩnh Long đã thực hiện, song đến nay còn 9 tổ điện chưa chuyển giao về Công ty Điện lực Vĩnh Long và sẽ thực hiện vào năm 2015.

Về 19 công trình lưới điện bàn giao của xã Thạnh Quới (Long Hồ), qua tính toán của ngành điện thì 19 công trình này có tổng số lượng chiều dài là 25,2km, tài sản còn lại trên 625 triệu đồng, không thuộc diện hoàn trả vốn.

Tới đây, ngành điện Vĩnh Long sẽ được thụ hưởng dự án nâng cao năng lực cung cấp điện nông thôn, dự kiến đầu năm 2015 sẽ khởi công nâng cao năng lực cung cấp điện nông thôn với số vốn đầu tư là 122 tỷ đồng. Sở Công thương Vĩnh Long cũng tham mưu UBND tỉnh lập đề án giai đoạn 2 để hoàn thiện nâng cấp điện nông thôn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2016.

Về việc tổ chức lại ngành gạch, gốm tỉnh Vĩnh Long, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án tổ chức lại ngành sản xuất gạch, gốm tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2014- 2020.

Đề án có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là thực hiện áp dụng lò nung liên hoàn trong sản xuất gạch, giai đoạn 2 là thực hiện áp dụng lò nung liên hoàn trong sản xuất gốm. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện chuyển giao lò nung liên hoàn để nung gạch.

Đề án gồm 4 nội dung, tỉnh Vĩnh Long đang ứng dụng nội dung thứ 2 là hỗ trợ chuyển đổi sang mô hình lò nung liên hoàn để hạn chế ô nhiễm môi trường, giai đoạn này đã thực hiện chuyển giao 20 cơ sở, doanh nghiệp.

Năm 2014, hội đồng chuyển giao của tỉnh đã ra quyết định chuyển giao cho 19 cơ sở, doanh nghiệp; trong đó có 13 cơ sở, doanh nghiệp đang thực hiện, 10 cơ sở, doanh nghiệp đã sản xuất với công suất 9 triệu viên/năm/doanh nghiệp (10 doanh nghiệp khoảng 90 triệu viên/năm);

còn lại 3 cơ sở, doanh nghiệp thì 2 cơ sở đã hoàn tất khâu đầu tư và 1 cơ sở đang đầu tư. 6 doanh nghiệp đã nhận quyết định chuyển giao nhưng chưa thực hiện là do gặp khó khăn về diện tích đất, vốn. Có 1 doanh nghiệp chưa được ra quyết định chuyển giao vì thực hiện sai thiết kế xây dựng.

Hiện nay hiệu quả chuyển giao đạt tốt, tổ kỹ thuật luôn sát cánh cùng chủ cơ sở trong xây dựng và vận hành. Giai đoạn 2 là vận dụng lò nung liên hoàn đưa vào sản xuất gốm, đã có 6 doanh nghiệp đăng ký ứng dụng. Đề án này đạt được hiệu quả về thân thiện môi trường, giá thành, an toàn lao động.

Bài, ảnh: T.TÂM- H.YẾN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh