Trong ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa VIII, đại biểu (ĐB) HĐND chia 3 tổ thảo luận về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, các báo cáo, tờ trình nhằm phục vụ quá trình phát triển của tỉnh. Tại buổi thảo luận, những vấn đề: tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp… được nhiều ĐB quan tâm đóng góp.
Trong ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa VIII, đại biểu (ĐB) HĐND chia 3 tổ thảo luận về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, các báo cáo, tờ trình nhằm phục vụ quá trình phát triển của tỉnh. Tại buổi thảo luận, những vấn đề: tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp… được nhiều ĐB quan tâm đóng góp.
Cần có giải pháp khả thi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cần có giải pháp căn cơ về kinh tế
Trong bối cảnh ảnh hưởng do suy thoái về kinh tế thì việc tập trung gỡ khó cho DN được nhiều ĐB quan tâm.
ĐB Nguyễn Minh Tho (đơn vị huyện Bình Tân) cho rằng, với đặc thù nền kinh tế tỉnh ta chủ yếu là DN nhỏ và vừa là đa số, đặc biệt là siêu nhỏ cho nên dễ tổn thương trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Do vậy, đề nghị HĐND kiến nghị với địa phương có chính sách hỗ trợ đặc thù cho ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng.
Theo đó, cần ưu tiên cho DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, được hưởng lãi suất ưu đãi cao hơn những ngành khác.
Thực tế hiện nay, Vĩnh Long là một tỉnh nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp rất lớn song hiện nay chỉ có 4 thương nhân tham gia xuất khẩu lương thực, 4 thương nhân xuất khẩu cá tra, còn lại 2 thương nhân xuất khẩu nông sản khác như nấm rơm và cây ăn trái. Do vậy, tỉnh ta không có DN nào làm cầu nối để tham gia xuất khẩu nông sản cũng như cầu nối tiêu thụ nông sản cho bà con.
ĐB Nguyễn Văn Nghiệm (đơn vị huyện Mang Thít) cho biết, chúng ta bàn nhiều về vấn đề chế biến tiêu thụ thủy sản nhất là việc xuất khẩu cá tra với nhiều giải pháp hết sức cụ thể nhưng thực tế chưa có ngành nào đóng vai trò chủ công. Việc nuôi cá tra, chúng ta có quy hoạch nhưng chưa có liên kết chặt chẽ. Nếu cứ tình trạng nuôi lẻ tẻ (không vào hiệp hội) thì rất khó.
Ở Mang Thít có tình trạng đến lúc bán thì người nuôi ký hợp đồng song phương rồi bị giật cả chục tỷ đồng đến nay giải quyết chưa được. Để gỡ khó cho lĩnh vực này, phải có sự liên kết chặt từ vấn đề đầu tư, thu mua, chế biến và đồng bộ theo đó là vốn.
Về vấn đề hỗ trợ giúp DN vượt qua khó khăn do suy thoái kinh tế, ông cho rằng hiện đang gặp khó là nếu dự án mới đã có nhưng dự án cũ không được khoanh lại thì không được vay vốn. Điển hình, việc chuyển giao lò gạch nung liên hoàn ở Mang Thít, đa số các ngân hàng thẩm định dự án hết sức khó khăn nên cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn này. Nếu chúng ta sợ nợ nần mà không tiếp tục đầu tư thì làm sao kinh tế phát triển và giải quyết các khoản nợ trước kia?
Cần đẩy mạnh liên kết “4 nhà”
Việc đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp cũng là vấn đề nhiều ĐB quan tâm đóng góp.
Theo ĐB Lữ Quang Ngời (đơn vị huyện Tam Bình), dù sản xuất cánh đồng mẫu hiệu quả nhưng người dân vẫn còn lo gắn kết giữa DN, bởi các hợp tác xã trên địa bàn vẫn chưa phát triển nhiều nên chưa đảm bảo bao tiêu sản phẩm và ổn định giá cho nông dân.
Nông dân trên cánh đồng mẫu còn lo lắng đến các sản phẩm dịch vụ cung cấp cũng như giá cả còn bấp bênh. Do đó, chúng ta cần phải đẩy mạnh việc thực hiện liên kết “4 nhà”.
ĐB Nguyễn Minh Tho (đơn vị huyện Bình Tân) đề nghị để đề án tái cơ cấu nông nghiệp có hiệu quả đi vào cuộc sống, nên chọn những khâu đột phá mà ở đây là tập trung vào khâu tổ chức sản xuất. Qua đó, tập trung vào mô hình kinh tế tập thể (hợp tác xã và tổ hợp tác). HĐND tỉnh cần mạnh dạn có chủ trương tăng cường cán bộ khoa học, cán bộ quản lý cho ban thường trực cấp xã để vực dậy kinh tế của xã đi lên.
ĐB Nguyễn Văn Lê (đơn vị huyện Trà Ôn) cho rằng, cái khó hiện nay là các DN chưa ký kết hợp đồng chế biến bảo quản tiêu thụ nông sản cho nông dân. Có nhiều nông dân muốn mở rộng sản xuất nhưng rất lo ngại khi sản xuất ra thì bán cho ai, giá cả thì còn bấp bênh. Để áp dụng GolbalGAP, VietGAP, nông dân phải thực hiện nhiều giai đoạn, đầu tư tốn kém song sản phẩm “ra lò” giá bán lại không có ưu thế vượt trội so với sản phẩm sản xuất theo cách truyền thống.
ĐB Nguyễn Văn Trí (đơn vị huyện Long Hồ) đề nghị để triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần xây dựng kế hoạch cụ thể để tập trung thực hiện trong năm 2015 để rút kinh nghiệm chỉ đạo trong những năm tiếp theo.
Trong thực hiện, đề nghị cần quan tâm đầu tư lĩnh vực chế biến và bảo quản hàng hóa nông sản để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc liên kết “4 nhà” để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông dân, vì đến nay vẫn chưa có cách làm cụ thể. Cụ thể ở đây chẳng hạn như người dân vùng nào được bao tiêu, số lượng cụ thể bao nhiêu tấn chứ không thể nói chung chung.
Theo ĐB Phạm Hoàng Khải (đơn vị huyện Trà Ôn), qua các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri đều phản ánh vấn đề hàng gian, hàng kém chất lượng. Cử tri phản ánh là thực tế, song về mặt quản lý còn yếu kém nên đề nghị cần đề cao, xử lý nghiêm. Vấn đề vật tư nông nghiệp, phân bón giả, hàng tiêu dùng kém chất lượng, an toàn thực phẩm,… làm ảnh hưởng lớn đến người dân và là những vấn đề quản lý nằm trong tầm tay chúng ta. Nếu chúng ta quản lý không tốt, để lọt, để hở thì biểu hiện chúng ta quản lý nhà nước không tốt.
ĐB Nguyễn Văn Nhỏ (đơn vị huyện Long Hồ): Về xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hóa mới, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa 2 BCĐ. Hiện nay, chúng ta nhận thức chưa đầy đủ và chỉ tập trung đi vào xây dựng nông thôn mới mà quên rằng xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư chủ yếu là để phục vụ xây dựng xã nông thôn mới. Thực tế thời gian qua, các xã đạt nông thôn mới là đã làm tốt công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Hiện chúng ta tốn rất nhiều kinh phí để đầu tư xây dựng nhà văn hóa của xã và cụm văn hóa của khu dân cư nhưng hiệu quả mang lại chưa thấy rõ. Đề nghị cần có giải pháp cụ thể để phát huy hiệu quả trong thời gian tới.
ĐB Nguyễn Văn Nghiệm (đơn vị huyện Mang Thít): Đối với việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, chúng ta phải có một cánh đồng mẫu lớn làm mẫu đúng theo quy định. Cụ thể là chúng ta phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, thủy lợi, kinh nội đồng, cơ giới hóa…); chấp nhận dồn điền đổi thửa, rút hết dân cư ra khỏi cánh đồng đưa vào tuyến dân cư đã xây dựng… để rút kinh nghiệm. Chứ nếu xây dựng theo kiểu “da beo” như hiện nay thì vẫn cứ tồn tại kiểu sản xuất nhỏ muôn năm và khó tiến lên sản xuất lớn được.
ĐB Phạm Hoàng Khải (đơn vị huyện Trà Ôn): Qua số liệu về tình hình kinh tế, tôi băn khoăn là trụ cột tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh thiếu căn cơ, bền vững. Nguồn thu ngân sách trong các năm qua chủ yếu từ xổ số kiến thiết, nhà máy bia, phát thanh- truyền hình và có câu nói vui “ngồi uống bia, xem truyền hình và dò vé số”. Như vậy, đặt lại vấn đề: công nghiệp, nông nghiệp địa phương không phải là xuất phát điểm, là trụ cột kinh tế thì có bền vững không?
ĐB Trần Văn Khái (đơn vị huyện Bình Tân): 4 trụ đỡ của tái cơ cấu nông nghiệp: đầu tư cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Song, hiện trong 4 trụ này, chỉ mới làm được 1 trụ duy nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng. Và hướng tới, cần có chủ trương gì để quyết liệt thực hiện hiệu quả đề án này?
|
Bài, ảnh: T.TÂM- H.YẾN- T.QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin