
Cho đến nay, TX Bình Minh là một trong những địa phương đã sớm khởi động đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Có những xã đã cơ bản hoàn thành đề án, theo hướng quy hoạch vùng chuyên canh thế mạnh của từng địa phương.
Cho đến nay, TX Bình Minh là một trong những địa phương đã sớm khởi động đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Có những xã đã cơ bản hoàn thành đề án, theo hướng quy hoạch vùng chuyên canh thế mạnh của từng địa phương.
Đối với nơi đây, tái cơ cấu nông nghiệp cũng chính là góp phần “nâng chất” các tiêu chí của nông thôn mới.
Nhấn mạnh vai trò của nông dân
Tổ chức JICA (Nhật Bản) đã từng nhắc nhở chúng ta về thế mạnh nông sản và vai trò của nông nghiệp, nông dân trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế.
Dù khẳng định tầm quan trọng của tam nông; song trong “ưu đãi” phát triển kinh tế, thì nhiều năm qua các chính sách đôi khi vẫn nghiêng về “phần chóp” của công nghiệp, dịch vụ..., mà có phần... xao lãng “phần đáy” với hơn 70% dân số Việt Nam vẫn sống gắn với ruộng, vườn.
Cộng thêm với những diễn biến dịch bệnh, giá cả thị trường, đã làm cho nông nghiệp khó càng thêm khó. Do đó, đề án “Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng, đang mang lại niềm tin cho địa phương cũng như nhiều bà con nông dân.
Bà con xã Đông Thạnh đang thành công với vú sữa bơ hồng.
Xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu, Thị ủy Bình Minh đã xây dựng và triển khai kế hoạch ngay từ đầu quý II/2014, chỉ đạo thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thị xã, giai đoạn 2014- 2020.
Theo đó, UBND TX Bình Minh đã thành lập BCĐ thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời xác định thế mạnh mũi nhọn của vật nuôi, cây trồng chuyên biệt cho từng địa phương.
Cụ thể, là chọn một số xã làm điểm chỉ đạo cho từng lĩnh vực như: xã Mỹ Hòa với lĩnh vực kinh tế vườn bưởi Năm Roi; Đông Thạnh là lĩnh vực chăn nuôi cá lóc, ba ba... và sản xuất lúa chất lượng cao; xã Thuận An lĩnh vực rau màu an toàn sinh học, với vùng rau diếp cá, xà lách xoong... Đồng thời mỗi xã chọn 1 ấp làm điểm chỉ đạo để nhân rộng.
“Nâng chất” các tiêu chí nông thôn mới
Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Cho đến nay, Đông Thạnh đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, đang chờ thẩm tra lại của BCĐ tỉnh. Và trong đầu tháng 11 này, xã cũng đã xây dựng xong đề án tái cơ cấu nông nghiệp”.
Ông phân tích, việc đạt các tiêu chí xong còn phải tiếp tục giữ vững, thí dụ như tiêu chí thu nhập hiện nay là 25,8 triệu đồng/người/năm. Nhưng nếu không tiếp tục tăng thu nhập cho người dân thì cũng khó giữ vững vì thu nhập của người dân phụ thuộc vào hiệu quả của kinh tế nông nghiệp. Cho nên xã xem việc tái cơ cấu nông nghiệp là cơ hội để “nâng chất” các tiêu chí nông thôn mới.
Ngược lại, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, nếu biết dựa trên nền tảng phát triển của nông thôn mới mới thì sẽ có nhiều thuận lợi. Cụ thể, như những con đường giao thông nông thôn đã giúp xe 4 bánh vào tận rẫy thu mua nông sản của bà con. Hay khi hệ thống đê bao thủy lợi hoàn chỉnh thì vấn đề quy hoạch vùng cây trồng sẽ thuận lợi hơn.
Vùng chuyên canh cải xà lách xoong ở xã Thuận An.
Đối với xã Thuận An, được định hướng tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên thế mạnh truyền thống vùng rau màu, được xem là thuận lợi lớn sau khi địa phương đã thành lập Hợp tác xã Cải xà lách xoong an toàn.
Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng kho sơ chế, nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn hướng tới tiêu thụ vào các nhà hàng và siêu thị trong thời gian tới. Bí thư Đảng ủy xã Thuận An Nguyễn Văn Tám cho rằng: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp sẽ nâng cao giá trị nông sản, tăng giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh; tăng năng suất, chất lượng trong sản xuất nông nghiệp.
Cho nên khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống nông dân, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế ở địa phương.
Cải xà lách xoong được trồng nhiều ở vùng đất Bình Minh từ nhiều năm nay và có diện tích lớn nhất tỉnh. Nhờ chuyên canh xà lách xoong, kinh tế của nhiều hộ gia đình ổn định và trở nên khá giả. Thêm thuận lợi nữa là địa phương đã thành lập hợp tác xã và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sẽ giúp cho quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở Thuận An đạt nhiều hiệu quả hơn.
Ông Thạch Hà ở ấp Thuận Tân A (xã Thuận An) trồng 3 công xà lách xoong. Giá bán trung bình 10.000 đ/kg, thu được khoảng 30 triệu đồng/công/lứa. Mỗi năm cắt được 6 lứa, thu được 180 triệu đồng/công/năm. Trừ chi phí 30 triệu đồng/công/ năm, ông Thạch Hà còn lời 150 triệu đồng/công/năm. Với 3 công xà lách xoong, mỗi năm ông Thạch Hà lời được khoảng 450 triệu đồng.
|
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin