Nợ công vẫn trong giới hạn an toàn

05:11, 20/11/2014

Chiều 19/11, sau phiên chất vấn các bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm trong các phiên chất vấn trước Quốc hội, đồng thời trực tiếp trả lời một số chất vấn của ĐBQH.

Chiều 19/11, sau phiên chất vấn các bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã báo cáo giải trình thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm trong các phiên chất vấn trước Quốc hội, đồng thời trực tiếp trả lời một số chất vấn của ĐBQH.


Nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển và có rất nhiều công trình quan trọng đã phát huy hiệu quả từ nguồn vốn này.

* Nợ công đã áp trần

Trả lời các đại biểu Quốc hội: Trần Hoàng Ngân, Trần Xuân Hòa, Hà Sỹ Đồng, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Tiến Lộc... về vấn đề nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đã đề ra, Đảng và Nhà nước đã chủ trương chủ động tăng vay nợ cả trong và ngoài nước để tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội.

Thủ tướng cho biết, nợ công là nguồn vốn cần thiết và rất quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội.

Trên 98% vốn vay được sử dụng trực tiếp cho các dự án hạ tầng, phần còn lại được đưa vào ngân sách nhà nước chi cho nhiều mục khác. Ngoài ra, rất nhiều công trình quan trọng, thiết yếu về giao thông, điện, viễn thông, nước, thủy lợi, y tế, giáo dục… đã hoàn thành, phát huy hiệu quả góp phần làm tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa- xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Hiện, nợ công tăng nhanh từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015. Mức nợ công này vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội (nghị quyết Quốc hội không quá 65%). Tuy nhiên, nợ công hiện đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã có kế hoạch và đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%).

Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, chúng ta còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn.

Việc đảo nợ này không làm tăng tổng số nợ công và phù hợp với Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế.

Trong tháng 11/2014, chúng ta đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với mức lãi suất 4,8%/năm để đảo nợ các khoản trái phiếu Chính phủ đã phát hành trước đây (năm 2005 và năm 2010) với lãi suất bình quân 6,8%/năm, làm giảm đáng kể chi phí lãi vay, đồng thời xác lập chuẩn lãi suất mới có lợi hơn cho các hoạt động kinh tế- tài chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm theo đúng quy định và trong giới hạn cho phép.

Phấn đấu đến năm 2020, nợ công giảm còn khoảng 60,2% GDP (quy định là không quá 65% GDP), nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP (quy định là không quá 55% GDP) và tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20% (quy định là không quá 25%).

* Sẽ không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu

Trả lời các vị đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Thanh, Đặng Đình Luyến, Lê Đức Lâm, Vũ Tiến Lộc… về việc xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, Thủ tướng cho biết, theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng lên đến 17%.
 
Thực hiện đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, đến tháng 10/2014, đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012 (465 ngàn tỷ đồng), chủ yếu bằng các giải pháp: thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tài sản bảo đảm, trong đó có bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Công ty này đã mua gần 95 ngàn tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định; trong đó đã bán, thu hồi được gần 4 ngàn tỷ đồng nợ xấu và có lãi. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7- 4,2% so với mức 17% vào tháng 9/2012.

Nhiều đại biểu băn khoăn khi nợ xấu vượt khả năng xử lý của ngân hàng thương mại, làm nền kinh tế trì trệ, ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô thì Chính phủ có dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ không?” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, không dùng ngân sách để làm việc này.

Theo Thủ tướng, kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh việc xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Phấn đấu đến cuối năm 2015, đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

* Sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Trả lời các đại biểu Quốc hội Lê Đắc Lâm, Đỗ Thị Thu Hằng, Võ Kim Cự… về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh nước ta còn nhiều hạn chế, cải thiện còn chậm, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2013 xếp thứ 70/148 nền kinh tế, tăng 5 bậc so với năm 2012. Báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2013 của Ngân hàng Thế giới (WB) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 99/185 quốc gia và vùng lãnh thổ, giảm 1 bậc so với năm 2012.  

Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành nghị quyết và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan. thủ tục đầu tư...

Ngay trong năm 2014, đưa số doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử từ 65% lên 95%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm (giảm được 290 giờ).
 
Khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi một số điều của các Luật Thuế có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, sẽ giảm thêm được 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm (thấp hơn mức bình quân 171 giờ/năm của ASEAN-6).

Tuy nhiên, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta so với các nước trong khu vực còn thấp. Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6;

trong đó rút ngắn thời gian nộp thuế còn 121,5 giờ/năm, số doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tiếp tục giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6, khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) được thông qua thì thời gian thực hiện thủ tục phá sản doanh nghiệp giảm từ 60 tháng hiện nay còn tối đa 30 tháng.

Bài, ảnh: BÙI THANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh