
Ngày 30/10, trong phiên làm việc tại hội trường, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Tình hình nợ công, xử lý nợ xấu, nâng cao năng suất lao động, giải quyết đầu ra cho hàng nông sản là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Ngày 30/10, trong phiên làm việc tại hội trường, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Tình hình nợ công, xử lý nợ xấu, nâng cao năng suất lao động, giải quyết đầu ra cho hàng nông sản là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.
Đào tạo lao động có tay nghề cao còn giúp tăng năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ, cũng như các bộ, ngành liên quan trong thời gian vừa qua đã điều hành nền kinh tế vĩ mô vượt qua khó khăn trước những thách thức của kinh tế thế giới, đó là vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, tuy thấp hơn so với kế hoạch đề ra, nhưng vẫn ở mức tăng trưởng khá.
Song, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, tình hình sản xuất kinh doanh của đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn tín dụng; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; nợ công tăng nhanh; nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm; việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu khiến nhiều đại biểu lo lắng.
Cần giảm chi thường xuyên để trả nợ công
ĐB Trần Hoàng Ngân (đơn vị TP Hồ Chí Minh) phân tích, về kinh tế- xã hội năm 2015 và những năm tiếp theo, tôi đồng tình với Chính phủ, cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế là chúng ta tăng trưởng ở mức 6,2% và kiểm soát lạm phát ở mức 5%.
Tuy nhiên, với tổng vốn đầu tư mà Chính phủ đề nghị chỉ ở mức 30%, tôi cho rất khó khả thi. Vì vậy, chúng ta cần phải tăng tổng số đầu tư ít nhất là 32% GDP để đạt mục tiêu đó. Ông kiến nghị Chính phủ phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt, vực dậy khu vực sản xuất trong nước.
Chính phủ cần có một báo cáo chi tiết vì sao trong 4 năm qua, mỗi năm có hơn 50.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể và phá sản.
Theo tôi, trước mắt cần có sự hỗ trợ lãi suất để các doanh nghiệp trong nước vay trung, dài hạn để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại, tăng năng suất lao động, tạo ra sản phẩm cạnh tranh với hàng ngoại nhập trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, góp phần giảm độ mở của nền kinh tế.
Đóng góp về vấn đề nợ công, ĐB Đặng Thuần Phong (đơn vị tỉnh Bến Tre) cho biết, nợ công nước ta hiện đang là 60,3% GDP, so với bản đồ nợ công thế giới như Nhật 200%, Mỹ 180%, Châu Âu từ 150% đến 180%, Trung Quốc cũng rất cao, ta đang ở mức trung bình.
Vấn đề đáng lo là khă năng tích lũy, trả nợ vẫn còn thấp, cơ cấu chi chưa thật tốt. Hiện nay ta dành 67% chi cho thường xuyên, 33% chi cho phát triển đầu tư và trả nợ thực sự chưa ổn. Nếu quyết liệt hơn, tôi đề nghị Chính phủ cần có cơ chế để kiểm soát nợ công, trong đó nên giảm chi thường xuyên thêm khoảng 10% để tăng chi cho đầu tư phát triển và trả nợ.
Theo nhiều đại biểu, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá cụ thể hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân. Đây là khu vực kinh tế có sự đóng góp khá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây là khu vực kinh tế dễ bị tổn thương nhất, bởi vì các doanh nghiệp ở khu vực này phần lớn có quy mô vừa và nhỏ, vốn ít, chính sách ưu đãi cho các nhóm này chưa thực sự bình đẳng với khối doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đơn vị tỉnh Kiên Giang) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân được phát triển, tạo cơ chế thông thoáng để các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Cần đào tạo lao động tay nghề cao
Theo ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (đơn vị TP Hà Nội), năm qua chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo trong 9 tháng, ước đạt 47,8% và đây là chỉ tiêu duy nhất ước sẽ không đạt trong năm 2014.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp không chỉ ảnh hưởng đến năng suất lao động, làm chậm quá trình tái cơ cấu, cải thiện sức cạnh tranh mà còn cảnh báo khó đạt chỉ tiêu cho năm 2015 và những năm sau. Hơn nữa còn ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến quyền lợi của người lao động.
Trong bối cảnh năng suất lao động thấp và nhu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế thì quyền lợi người lao động sẽ dễ bị tổn thương. Tôi đề nghị trước mắt tập trung đổi mới quyết liệt và thực sự hơn trong đào tạo, về lâu dài cần tập trung đột phá mạnh về thể chế, chính sách, nguồn lực và nội dung giáo dục nhằm phát triển thị trường lao động chuyên nghiệp gắn kết chặt chẽ tái cơ cấu với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cao.
Tiếp lời, ĐB Nguyễn Phi Thường (đơn vị TP Hà Nội) cho rằng vấn đề nâng năng suất lao động hiện nay là hướng đi quan trọng mang tính chất sống còn, giúp chúng ta tiếp tục tăng trưởng bền vững, hội nhập và cạnh tranh với các nền kinh tế khác.
Tuy nhiên, hiện nước ta có đến 50% lao động chưa qua đào tạo, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất Châu Á là vấn đề đáng lo ngại. Do đó, tôi đề nghị phải quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhanh chóng đổi mới hơn nữa hệ thống giáo dục đào tạo để sản phẩm đầu ra là đội ngũ lao động có trình độ, kỹ thuật cao.
ĐB Nguyễn Hữu Đức (đơn vị tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, chính sách lao động, chính sách đào tạo nghề thời gian qua chưa thật sự gắn kết với nhu cầu của thị trường lao động. Chất lượng đào tạo thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và chưa thu hút người lao động tham gia học nghề.
Trong khi đó một bộ phận rất lớn sinh viên ra trường trong nhiều năm qua lại không tìm được việc làm có chiều hướng gia tăng, khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc. Đây là một bài học, tăng trưởng nóng về đào tạo của ngành giáo dục và cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Cần đẩy mạnh liên kết vùng
Vấn đề liên kết vùng, tiêu thụ nông sản được nhiều đại biểu quan tâm và tham gia đóng góp tại hội trường.
ĐB Nguyễn Thị Huệ (đơn vị tỉnh Đăk Lăk) cho rằng, lượng xuất khẩu nông sản Việt Nam hiện nay không nhỏ trên thương trường thế giới, nhưng trừ hồ tiêu, vài năm qua nông dân đã phần nào quyết định được giá cả hợp lý cho mình, còn lại gạo và cà phê cùng nhiều mặt hàng nông sản khác vẫn nằm trong thế rất bấp bênh.
Để giúp cho nền nông nghiệp Việt Nam vững mạnh, nông dân không bị rơi vào tình trạng “được mùa mất giá” thì cần xây dựng và phát triển sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa như các nước trên thế giới đã làm hàng trăm năm qua. Ngày nào chúng ta chưa làm được điều này thì nông dân chưa thể nào có một chỗ đứng ngang nhiên, minh bạch để tham gia định đoạt công khai giá cả cho sản phẩm của mình.
ĐB Trần Quốc Tuấn (đơn vị tỉnh Trà Vinh) cho rằng, điều đáng buồn là Việt Nam tuy là quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, có nhiều lợi thế cung cấp các mặt hàng nông sản để xuất khẩu, nhưng chỉ trong 9 tháng đầu năm 2014 Việt Nam phải bỏ ra hơn 2 tỷ USD, tương đương với hơn 42.000 tỷ đồng để nhập khẩu 4.787 tấn nông sản chỉ với 3 loại, gồm bắp, hạt điều và đậu nành, tăng 31,3% so với năm 2013.
Khi bàn đến câu chuyện này, các bộ, ngành có liên quan trả lời rằng phải nhập khẩu bắp vì quy mô chăn nuôi tập trung ở trong nước tăng mạnh, diện tích trồng bắp không được mở rộng. Tôi đề nghị Chính phủ cần nhanh chóng có hướng chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để ngành này phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế của nó.
Trước mắt cần định hướng quy hoạch chuyển một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại nông sản mà Việt Nam chúng ta đang cần.
Để đạt được các mục tiêu của năm 2015, ĐB Lê Đình Khanh (đơn vị tỉnh Hải Dương) cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, trong thời gian tới nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế để bảo đảm an ninh lương thực, ổn định chính trị- xã hội.
Do vậy, muốn đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp cần đầu tư nhiều hơn và đầu tư có trọng điểm. Ngoài ra, cần có chính sách phù hợp hơn để thúc đẩy liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa, trong đó Nhà nước đóng vai trò chính tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện liên kết.
Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý thật nghiêm việc làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong sản xuất, kinh doanh giống cây con và vật tư nông nghiệp. Nhà nước cần có các rào cản kỹ thuật để hạn chế việc nhập khẩu những mặt hàng nông sản mà trong nước sản xuất được.
Tăng cường quản lý thị trường, ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng trốn thuế, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp phát triển.
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin