Chưa thống nhất cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp

08:11, 10/11/2014

Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Dạy nghề, hầu hết các đại biểu (ĐB) đều thống nhất nội dung của dự thảo, đồng tình việc đổi tên luật thành Luật Giáo dục nghề nghiệp, thống nhất việc sắp xếp lại các trình độ đào tạo gồm trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.


Luật Giáo dục nghề nghiệp tác động rất lớn đến hiệu suất, hiệu quả đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Dạy nghề, hầu hết các đại biểu (ĐB) đều thống nhất nội dung của dự thảo, đồng tình việc đổi tên luật thành Luật Giáo dục nghề nghiệp, thống nhất việc sắp xếp lại các trình độ đào tạo gồm trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
 
Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước, dự thảo luật quy định giao cho Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) quản lý, tuy nhiên vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau đề nghị cân nhắc để tránh chồng chéo, bảo đảm tính khả thi trong quá trình chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước ở lĩnh vực này.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh thêm đối với trung cấp chuyên nghiệp và sửa đổi tên gọi Luật Dạy nghề thành Luật Giáo dục nghề nghiệp được nhiều ĐB đánh giá là đúng với quy định của Hiến pháp và Luật Giáo dục hiện hành. Riêng mở rộng phạm vi đối tượng điều chỉnh đối với hệ thống giáo dục trình độ cao đẳng ở các cơ sở giáo dục trong phạm vi cả nước, vẫn còn nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của chúng ta hiện có 2 trình độ: trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, 2 trình độ cao đẳng và cao đẳng nghề do 2 cơ quan quản lý khác nhau đó là Bộ GD-ĐT và Bộ LĐTBXH.

Chính việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp như vậy khiến cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp bị phân tán thành hai hệ thống riêng biệt, dẫn đến nhiều bất cập. Vì vậy, cần thiết phải thống nhất cơ quan quản lý đầu mối để thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục, nghề nghiệp để khắc phục những hạn chế vướng mắc này.

Theo dự thảo luật, trong lần điều chỉnh này sẽ sát nhập trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng chuyện nghiệp và cao đẳng nghề, trình độ đào tạo gồm trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng và giao cho Bộ LĐTBXH quản lý.

ĐB Trần Minh Diệu (đơn vị tỉnh Quảng Bình) cho biết, giáo dục nghề nghiệp chỉ bao gồm dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Nếu quy định thêm hệ thống giáo dục cao đẳng của các ngành, các địa phương và các cơ sở giáo dục trong phạm vi cả nước như dự thảo là không đúng và không thống nhất với Luật Giáo dục hiện hành.

Trên thực tế, các cơ sở giáo dục đại học đã và đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo các trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học một cách hợp lý liên thông và có hiệu quả. Nếu mở rộng phạm vi và đối tượng giáo dục nghề nghiệp bao gồm cả đào tạo trình độ cao đẳng như dự thảo sẽ gây nên sự xáo trộn rất lớn trong hệ thống giáo dục cao đẳng và đại học.

ĐB Phạm Thị Hải (đơn vị tỉnh Đồng Nai) đề nghị giao cho Bộ GD-ĐT thay vì để cho Bộ LĐTBXH, điều này sẽ hợp lý hơn bởi vì Bộ GD-ĐT đảm nhận quản lý nhà nước về tất cả các hoạt động GD-ĐT trên phạm vi cả nước.

Không nên chia cắt việc đào tạo nghề ra cho Bộ LĐTBXH quản lý. Ngoài ra, việc xây dựng chương trình đào tạo nghề cũng sẽ có tính hệ thống hơn dễ phân biệt giữa trình độ cao đẳng nghề và các trình độ cao đẳng khác

ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đơn vị tỉnh Yên Bái) cho rằng, Luật Giáo dục nghề nghiệp được xây dựng trên cơ sở Luật Dạy nghề và chủ yếu do Bộ LĐTBXH soạn thảo. Đối tượng điều chỉnh bao gồm cả trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, nhưng hầu hết các trường trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng chưa đồng tình do không được tham dự.

Bên cạnh đó hầu hết 63 sở GD-ĐT không được tham gia vào quá trình trao đổi bàn bạc về Luật Dạy nghề (sửa đổi). Điều này không phù hợp với nguyên tắc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tôi rất băn khoăn trong việc sát nhập cao đẳng với cao đẳng nghề giao cho Bộ LĐTBXH quản lý trong đó có cao đẳng sư phạm. Cao đẳng sư phạm tính chất giáo dục hết sức cao, để đào tạo ra một bộ máy cái, đào tạo ra người thầy mà lại là Bộ LĐTBXH quản lý là không hợp lý.

Mặt khác, hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm giáo dục mầm non, giáo dục  phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo một hệ thống và quản lý rất thuận tiện. Vậy, cắt bỏ giáo dục nghề nghiệp để một bộ khác quản lý liệu có tốt không, có phù hợp không thì đề nghị Quốc hội cân nhắc trước khi quyết định thông qua.

ĐB Lù Thị Lừu (đơn vị tỉnh Lào Cai) bày tỏ, tôi đồng tình với quan điểm dự thảo luật quy định sắp xếp lại các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp theo hướng hợp nhất trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề. Tuy nhiên, qua nghiên cứu tôi còn băn khoăn là nếu quy định hợp nhất như dự thảo luật một số quy định sẽ chồng chéo với Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.  

Mặt khác, trong dự thảo luật chưa quy định rõ loại ngành nghề đào tạo nào phải hợp nhất với trường nghề mà chỉ quy định chung chung.

Ví dụ sư phạm, văn hóa nghệ thuật sáp nhập có phù hợp không. Trong khi đó hệ thống giáo dục trường trung cấp, trường cao đẳng đào tạo với nhiều mã ngành khác nhau mà không phải ngành học nào người học xong cũng trực tiếp hoạt động sản xuất và làm dịch vụ được.

Hơn nữa trong báo cáo giải trình, tiếp thu chủ yếu giải trình về những mặt tích cực, phù hợp nhưng chưa đưa ra được dự liệu về những bất cập, giải pháp khắc phục những bất cập sau khi sáp nhập các trường lại.

Từ những lý do nêu trên, đề nghị Chính phủ có báo cáo giải trình thêm và dự tính phương án giải pháp khắc phục trong vấn đề chồng chéo để các trường thuộc đối tượng điều chỉnh yên tâm hơn. Cần quy định rõ trong luật loại trường nào thì hợp nhất, loại trường nào thì không, nếu không sẽ gây sự xáo trộn rất lớn cho các cơ sở đào tạo.

Còn ĐB Lê Trọng Sang (đơn vị TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Luật Giáo dục nghề nghiệp tác động rất lớn đến hiệu suất, hiệu quả đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo tôi, không thể phủ nhận một thực tế những năm qua khi giao quản lý nhà nước cho Bộ LĐTBXH quản lý về dạy nghề thì công tác giáo dục nghề đã tạo ra những kết quả nhất định trong dạy nghề.
 
Vì vậy, ông cho rằng trước mắt vẫn giao Bộ LĐTBXH quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp để đảm bảo tính thống nhất và để tránh tác động xấu đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp trong xã hội. Đề nghị Quốc hội cho lùi một kỳ họp để nghiên cứu giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu bổ sung các điều khoản khi hợp nhất trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề.
 
Về lâu dài, đề nghị Chính phủ phân công lại cơ quan quản lý nhà nước, giáo dục nghề nghiệp thuộc Chính phủ theo hướng giao cho Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước đối với giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Bộ Khoa học, Công nghệ quản lý nhà nước về giáo dục đại học…

ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đơn vị tỉnh Kiên Giang) bày tỏ, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh thay đổi tên luật có tác đông rất lớn tới nhóm đối tượng được mở rộng, mà thời gian qua dự thảo luật này chưa lấy ý kiến rộng rãi.

Đồng thời, luật cũng không thống nhất với các quy định của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục. Tôi e rằng, nếu dự thảo này thông qua tại kỳ họp này thì các nội dung của luật đã thực sự phù hợp giữa lý thuyết quản lý và thực tiễn thực hiện tại cơ sở khi mà thay đổi quá nhiều vấn đề trong quản lý và chương trình đào tạo.

Chính vì vậy, đề nghị Quốc hội cần phải cân nhắc có nên thông qua luật này tại kỳ họp này hay không. Nếu Quốc hội quyết tâm thông qua thì tôi đề nghị chỉ nên thông qua phần Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.
 
Còn việc mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh thì cần phải nghiên cứu để lấy ý kiến rộng rãi thêm, nhất là nhóm đối tượng được mở rộng điều chỉnh, để từ đó luật đi vào cuộc sống xác thực hơn và phù hợp hơn.

Do còn có nhiều luồng ý kiến chưa thống nhất với dự thảo của luật, kết thúc phiên thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục xin ý kiến của Bộ Chính trị để thống nhất lại và sẽ thông qua các ĐB Quốc hội. 

Bài, ảnh: BÙI THANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh