Năm học 2014- 2015, trước nhiều thông tin về kỳ thi quốc gia, các trường THPT không khỏi lo lắng. Trong đó, sợ học sinh (HS) có tâm lý hoang mang và mức độ đề thi khó hay dễ là vấn đề được nhiều trường đặt ra…
Hiện các trường vẫn dạy theo chương trình phổ thông của Bộ GD- ĐT.
Năm học 2014- 2015, trước nhiều thông tin về kỳ thi quốc gia, các trường THPT không khỏi lo lắng. Trong đó, sợ học sinh (HS) có tâm lý hoang mang và mức độ đề thi khó hay dễ là vấn đề được nhiều trường đặt ra…
Tập trung học, ôn trong chương trình
Đến thời điểm hiện tại, nhiều trường cho biết vẫn cho HS học theo chương trình phổ thông của Bộ GD-ĐT. Song, vẫn có những bước chuẩn bị để các em có thể học tốt. Thầy Hiệu trưởng Trần Công Danh- Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết: Hiện các em vẫn học bình thường nhưng nhà trường đã phân hóa đối tượng HS để có phương pháp dạy phù hợp.
Thầy Trần Công Danh cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ năm học trước, nhà trường đã cho các em chọn môn thi từ cuối năm lớp 11. Đến đầu năm lớp 12, nhà trường tổ chức tư vấn, định hướng kỹ một lần nữa. Sau đó, các em chọn lại môn thi để nhà trường xếp lớp.
Còn tại Trường THPT Phạm Hùng, một lãnh đạo cho biết, các em đã chọn môn thi và nhà trường cũng đã tổ chức lớp học bồi dưỡng vào các buổi chiều. Trong đó, tập trung nhiều vào các HS có học lực yếu để các em tiến bộ. Riêng HS khá, giỏi cũng có phương pháp dạy để các em phát huy hết khả năng của mình.
Đứng trước những cái mới trong kỳ thi quốc gia, thầy Hiệu trưởng Đặng Hoàng Dũng- Trường THPT Vĩnh Long cho biết: Nhà trường sẽ tiếp tục đổi mới quản lý, kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy và học. Theo thầy, đề kiểm tra sẽ đánh giá 4 kỹ năng gồm: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và tận dụng nâng cao. Dựa vào đó để phân loại HS, có kế hoạch giảng dạy phù hợp, giúp các em phát triển năng lực.
Trong khi đó, đối với các môn xã hội như: Ngữ văn, Địa lý,… giáo viên một trường THPT ở TP Vĩnh Long cho biết: Số tiết học không tăng nhưng đứng trước tình hình mới, nhất là dạng đề thi năm trước cần có sự phối hợp giữa kiến thức trong và ngoài sách giáo khoa nên giáo viên phải giúp các em vừa nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, vừa tổ chức các lớp ngoại khóa, chuyên đề,… để bổ sung những kiến thức xã hội.
Nhìn chung, công tác giảng dạy ở các trường hiện tại vẫn đảm bảo đúng chương trình. Các trường vẫn phải chờ đến khi có văn bản chính thức từ Bộ GD- ĐT. Từ đó mới có những kế hoạch giảng dạy, tư vấn phù hợp từng đối tượng HS cụ thể để các em có định hướng đúng…
Ổn định tâm lý
Đây là kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT và đại học nên rất quan trọng đối với ngành giáo dục, cả thầy và trò. Do đó, nhiều trường cho biết cảm thấy lo lắng trước kỳ thi. Theo Phòng Giáo dục trung học (Sở GD- ĐT), khó khăn nhất hiện tại là ổn định tâm lý HS, giáo viên. Hiện vẫn đợi văn bản chính thức từ Bộ GD- ĐT mới triển khai cụ thể kế hoạch ôn tập.
Thầy Đặng Hoàng Dũng cho biết, hiện nhiều HS hoang mang vì có nhiều thông tin về kỳ thi quốc gia. Trong đó, nhiều trường đại học chưa công bố cách thức tuyển sinh, khả năng đậu,… làm các em hoang mang nhất. “Nhà trường hiện vẫn đang dạy theo chương trình và quan tâm nhiều đến công tác ổn định tâm lý cho các em.”
Trong khi đó, thầy Trần Công Danh chỉ rõ 3 vấn đề khiến nhà trường lo lắng trước kỳ thi mới. Thứ nhất là đề thi chắc chắn sẽ khó hơn vì đề sẽ làm 2 nhiệm vụ tốt nghiệp THPT và đại học. Với dự đoán này, các em học trung bình yếu sẽ rất khó có điểm, khá giỏi cũng khó có được điểm cao. Thứ 2 là tổ chức kỳ thi theo cụm, điểm sẽ làm các em lo lắng vì không được thi cùng các bạn cùng lớp. Thứ 3 là khả năng thích ứng với kỳ thi sẽ tạo áp lực tâm lý cho các em.
Với dự đoán đề sẽ khó hơn, song, các trường cho biết vẫn chưa thể dạy nâng cao hoặc cho các em tiếp cận với các kiến thức “gần đại học” vì sợ các em “sốc”. Các em có học lực yếu có nguy cơ bỏ học…
Hiệu trưởng một trường THPT cho biết, với đề dự đoán sẽ khó này thì tỷ lệ đậu tốt nghiệp như các năm trước “khó đảm bảo”. Mặt khác, Bộ GD- ĐT nên sớm ra văn bản, quy chế cụ thể để cả thầy và trò bớt hoang mang, lo lắng… Các trường đại học cũng cần đưa ra quy chế xét tuyển để các HS yên tâm chọn trường, chọn ngành |
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin