Cần khoa học và thận trọng

07:11, 01/11/2014

Việc đặt tên đường đã khó, khi cần phải đổi tên lại càng khó hơn nhiều. Trước tiên nó liên quan đến công tác quản lý hành chính, quản lý đô thị; quan trọng hơn là việc đặt tên đường, phố, tên công trình công cộng luôn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tư, tình cảm người dân và những chiều kích văn hóa, tâm linh.

Việc đặt tên đường đã khó, khi cần phải đổi tên lại càng khó hơn nhiều. Trước tiên nó liên quan đến công tác quản lý hành chính, quản lý đô thị; quan trọng hơn là việc đặt tên đường, phố, tên công trình công cộng luôn ảnh hưởng trực tiếp đến tâm tư, tình cảm người dân và những chiều kích văn hóa, tâm linh.


Đường Phan Bội Châu (Phường 1) chỉ có một căn nhà duy nhất.

Do đó, việc đặt, đổi tên đường ngoài cơ quan chủ quản về văn hóa, luôn phải có một hội đồng tư vấn tập hợp đầy đủ những nhà nghiên cứu, nhà khoa học uy tín, những nhà văn hóa đặc biệt ở lĩnh vực văn hóa dân gian, các nhà quản lý về xây dựng, kiến trúc, quy hoạch đô thị…

Nhưng trước khi đi đến quyết định chính thức về mặt nhà nước, không thể thiếu khâu trưng cầu ý kiến người dân.

Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì cuộc họp Hội đồng Tư vấn đặt tên đường, lấy ý kiến đóng góp dự thảo đặt, đổi tên đường và một số công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long. Cụ thể là các tuyến đường thuộc địa bàn: TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, huyện Tam Bình và việc đổi tên một số trường học trên địa bàn TX Bình Minh.

Ngoài việc góp ý cho việc đặt tên mới, các đại biểu đã chỉ ra một số sai sót, bất hợp lý gây bức xúc trong dân cần sớm sửa đổi.

Ông Nguyễn Chiến Thắng- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long, cho rằng: Ngay trên cùng địa bàn TP Vĩnh Long, nhưng cụ Nguyễn Đình Chiểu lại được “cấp đến 2 căn nhà” (ý nói là được đặt tên cho 2 con đường- PV). Hay như đường Phan Bội Châu thì chỉ có 1 số nhà duy nhất, thậm chí có đường thấy để bảng tên đường nhưng không có số nhà nào.

Rõ ràng đây là những bất cập cần sớm sửa đổi, cho tiện việc quản lý hành chính. Tương tự là trường hợp đường Lê Thái Tổ và đường Lê Lợi. Quy chế trong Nghị định của Chính phủ về việc đặt, đổi tên đường, phố, công trình công cộng (năm 2005), có ghi rõ là không đặt tên đường, phố hoặc công trình công cộng bằng các tên gọi khác nhau của một danh nhân trên cùng một địa bàn đô thị.

Trong trường hợp đặc biệt thì cần xem xét từng trường hợp cụ thể gắn với các mốc lịch sử cụ thể trong cuộc đời hoạt động của danh nhân để có phương án xử lý phù hợp.

Đường “bờ kè” chờ tên gọi tương xứng với công trình đẹp của TP Vĩnh Long.

Cũng theo nghị định này, thì không đổi tên đường, phố và công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử- văn hóa của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ.

Trường hợp đường, phố và công trình công cộng đã đặt tên mà xét thấy không có ý nghĩa lịch sử- văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, không phải là nhân vật tiêu biểu của đất nước hoặc của địa phương, gây ảnh hưởng, tác động xấu trong xã hội thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.

Trong trường hợp TX Bình Minh có đề nghị đổi tên hàng loạt trường học trên địa bàn từ tên gọi địa danh sang tên gọi danh nhân, nhân vật lịch sử; đã được đa số các đại biểu lưu ý cần thận trọng, không nên vội vàng có thể gây ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của người dân địa phương, nhất là các lớp thế hệ thầy cô, học sinh đã gắn bó dạy và học ở các trường này.

Do đó, ông Lê Thanh Tuấn- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị: Việc đặt, đổi tên đường, công trình công cộng, cần có tầm nhìn tổng thể, có hệ thống, khoa học, chặt chẽ giữa quy hoạch hạ tầng đô thị và ngân hàng tên địa danh, danh nhân.

Hội đồng hết sức thận trọng, không nên vội vã thay đổi một số tên đường, công trình công cộng đã ăn sâu trong tiềm thức, tình cảm người dân. Theo đó, hội đồng chưa thống nhất việc thay đổi nhiều tên trường của TX Bình Minh.

Đối với Nam Bộ thì địa danh chính là kho tàng văn hóa dân gian vô cùng độc đáo, mà cho tới nay chúng ta vẫn chưa nghiên cứu, lý giải hết được.

Qua tên gọi địa danh, công tác nghiên cứu có thể giúp cho những thế hệ sau này hiểu được văn hóa, lịch sử mở cõi, hiểu được phương ngữ Nam Bộ độc đáo, cũng như phong tục tập quán và cả tính chất địa lý vùng miền. Đã có một giai đoạn việc thay đổi tên một cách cứng nhắc, duy ý chí, vô tình đã xóa đi rất nhiều địa danh đẹp của vùng đất phương Nam.

Ý kiến một số đại biểu cho rằng, việc đặt mới tên đường, phố, công trình công cộng cần phải có hệ thống, khoa học, chặt chẽ. Nhất là công tác quy hoạch phải có tầm nhìn xa, lúc đó việc sử dụng “ngân hàng tên” mới không phải lúng túng. Như tương lai sau này sẽ có nhiều con đường, đại lộ hay công trình lớn, mà lúc đó tên những danh nhân, nhân vật lịch sử quan trọng lớn đã được sử dụng hết thì sẽ gặp khó.


Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh