
Đóng góp cho dự thảo Luật Dạy nghề, nhiều đại biểu có nhiều ý kiến tâm huyết.
Đóng góp cho dự thảo Luật Dạy nghề, nhiều đại biểu có nhiều ý kiến tâm huyết.
* ĐB Lưu Thành Công (đơn vị tỉnh Vĩnh Long):
Về nội dung quy hoạch, tôi đề nghị cần bổ sung thêm vào luật việc quy hoạch đào tạo các ngành nghề mới, quy hoạch các trường trọng điểm, các ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia và khu vực.
Hiện nay, việc phê duyệt các trường, các ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia, cấp khu vực rất nhiều nhưng còn bất cập, chưa hợp lý, chưa có các tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể từng cấp độ nghề trọng điểm.
Nhiều cơ sở dạy nghề, nhiều ngành được xác định là trọng điểm nhưng chưa được đầu tư tương xứng khiến cho chất lượng, hiệu quả đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đây là vấn đề mà luật cũ chưa có, luật mới chưa đặt ra nhưng thực tiễn này đang diễn ra trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp của nước ta.
Do đó, cần phải đưa nội dung này vào luật để chúng ta có đầy đủ cơ sở pháp lý đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng dạy nghề trong điều kiện hiện nay.
* ĐB Cù Thị Hậu (đơn vị tỉnh Hưng Yên):
Theo dõi từ năm 1998 đến nay, tôi thấy sự phát triển của hoạt động dạy nghề tương đối tốt, nhất là kể từ khi Luật Dạy nghề ra đời vào năm 2007. Cơ sở dạy nghề phát triển rất nhanh, ngành nghề đào tạo ngày được mở rộng đáp ứng được với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của nước ta.
Hiện nay, có một sự bất cập trong công tác quản lý, cùng là lĩnh vực dạy nghề nhưng có 2 bộ quản lý khác nhau đó là Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Do đó, tôi đề nghị phải thống nhất một đầu mối quản lý để có sự đầu tư tập trung, qua đó có giải pháp để gắn với cơ sở sản xuất, gắn với người lao động, người sử dụng lao động. Theo tôi, ngành lao động- thương binh và xã hội thời gian qua đã bố trí, sắp xếp công việc này rất tốt và là đơn vị có thể đảm trách việc quản lý trên lĩnh vực dạy nghề.
* ĐB Dương Trung Quốc (đơn vị tỉnh Đồng Nai):
Theo tôi, việc giao bộ nào quản lý không quan trọng, mà quan trọng nhất là chúng ta cần có chính sách, giải pháp để gắn việc dạy nghề với nguồn sử dụng lao động. Theo dự thảo luật, giáo dục nghề nghiệp sẽ gồm 3 trình độ đào tạo: sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
Theo tôi, nếu đào tạo giáo viên dạy nghề thì có thể từ cao đẳng trở lên chứ học nghề thì không cần thiết phải lên tới cao đẳng mà phải hướng tới sự đào tạo lành nghề. Bấy lâu nay, chúng ta cứ chú trọng đến bằng cấp hơn là thực tế, mà quên cái câu ngày xưa ông bà nói là “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.
Ngày xưa, những thợ lành nghề rất được trọng vọng, họ mới là những người thầy thật sự. Do đó, luật phải tạo ra những hành lang pháp lý, môi trường để khắc phục những vấn đề mang tính hình thức như trong thời gian qua. Theo tôi, chúng ta cần xây dựng một xã hội trọng nghề, trọng nghiệp, đồng thời điều chỉnh lại những chuẩn giá trị xã hội, tôn vinh nghề hơn là những học hàm, học vị. Quan điểm của tôi là như vậy.
THANH TÂM (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin