Bằng con đường du lịch, hàng triệu triệu người từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới đang ngày càng xích lại gần nhau.
Bằng con đường du lịch, hàng triệu triệu người từ các nền văn hóa khác nhau trên thế giới đang ngày càng xích lại gần nhau.
Du lịch không chỉ có nghĩa là để ngắm, để giải trí, mà thông qua đó, còn là để gần gũi, để hòa vào, để có sự tương tác giữa những người ở các nền tảng kinh tế, văn hóa xã hội cũng như lối sống khác nhau.
Và như vậy, “đến để hiểu”, để mỉm cười, để thúc đẩy sự khoan dung, tôn trọng lẫn nhau, để giới thiệu bản sắc văn hóa vùng miền, dân tộc, đất nước và cũng góp thêm vào sự đa dạng văn hóa thế giới.
Ước tính, mỗi năm có gần 1 tỷ người trên thế giới đi du lịch đến các nước khác, tiếp xúc trực tiếp với các nền văn hóa vật thể như tượng đài, công trình nghệ thuật... và văn hóa phi vật thể như âm nhạc, ẩm thực… Như vậy, nơi đâu làm tốt hoạt động du lịch, làm tốt việc giới thiệu bản sắc văn hóa với du khách, thì có thể nói, đã thành công trong việc “xuất khẩu văn hóa tại chỗ”.
Đối với ĐBSCL có nền văn hóa lúa nước lâu đời, ẩm thực đồng quê cũng như câu ca giọng đờn tài tử là nét văn hóa rất độc đáo. Du lịch cộng đồng, trồng cây hái trái, tát mương bắt cá, đêm ngủ nhà dân,… cũng đã đem đến hơi thở sinh động cho du lịch, đồng thời, qua đó, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà.
Những người am hiểu cho rằng, du khách khi tới một địa phương, đất nước nào đó, thường thích được chào đón, thăm hỏi theo “kiểu” của dân tộc, đất nước đó. Hình ảnh một đứa bé miệt vườn sông nước khoanh tay cúi đầu “thưa chú” hẳn sẽ dễ thương và ghi dấu ấn vào lòng du khách hơn là cứ “hello, bye bye” bằng giọng điệu nửa Tây nửa ta.
Còn nhớ, các nhà vườn miệt cù lao Vĩnh Long từng hút khách bởi nét hồn hậu, chân chất “đậm đặc” của mình. Lợi thế của du lịch cộng đồng là người dân vẫn có thể duy trì công việc truyền thống của gia đình khi làm du lịch.
Đồng thời, cũng chính ruộng vườn và cuộc sống dân dã sẽ làm nên “hồn văn hóa” hấp dẫn du khách. Và nếu làm tốt những điều này, cũng có nghĩa là thông qua du lịch, đã “xuất khẩu văn hóa tại chỗ”.
PHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin