Tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh

04:10, 20/10/2014

Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế- xã hội năm 2014, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, dự báo có 13 chỉ tiêu có thể đạt. Riêng đối với tăng trưởng GDP, để có thể đạt mục tiêu trên 5,8%, cần phải tập trung cao nhất mọi khả năng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên cả 3 khu vực kinh tế.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế- xã hội năm 2014, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, dự báo có 13 chỉ tiêu có thể đạt. Riêng đối với tăng trưởng GDP, để có thể đạt mục tiêu trên 5,8%, cần phải tập trung cao nhất mọi khả năng để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trên cả 3 khu vực kinh tế.

Kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp cùng với tình hình kinh tế- xã hội trong nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, nhất là chỉ đạo, điều hành sâu sát, nhạy bén, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp đã thực hiện đạt mục tiêu tổng quát và hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tình hình kinh tế- xã hội trong 9 tháng đầu năm 2014 tiếp tục có chuyển biến tích cực trên hầu hết các ngành lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục phục hồi với đà tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 5,62% (cao hơn cùng kỳ 5,14%), tăng trưởng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao (tăng 8,7%); sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển đạt mức tăng trưởng 3%, cao nhất so với nhiều năm qua.

Khu vực dịch vụ phát triển khá, xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng (tăng 14,1%) và tiếp tục có xuất siêu. Lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng đạt mức cao nhất từ trước đến nay, thị trường ngoại hối và tỷ giá ổn định.

Thu ngân sách nhà nước đạt cao so với cùng kỳ trong những năm gần đây, giải ngân vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục được đẩy mạnh. Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, với trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, chăm sóc sức khỏe nhân dân… được triển khai và thực hiện tốt. Quốc phòng an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác bảo đảm an ninh trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực… tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Theo dự báo, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội đề ra, có 13 chỉ tiêu có thể đạt và vượt kế hoạch, còn 1 chỉ tiêu không đạt là chỉ tiêu tỷ lệ qua đào tạo, ước đến cuối năm chỉ đạt 49% (chỉ tiêu 52%).

Tập trung gỡ khó cho sản xuất kinh doanh

Tuy nhiên, trong quá trình hồi phục nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Tổng cầu còn yếu, chỉ số hàng tồn kho tăng 13,4%, cao hơn so với 2013. Số doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động vẫn lớn, trong 9 tháng đầu năm 2014, số doanh nghiệp thành lập mới là 52.525, số doanh nghiệp giải thể, phá sản là 51.244, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 18.873.

Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ từ nay đến cuối năm.

Có 213.000 doanh nghiệp kê khai lỗ không phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp, chiếm 68,6% tổng số doanh nghiệp nộp tờ khai. Số nợ thuế khó thu tăng 7,3% so với cuối năm 2013.

Một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước như khí thiên nhiên, bia, xi măng; có sản lượng sản xuất tăng trưởng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ như than, khí hóa lỏng, thuốc lá, xe máy...

Việc các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm, thu ngân sách nhà nước, nợ xấu ngân hàng, tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, việc tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại còn chậm. Việc xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng còn thấp, khoảng 17% so với kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng thương mại có xu hướng tăng trở lại, năm 2013 là 3,61% và đến tháng 7/2014 là 4,17%.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều lao động thiếu việc làm, không có việc làm thường xuyên, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Đời sống một bộ phận lớn công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, một số đề xuất về cải cách giáo dục chưa chuẩn bị kỹ, còn lúng túng, một bộ phận sinh viên ra trường không tìm được việc làm, đào tạo nghề chưa gắn chặt với nhu cầu thị trường lao động, tình trạng dịch bệnh sởi bùng phát nhanh trên diện rộng nhưng phương án ứng phó chưa kịp thời... cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế.

Trước những khó khăn và thách thức trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu một số giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm 2014 như: triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành chính sách tiền tệ hợp lý, bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp, thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA. Tích cực triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Song song đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách về an sinh xã hội, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: THANH TÂM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh