Thô và sơ

07:10, 18/10/2014

Theo giới chuyên môn, các sản phẩm xuất khẩu chế biến từ cá tra hiện còn khá đơn điệu, có đến khoảng 90% ở dạng phi lê đông lạnh, chỉ chừng 10% sản phẩm có giá trị gia tăng nhưng cũng chỉ “một chút” mà thôi.

Theo giới chuyên môn, các sản phẩm xuất khẩu chế biến từ cá tra hiện còn khá đơn điệu, có đến khoảng 90% ở dạng phi lê đông lạnh, chỉ chừng 10% sản phẩm có giá trị gia tăng nhưng cũng chỉ “một chút” mà thôi.

“Chế biến sâu” đương nhiên là đòi hỏi trình độ cao, kỹ thuật hiện đại và quản lý tốt. Trong khi đó, xuất cá phi lê- thật đơn giản, dễ hiểu và dễ làm. Tuy nhiên, cũng như mọi chuyện trên đời, cái gì dễ làm, đơn giản thì nhiều người làm được, cạnh tranh càng gay gắt, phát triển khó bền vững. Đấy chính là chuyện của cá tra trong những năm dài xuất khẩu đầy thăng trầm vừa qua.

Đa số các mặt hàng nông thủy sản xuất khẩu hiện cũng chỉ xuất thô hoặc chế biến sơ sài, như cao su, thủy sản, cà phê, tiêu, điều... Trong khi đó, nhu cầu trong nước cũng rất cao, nhưng phải đi… nhập khẩu ngược trở lại sản phẩm tổng hợp hoặc tinh chế hơn.

Xuất thô giá rẻ, nhập tinh giá đắt. Chuyện này kéo dài mãi sao? Ngẫm lại, như cá tra xuất khẩu hàng tấn tấn, tốn kém bao nhiêu chi phí vận chuyển, bốc vác, kho trữ, đông lạnh, điện đóm, nhân công… nhưng lợi nhuận ít ỏi lại còn bị kiện bán phá giá. Còn phần do xuất khẩu “thô sơ”, sản phẩm không được chế biến sâu.

Đối với cà phê, cao su, gạo cũng vậy. Xuất rất nhiều về sản lượng, luôn luôn đứng hàng đầu thế giới; nhưng đổi lại cũng nhập rất nhiều vật tư nông nghiệp, tăng sử dụng phân bón, tăng thuốc kích thích tăng trưởng, tăng vòng quay sản xuất, rồi làm bạc màu đất đai, ô nhiễm môi trường,… Đó là chưa kể hậu quả nặng nề do việc lạm dụng thuốc hóa học đối với sức khỏe người dân. Làm nên một bức tranh không mấy vui về môi trường bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Vài năm trước, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, do ô nhiễm môi trường nên Việt Nam đang phải chịu tổn thất nặng nề ở mức 5,5% GDP hàng năm. Nếu so sánh với tăng trưởng kinh tế ở mức 6-7%/năm, thì coi như làm quần quật mà lợi nhuận chẳng bao nhiêu. Mà trong đó, việc xuất khẩu nhiều sản phẩm thô và sơ cũng “góp phần” không hề nhỏ cho việc gây ô nhiễm môi trường.

Rất cần sự năng động và sáng tạo của các doanh nhân, cũng như rất cần các chính sách, chủ trương kịp thời của Nhà nước trong việc ưu đãi đầu tư đối với các ngành chế biến sâu.

PHƯƠNG NAM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh