
Trong phiên thảo luận tại hội trường về 2 dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng cần chỉnh lý bổ sung một số vấn đề nhằm hoàn thiện 2 dự thảo luật này.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về 2 dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi), nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng cần chỉnh lý bổ sung một số vấn đề nhằm hoàn thiện 2 dự thảo luật này.
Các đại biểu tham gia đóng góp tại hội trường về 2 dự án Luật Tổ chức toà án nhân dân và Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân
Cần quy định chặt trong bổ nhiệm thẩm phán
Về điều kiện, tiêu chuẩn, cơ chế tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán, nhiều ý kiến cho rằng cần kết hợp giữa cơ chế thi tuyển và tuyển chọn thẩm phán, xem xét lại điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán, thủ tục tuyển chọn thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (đơn vị tỉnh Ninh Thuận): Quy định về điều kiện tiêu chuẩn của thẩm phán thì không thể chung chung. Nếu như quy định thẩm phán phải có đủ trình độ, năng lực, sức khỏe... thì tôi cảm thấy ai cũng có đủ điều kiện để trở thành thẩm phán. Ông cho rằng, việc đánh giá năng lực phải đi vào thực chất chứ căn cứ vào bằng cấp theo quy định sẽ không đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó công việc yêu cầu năng lực của thẩm phán là rất quan trọng.
Ông đề nghị, không nên ghi trong luật có chế độ ưu tiên, ưu đãi với thẩm phán. Hiện nay, có rất nhiều ngành đòi có chế độ ưu tiên ưu đãi và nếu cứ chấp nhận như thế thì cuối cùng cũng chẳng có ngành nào ưu tiên cả.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Nguyễn Hoài Phong (đơn vị tỉnh Hậu Giang) cho rằng, đối với thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao là ngạch thẩm phán đặc biệt với những tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm là rất cao. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn xét thì người được bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải trải qua một quá trình công tác lâu dài, trải nghiệm qua công tác cơ sở, có năng lực thực tiễn và uy tín của họ được thể hiện và ghi nhận qua vài chục năm công tác.
ĐB Nguyễn Thái Học (đơn vị tỉnh Phú Yên) đề nghị, quy định tiêu chuẩn thẩm phán là phải có hiểu biết xã hội là chung chung nên khi xem xét bổ nhiệm thẩm phán rất khó; khoản 2 Điều 69 chỉ cần quy định thẩm phán phải tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân là phù hợp.
Ngoài ra, ĐB Huỳnh Nghĩa (đơn vị TP Đà Nẵng) cho rằng: “Nên giao nhiệm vụ cho Tòa án nhân dân tối cao xây dựng “Án lệ”. Vì từ thực tiễn xét xử, pháp luật chưa điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh trong vụ án, mà phụ thuộc vào quan điểm cá nhân của thẩm phán… rất cần thiết ban hành “Án lệ” để có thể xét xử, đảm bảo công lý.
Về quản lý hội thẩm nhân dân, đại biểu đề nghị nên giao HĐND (là cơ quan bầu hội thẩm) quản lý hội thẩm nhân dân. Đóng góp về vai trò của hội thẩm nhân dân, ĐB Nguyễn Thanh Bình (đơn vị tỉnh Vĩnh Long) đề nghị khi tòa án tiến hành xử rút gọn cần phải có hội thẩm nhân dân tham dự đảm bảo tính đại diện cho nhân dân, trong dự thảo luật quy định không cần hội thẩm khi xử rút gọn.
Ngoài ra, các đại biểu không tán thành với phương án thành lập tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực đề nghị giữ nguyên tổ chức tòa án nhân dân cấp huyện như hiện nay. Đại biểu cũng đề nghị nhiệm kỳ đầu của thẩm phán là 5 năm, nếu được tái bổ nhiệm thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm (không phân biệt đối với thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao và thẩm phán các tòa án khác) như thể hiện tại Điều 69 của dự thảo luật. Đa số ý kiến đề nghị không quy định tuổi nghỉ hưu của thẩm phán trong dự thảo luật, mà để thực hiện thống nhất theo quy định của Bộ luật Lao động.
Cần tăng quyền điều tra cho viện kiểm sát
Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu đồng tình với dự thảo của luật, đóng góp đối với một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau, các đại biểu đề nghị cần giao thêm quyền điều tra cho viện kiểm sát từ khâu tiền điều tra. Đồng thời, tăng quyền điều tra trong lĩnh vực tham nhũng, xâm phạm hoạt động tư pháp.
ĐB Phạm Văn Gòn (đơn vị Hồ Chí Minh) nêu quan điểm: “Về thẩm quyền điều tra của viện kiểm sát, tôi nhất trí với dự thảo lần này đã có sự bổ sung quan trọng, giao cho cơ quan điều tra viện kiểm sát thẩm quyền điều tra tội xâm phạm hoạt động tư pháp và tội tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp”.
Tuy nhiên, nếu chỉ giao cho viện kiểm sát nhân dân (VKSND) điều tra 2 nhóm nêu trên thì vẫn chưa khắc phục được triệt để những khó khăn khi điều tra làm rõ hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Bởi lẽ, trong thực tế có những hành vi phạm tội khác về chức vụ có liên quan, làm phát sinh hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà cơ quan điều tra viện kiểm sát không có thẩm quyền điều tra: tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tội cố ý làm lộ bí mật công tác, đưa hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi….
Ông đề nghị cần giao cho cơ quan điều tra viện kiểm sát thẩm quyền điều tra một số vụ án tham nhũng do một số cơ quan khác tiến hành khi phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu làm oan, bỏ lọt tội phạm.
Đồng tình với quan điểm trên, ĐB Hà Công Long (đơn vị tỉnh Gia Lai) phân tích thêm: “Thực tế cho thấy có nhiều vụ việc cán bộ các cơ quan tư pháp làm lộ, lọt thông tin về bắt giam, khám xét, kê biên dẫn đến người phạm tội chạy trốn, tiêu hủy chứng cứ, tẩu tán tài sản. Ngoài ra còn rất nhiều hành vi như môi giới hối lộ, đưa hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan tư pháp để chiếm đoạt tài sản…
Đây là những tội phạm thật sự xâm phạm đến hoạt động tư pháp. Nếu như cơ quan điều tra của viện kiểm sát không được giao thẩm quyền điều tra những tội phạm nêu trên thì viện kiểm sát không thể nào thực hiện được tốt chức năng thực hành quyền công tố.
Đồng tình quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) cũng cho rằng, để đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng thì thì cần giao cho cơ quan điều tra của kiểm sát điều tra các tội phạm về lợi dụng chức vụ.
Thực hành quyền công tố ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhiều ý kiến đề nghị quy định thời điểm bắt đầu thực hành quyền công tố ngay từ khi có hành vi tội phạm xảy ra. Về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự của viện kiểm sát, đại biểu đề nghị bổ sung thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự cho viện kiểm sát để bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, lợi ích của người yếu thế (người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần) nhưng chưa có cơ quan, tổ chức, đoàn thể nào khởi kiện.
Về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) và nhiều ĐB khác cho rằng, với những vụ án xâm phạm nghiêm trọng đến những đối tượng yếu thế, thì cần giao cho viện kiểm sát nhân dân khởi tố những vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích của Nhà nước cũng như các đối tượng yếu thế.
Nhiều ĐB cho rằng, để chống lọt tội phạm, oan sai thì viện kiểm sát nhân dân phải thực hành quyền công tố ngay từ khi vụ án xảy ra. Có như vậy mới tạo điều kiện để tòa án đưa ra phán quyết đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm; chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; không bị phụ thuộc vào kết quả điều tra trước đó do cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân thực hiện.
Bài, ảnh: Thanh Tâm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin