Tăng cường các biện pháp đối phó với bão mạnh và siêu bão

07:10, 08/10/2014

Sáng 7/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Phó Thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải đã tới dự và chủ trì Hội nghị.

Sáng 7/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương phối hợp cùng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Phó Thủ tướng Chính Phủ Hoàng Trung Hải đã tới dự và chủ trì Hội nghị.


Hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão (Ảnh: BT)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhưng thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra như: bão, lũ,… tại nước ta vẫn còn lớn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2013, cơn bão Haiyan đã quét qua Philippin với tốc độ gió 320km/giờ, kết hợp với thủy triều cao 7m đã làm khoảng 6.200 người chết, thiệt hại nhiều tài sản trong thời gian ngắn.
 
Ở nước ta, tuy cơn bão không đổ bộ vào, thiệt hại gây ra tối thiểu nhưng nếu trường hợp bão đổ bộ vào nước ta thì công tác chuẩn bị đối phó với siêu bão liệu đã đủ?. Bởi vậy, công tác nghiên cứu, phân tích về bão mạnh, siêu bão là nhiệm vụ cấp thiết nhằm chuẩn bị những giải pháp kịp thời ứng phó khi bão đổ bộ vào nước ta.

Tại Hội nghị, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, vùng ven biển nước ta có nguy cơ bão mạnh, siêu bão đổ bộ với cường độ từ cấp 12, 13 đến cấp 15, cấp 16 kèm theo nước dâng do bão từ 3-6m.

Khi siêu bão đổ bộ, các tỉnh ven biển và vùng trũng thấp như Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phải ứng phó với nguy cơ gió mạnh và ngập lụt do nước dâng; các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên phải ứng phó với gió mạnh và mưa lũ sau bão.

Đồng thời, theo phân vùng, vùng I từ các tỉnh Quảng Ninh đến Thanh Hóa nguy cơ bão cấp 15, 16, nguy cơ gió bão mạnh nhất từ 50-60m/s; vùng II từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế và vùng III từ Đà Nẵng đến Bình Định, nguy cơ bão cấp 15, 16, nguy cơ gió bão mạnh nhất 60-70 m/s; vùng IV từ Phú Yên đến Khánh Hòa, nguy cơ bão cấp 14, 15, nguy cơ gió bão mạnh nhất 60-65 m/s; vùng V từ Ninh Thuận đến Cà Mau, nguy cơ bão cấp 12, 13, nguy cơ gió bão mạnh nhất 60-65 m/s.

Báo cáo nguy cơ ngập gây bởi nước dâng do siêu bão cho khu vực ven biển Bắc bộ của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho thấy, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tương lai, các cơn bão rất mạnh và các siêu bão có thể xuất hiện ở biển Đông. Với kịch bản bão cấp 12 xảy ra trong thời kỳ triều cường, nước dâng do bão đã gây nguy hiểm đến đê biển, mức độ nước vào sâu trong đê khoảng 2 km.
 
Trong trường hợp bão cấp 14 xảy ra trong thời kỳ triều cường, nước dâng do bão đã tràn qua nhiều đoạn đê và gây ngập lụt cho khu vực dân cư phía sau đê, mức độ nước vào sâu trong đê khoảng 6 km,...

Với kịch bản siêu bão có cường độ tương tự như siêu bão Haiyan (cấp 16) đổ bộ vào khu vực Hải Phòng trong thời kỳ triều cường, mực nước tổng cộng lớn nhất ở khu vực ven biển Hải Phòng vượt qua 5,3 mét, nước dâng do bão lan truyền sâu vào trong sông và gây ngập cho hầu như toàn bộ diện tích các quận nội thành và phần lớn diện tích các huyện khác. Nhiều vùng ngập sâu đến 2 m, đặc biệt một số vùng ngập sâu đến 4 m.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và đưa ra những giải pháp nhằm ứng phó kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại khi bão mạnh và siêu bão đổ bộ vào.

Theo Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, nhằm ứng phó với siêu bão, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn quốc gia theo dõi chặt chẽ, cung cấp và bổ sung các bản tin về diễn biến của bão, mưa, lũ phục vụ chỉ đạo và để nhân dân biết, chủ động phòng, tránh, trong đó tập trung vào cấp gió, phạm vi ảnh hưởng và nước dâng do bão.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo rà soát, kiểm tra và triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều, hồ đập thủy lợi, trong đó tập trung vào hướng dẫn nhân dân neo đậu đảm bảo an toàn cho ngư dân và tàu thuyền khi bão mạnh, siêu bão đổ bộ.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo hướng dẫn kiểm đếm và kêu gọi tàu thuyền hoạt động trên biển về nơi trú tránh; giúp nhân dân sơ tán đảm bảo an toàn; chuẩn bị lực lượng tổ chức cứu hộ, cứu nạn,...

Mặt khác, theo Tổng cục Thủy sản, khi nhận được tin bão xa, các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá phải thường xuyên theo dõi vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; kiểm tra lại chằng buộc, không để các vật có thể tự do dịch chuyển; hạ thấp trọng tâm tàu bằng cách đưa các vật nặng, cồng kềnh trên boong tàu xuống dưới hầm tàu.
 
Đặc biệt, trong trường hợp gặp bão, trong cabin lái, ngoài thuyền trưởng, ít nhất luôn luôn phải có từ 1-2 người có khả năng lái tàu cùng trực, trong hầm máy phải có ít nhất 2 người trực liên tục.

Trong mọi trường hợp không được lái hoặc để cho tàu trôi xuôi theo hướng gió vì bão sẽ cuốn tàu vào gần tâm bão hơn; phải liên lạc khẩn cấp với các tàu khác, đặc biệt là tàu cùng tổ, đội đang ở trong khu vực và với đài trực canh ven bờ để được ứng cứu khẩn cấp.

Bên cạnh đó, theo đại diện của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hai vấn đề hiện nay quan trọng nhất trong việc đối phó với bão mạnh và siêu bão là di dời và phòng tránh, đồng thời cần xác định những vùng trọng điểm ảnh hưởng khi siêu bão vào nhằm tạo điều kiện để cho các tỉnh, nhất là các tỉnh vùng trọng điểm về kinh tế biển có thể ứng phó kịp thời.

Bên cạnh đó, cần xây dựng bản đồ ngập lụt ứng phó với siêu bão tại các địa phương để tạo điều kiện cho các tỉnh có các biện pháp chủ động thực hiện.

Là một trong những tỉnh có nhiều công trình thủy điện, đồng thời thường chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão, đại diện lãnh đạo tỉnh Sơn La đề nghị, Ban chỉ đạo Trung ương cần chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm điều tiết các hồ thủy điện, quy trình xả lũ để tỉnh chủ động trong việc đối phó với thiên tai.
 
Đồng thời địa phương rất mong được Chính phủ quan tâm, tổ chức sửa chữa, bảo dưỡng các công trình còn chịu ảnh hưởng của cơn bão vừa qua nhằm đảm bảo giao thông trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở các nghiên cứu, báo cáo của Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các Bộ cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn các phương án đối phó với bão mạnh và siêu bão. Trong đó, cần khẩn trương đưa ra các công bố đầy đủ hơn và nâng cao năng lực dự báo.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu bản đồ ngập lụt cần được sớm ban hành và cập nhật thường xuyên để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ các địa phương xây dựng, bổ sung phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão. Đến tháng 5/2015, các địa phương phải có phương án bổ sung để ứng phó với bão mạnh và siêu bão./.

Theo ĐCSVN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh