Tái cơ cấu để tăng thu nhập

12:10, 01/10/2014

Thu nhập là tiêu chí có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để đạt và giữ vững mục tiêu xã nông thôn mới (NTM). Thế nhưng đến nay tại nhiều xã xây dựng NTM vẫn còn lắm khó khăn để đạt tiêu chí thu nhập một cách căn cơ và bền vững.


Kiên cố hóa giao thông- thủy lợi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp xã NTM hiệu quả hơn.

Thu nhập là tiêu chí có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để đạt và giữ vững mục tiêu xã nông thôn mới (NTM). Thế nhưng đến nay tại nhiều xã xây dựng NTM vẫn còn lắm khó khăn để đạt tiêu chí thu nhập một cách căn cơ và bền vững.

Trong chuyến về thăm và làm việc với tỉnh Vĩnh Long gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT- Cao Đức Phát đã gợi mở thêm nhiều vấn đề về tái cơ cấu (TCC) nông nghiệp của tỉnh, nhằm mang lại thu nhập cao cho người dân nông thôn.

Nhận thức rõ hơn về TCC

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát “Muốn tăng thu nhập cho người dân tại các xã NTM không có giải pháp nào tốt hơn là phải TCC trong sản xuất nông nghiệp”.

Tỉnh Vĩnh Long đã có đề án, có kế hoạch và thành lập BCĐ về TCC nông nghiệp và đề án, kế hoạch cũng được tỉnh triển khai đến cơ sở.

Theo đề án, kế hoạch của tỉnh, các địa phương có rất nhiều việc phải làm tới đây, nhưng Bộ trưởng lưu ý đối với tỉnh Vĩnh Long nên chọn một số sản phẩm chủ lực của tỉnh, xác định rõ phương hướng phát triển và những giải pháp đồng bộ để có cơ sở chỉ đạo, triển khai một cách hiệu quả.

Để TCC: Một là, điều chỉnh lại chính sách; hai là, điều chỉnh lại đầu tư (đầu tư công và khuyến khích đầu tư tư nhân); ba là, phát triển, nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật; bốn là, tổ chức lại sản xuất theo hướng khuyến khích liên kết theo chuỗi; năm là, đào tạo nguồn nhân lực và sáu là, tổ chức lại hệ thống quản lý của ngành. Trên cơ sở đó để các địa phương tham khảo và vận dụng thực hiện trên địa bàn.

Theo Bộ trưởng, TCC không có nghĩa là đi tìm ra và làm những việc hoàn toàn mới, mà trong đó phải hết sức chú ý đến việc điều chỉnh lại cây trồng, vật nuôi bám theo hướng những gì mà nước ta, tỉnh ta, địa phương ta có lợi thế thì tập trung làm cho nó tốt hơn nữa, để có hiệu quả hơn, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân và cho đất nước.

Thế thì chúng ta nên tìm lại thế mạnh cây gì tạo thu nhập cho nông dân 200 triệu, 500 triệu, 1 tỷ đồng/ ha thì hỗ trợ, hướng dẫn nông dân để phát triển những loại cây trồng như thế.

Giải pháp tăng lợi nhuận

Cần xác định cây lúa tiếp tục vẫn là cây trồng chính của tỉnh Vĩnh Long trong nhiều năm tới, nên chúng ta muốn tăng thu nhập cho nông dân vẫn phải suy nghĩ làm cho cây lúa có hiệu quả hơn. Vĩnh Long đã tận dụng diện tích tối đa, năng suất mức cao so với ĐBSCL và trong nước khoảng 7- 8 tấn/ ha/ vụ. Tuy nhiên, cần suy nghĩ để mở hướng tăng thêm lợi nhuận cho nông dân.

Bộ trưởng cho biết, ở tỉnh Thái Bình, vụ Đông Xuân vừa rồi có 90% diện tích trồng bằng giống lúa mới do Công ty Giống Thái Bình chọn lọc, năng suất cũng 7- 8 tấn, lúc có giá cao bán được 11.000 đ/kg, bình thường cũng 9.000- 10.000 đ/kg. Nếu tính bình quân 10.000 đ/kg, 1ha 1 vụ đạt 70- 80 triệu đồng (trừ chi phí 50%) thì có khoản lợi nhuận khá cao cho nông dân. Đặc điểm ở Thái Bình, bà con cấy, nên chỉ sử dụng 50- 60kg giống trồng/ ha.

Ở ĐBSCL và Vĩnh Long qua khảo sát của Cục Bảo vệ thực vật còn rất nhiều nông dân trồng giống lúa 50404- bán 5.700 đ/kg; giống chất lượng cao 5.900- 6.000 đ/kg; jasmine, đặc sản: 6.300 đ/kg. Nếu so với giống lúa mới ở Thái Bình sản xuất, khoảng cách về giá trị rất lớn.

Thứ hai là, ở ĐBSCL chi phí hoàn toàn có thể giảm xuống nữa, chính nông dân sử dụng trung bình từ 120- 180kg giống/ ha nên rất ngại đi mua giống kỹ thuật, giống xác nhận của các công ty, vì phải mua nhiều quá.

Nếu như mua 50kg cho 1ha thì nông dân còn có khả năng, mà mua đến 150kg thì tốn quá nhiều tiền! Việc ít sử dụng giống xác nhận nên nhiều nơi đồng lúa còn rất xấu, trong khi nhiều cánh đồng sản xuất giống xác nhận, trà lúa rất đẹp.

Điều đáng lưu ý, ở ĐBSCL cũng như Vĩnh Long bà con nông dân thường sử dụng cao hơn mức trung bình khoảng 30% các thứ như: giống, phân, thuốc, nước,…

Do vậy, trên thực tế, bà con nông dân chúng ta hoàn toàn có thể giảm chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận. Việc này các cơ quan chuyên môn của bộ cùng với tỉnh nên tính toán kỹ lại để có biện pháp kỹ thuật giúp cho bà con nông dân. Trong đó, nên chọn các giống lúa bán có giá cao, từ 5.000- 6.000 đ/kg, tiến lên từng bước tới 10.000 đ/kg.

Bởi trên thực tế hiện nay ta xuất khẩu gạo giá 9.000 đ/kg, nhưng nhiều người lại đang mua gạo ăn 15.000 đ/kg. Ước tính gần 90 triệu người Việt Nam ăn ít nhất 11- 12 triệu tấn/ năm, cho nên đừng quên thị trường trong nước. Còn thị trường quốc tế, các doanh nhân vẫn kêu thiếu gạo chất lượng tốt để xuất khẩu. Họ muốn đặt mua giá cao với số lượng nhiều thì không có địa phương, đơn vị nào đáp ứng được.

Thời gian qua, nhiều nơi nói đến Vĩnh Long là nói đến cây bưởi Năm Roi và Bến Tre là bưởi da xanh. Bưởi này ra đến thị trường Hà Nội có giá 100.000 đ/trái. Hiện nay, đi đâu người ta cũng thường dùng bưởi để đãi khách. Điều này cho thấy thị trường nội địa rất lớn. Và trên thị trường quốc tế, người tiêu dùng cũng rất cần, bởi bưởi của chúng ta rất ngon.


Nâng chất lượng để có lợi nhuận cao cho người dân nông thôn từ cây lúa còn phải thực hiện trong nhiều năm nữa.

Vấn đề nữa trong TCC trên lĩnh vực chăn nuôi, tiềm năng còn rất lớn. Cũng giống như cây lúa, nếu nhìn sâu hơn chúng ta còn rất nhiều điều kiện để phát triển. Có khả năng cải thiện về năng suất, chất lượng, giá cả.
 
Chăn nuôi cũng giống như trồng trọt, về cơ bản đã bảo hòa. Muốn phát triển mạnh hơn nữa thì phải xuất khẩu. Để phát triển tốt ngành chăn nuôi thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ chỉ đạo hình thành một số vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu trước, dần sẽ mở rộng ra nhiều tỉnh.

Hy vọng việc TCC của tỉnh, một ngày nào đó Vĩnh Long cùng tham gia vào vùng “An toàn dịch bệnh” để phát triển mạnh ngành chăn nuôi.

Bộ trưởng nói: “Ở Thái Lan cũng có dịch cúm, thế nhưng mỗi năm nước này vẫn xuất khẩu 4 tỷ USD thịt gà, bởi họ khoanh vùng, thực hiện các giải pháp, họ mời Tổ chức Y tế thế giới đến kiểm tra công nhận là những cơ sở này là vùng an toàn không có dịch bệnh. Ở Vĩnh Long, con cá tra có “lủng củng” nhưng cần tập trung vào làm vì đây vẫn là một trong những thế mạnh của tỉnh.

Tóm lại, TCC không chỉ chọn cây nọ, con kia mà phải làm thật tốt hơn nữa những cây, con mà địa phương đã làm nhiều năm có kinh nghiệm, có thị trường, có thế mạnh, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Mục tiêu cuối cùng là tăng thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng đạt nhiều xã NTM chứ không phải câu chuyện TCC là làm cái gì?- Bộ trưởng khẳng định.

Một trong những mục tiêu TCC ngành là đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và phát triển bền vững môi trường nông thôn; tập trung triển khai thực hiện quy hoạch và đề án xây dựng NTM. Lựa chọn cây trồng, vật nuôi hàng hóa có lợi thế để tập trung hỗ trợ nông dân thực hiện.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh