Bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc

09:10, 14/10/2014

Qua 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969- 2014), Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long đã cụ thể hóa qua 2 phong trào nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới. Nhân kỷ niệm 84 năm ngày Thànhlập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930- 14/10/2014) và hội nghị tuyên dương điển hình

Qua 45 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969- 2014), Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long đã cụ thể hóa qua 2 phong trào nông dân thi đua sản xuất- kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới. Nhân kỷ niệm 84 năm ngày Thànhlập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930- 14/10/2014) và hội nghị tuyên dương điển hình Nông dân xuất sắc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông Trần Văn Trạch- Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Vĩnh Long.


* Thưa ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nông dân ta luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta. Trong cách mạng cũng như trong kháng chiến, nông dân ta ra sức góp của, góp người, chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ. Qua 45 năm thực hiện Di chúc của Người về “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”; ông có thể đánh giá đời sống nông dân đến nay có những thay đổi như thế nào?

- Giai cấp nông dân Việt Nam nói chung, nông dân tỉnh Vĩnh Long nói riêng có vị trí, vai trò và bề dày truyền thống đóng góp to lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và trong văn kiện Đại hội XI của Đảng đều nhấn mạnh: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; nông dân là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng- an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái…

Xuất phát từ ý nghĩa đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh luôn xác định nông dân là chủ thể của quá trình phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà. Do đó, có nhiều chủ trương đầu tư chăm lo cải thiện nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Kết quả đến nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân nông thôn đạt 21,6 triệu đồng/người/năm, cao gấp 1,6 lần so năm 2010; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 45%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,89% (cuối năm 2013); hộ gia đình văn hóa đạt 89%; người dân sử dụng điện chiếm 99,3%; cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng và nâng cấp, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo, đường lối đổi mới của Đảng.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận đời sống dân cư nông thôn gặp khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo tuy có giảm nhưng vẫn còn khá cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đào tạo nghề chưa gắn với việc làm; cơ sở hạ tầng nông thôn tuy được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, do thiếu nguồn lực đầu tư từ ngân sách, chưa xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn cũng như sự đóng góp của người dân chưa thật sự tự giác.

* Trong thời gian tới, Hội Nông dân sẽ làm gì để tiếp tục thay đổi bộ mặt nông thôn, rút ngắn khoảng cách nông thôn và thành thị?

- Để góp phần tiếp tục thay đổi bộ mặt nông thôn, rút ngắn khoảng cách nông thôn và thành thị, Hội Nông dân sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân nắm vững, thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nâng cao kiến thức cho nông dân về kinh tế, văn hóa, xã hội. Trọng tâm là phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp; tư vấn dạy nghề và giới thiệu việc làm tăng thu nhập, giảm nghèo.

Phát huy nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và thi đua xây dựng nông thôn mới. Trong đó, hội sẽ quan tâm, hướng dẫn và làm đầu mối giúp nông dân tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, tăng năng suất, chất lượng nông sản.

Đầu tư hỗ trợ hội viên nông dân từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh và nguồn quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác cho Hội Nông dân tỉnh, xây dựng các mô hình tổ hợp tác, mở rộng quy mô sản xuất, phát huy mọi tiềm năng đất đai và lao động một cách có hiệu quả.

Tiếp tục lãnh đạo giai cấp nông dân tỉnh nhà phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, tích cực tham gia phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đóng góp tích cực các chương trình an sinh xã hội, chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.

THỤY VŨ (thực hiện)

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh