Phòng cháy hơn chữa cháy

07:10, 04/10/2014

Hiện Vĩnh Long có nhiều công trình, tổ hợp văn phòng, nhà chung cư cao tầng đều được thiết kế, trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhưng trên thực tế nguy cơ hỏa hoạn tại những nơi này vẫn luôn tiềm ẩn.


Ở những khu chung cư cao tầng nên bố trí hệ thống báo cháy, chữa cháy hợp lý đề phòng hỏa hoạn.

Hiện Vĩnh Long có nhiều công trình, tổ hợp văn phòng, nhà chung cư cao tầng đều được thiết kế, trang bị các phương tiện phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhưng trên thực tế nguy cơ hỏa hoạn tại những nơi này vẫn luôn tiềm ẩn.

Bên cạnh đó là nhiều khu đông dân cư cũ kỹ, chật hẹp, nếu không may xảy ra cháy thì việc đưa các phương tiện chữa cháy tiếp cận hiện trường sẽ vô cùng nan giải. Ý thức điều này, nhiều cơ quan, doanh nghiệp và địa bàn đã xây dựng lực lượng chữa cháy tại chỗ góp phần phát huy vai trò của toàn dân trong công tác PCCC.

Hẻm nhỏ dễ cháy to

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ- Công an tỉnh Vĩnh Long thì các vụ cháy thường xảy ra trong khu dân cư, trong đó, 70% nguyên nhân là do chập điện. Tuy nhiên, khi xảy ra cháy thì lực lượng chữa cháy cũng không dễ tiếp cận hiện trường do lối đi chật hẹp.

Ông Lê Thành Ngọc- Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố Khóm 2 (Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết, bà con ở đây đều là dân lao động nghèo, cuộc sống khá chật vật nên hầu như không mấy ai quan tâm đến việc đầu tư phương tiện phòng chống cháy nổ.
 

“Một bình chữa máy mini cũng chưa chắc đã “vừa túi tiền” dân lao động với khoảng thu nhập chỉ vài chục ngàn một ngày nên đa số bà con đành chấp nhận sống với nguy cơ cháy nổ luôn rình rập”- ông Ngọc nói.

Mấy chục năm sống trong căn hẻm chật hẹp ở đường Lò Rèn (Phường 4), bà Nguyễn Thị Thu Hương (nhà số 15/39) hàng ngày vẫn đun nấu bằng bếp than, trong khi căn nhà chỉ có vài chục mét vuông, được chắp vá bằng nhiều loại vật liệu dễ cháy như gỗ, tấm nhựa…
 
Bà Hương cho biết: “Ba mẹ con tui đều đi làm thuê ca đêm đến tận 8- 9 giờ sáng hôm sau mới về, sau đó nghỉ ngơi được chốc lát lại đi tiếp nên nhà đóng cửa suốt. Nếu “có gì” thì coi như… bó tay”.

Hiện địa bàn Khóm 2 chỉ vỏn vẹn có 2 bình chữa cháy, chủ yếu dùng để sử dụng phòng cháy cho chợ. Nhưng cũng thật khó để dập tắt đám cháy lớn chỉ với bấy nhiêu phương tiện.

Điển hình là vụ cháy căn nhà số 13/42/2 của bà Bùi Thị Tắc vào năm 2012, rất may là không thiệt hại về người. Theo ông Trần Minh Điền- Trưởng Khóm 2, thời điểm đó chủ nhà đã khóa cửa, người dân phát hiện khói bốc lên từ căn nhà nên xúm nhau dùng thau, chậu… bưng nước dập lửa, nhờ vậy nên đám cháy được dập tắt kịp thời, nếu không đã cháy lan qua các nhà xung quanh thì hậu quả khôn lường.

Theo Thiếu tá Huỳnh Văn Phúc- Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, một số phường nội ô TP Vĩnh Long có địa thế hẹp, lối đi ngoằn ngoèo nên nếu xảy ra hỏa hoạn thì lực lượng chữa cháy tại chỗ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bằng những thiết bị được trang bị sẵn, lực lượng này sẽ tổ chức khống chế đám cháy, sơ tán người dân trước khi lực lương chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường.

Phòng cháy khu chung cư

Theo ông Quách Thành Khiêm- Giám đốc Trung tâm Quản lý và phát triển nhà ở thuộc Sở Xây dựng Vĩnh Long thì đơn vị đang quản lý 4 khu chung cư tại Phường 4 và Phường 8 (TP Vĩnh Long).


Hệ thống điện bị rỉ sét dẫn đến nguy cơ chập mạch gây cháy nổ rất cao.

Đây là những khu chung cư đã được đưa vào sử dụng khá lâu nên cơ sở vật chất cũ kỹ. Cụ thể, mỗi khu chung cư đều có trên 45 hộ đang sinh sống nên vấn đề phòng chống cháy nổ rất được quan tâm. Mỗi khu chung cư đều có đội PCCC tại chỗ.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng- cán bộ kỹ thuật trung tâm này cho biết, hàng năm, đều tổ chức tập huấn cho đội PCCC, thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở người dân. Ở mỗi khu chung cư đều bố trí sơ đồ thoát hiểm, đèn chiếu sáng sự cố để người dân nhanh chóng thoát thân khi xảy ra hỏa hoạn.

Theo ông Huỳnh Văn Quế- Bảo vệ chung cư lô 7 (Phường 4) thì khu này có 52 hộ và tất cả đều có bình chữa cháy, có đội PCCC tại chỗ gồm 11 thành viên. “Hầu hết những gia đình này đều làm việc trong cơ quan nhà nước, thường xuyên được tập huấn PCCC”- ông Quế cho biết.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Suộng- Đội phó Đội Tham mưu- Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ tỉnh, để đảm bảo an toàn cháy nổ trong khu chung cư cao tầng thì phải đáp ứng các điều kiện về lối thoát hiểm, hệ thống báo cháy phải hoạt động tốt và hệ thống PCCC phải đáp ứng cứu chữa kịp thời.

Ngoài ra, yếu tố con người cũng hết sức quan trọng, lực lượng chữa cháy tại chỗ phải biết xử lý tình huống.
 
Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ sở phải nắm vững kiến thức PCCC và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc điều kiện an toàn PCCC như: kết cấu, kiến trúc, bậc chịu lửa công trình, khoảng cách an toàn các giải pháp ngăn cháy lan, ngăn khói, thông gió hút khói, các giải pháp thoát nạn, hệ thống báo cháy chữa cháy tự động... từ khâu thiết kế, xây dựng và trong quá trình đưa vào xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
 
Ban hành nội quy, quy định về PCCC, niêm yết đầy đủ biển báo, biển cấm, sơ đồ biển chỉ dẫn thoát nạn, PCCC phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của tòa nhà. Tuyên truyền phổ biến, đôn đốc và giám sát nghiêm ngặt việc thực hiện các nội quy, quy định về PCCC, hướng dẫn kỹ năng chữa cháy và thoát nạn cơ bản cho những người thường xuyên làm việc và sinh sống tại tòa nhà.

Bài, ảnh: TRẦN ÚT- NGUYỄN THỊNH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh