“Nêu gương sáng” người cao tuổi (NCT) trong xây dựng con người, tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, các cụ đã không quản ngại khó khăn, chăm lo con cháu ăn học đến nơi đến chốn và tiếp sức cho học trò nghèo vượt khó đến trường. Đó là những tấm gương ngời sáng ươm mầm cho những ước mơ xanh.
“Nêu gương sáng” người cao tuổi (NCT) trong xây dựng con người, tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, các cụ đã không quản ngại khó khăn, chăm lo con cháu ăn học đến nơi đến chốn và tiếp sức cho học trò nghèo vượt khó đến trường. Đó là những tấm gương ngời sáng ươm mầm cho những ước mơ xanh.
Ông Phan Thành Đắt (trái) là một trong những tấm gương điển hình vượt khó, thoát nghèo, nuôi con ăn học.
Vượt khó, thoát nghèo, nuôi con ăn học
Sinh ra và lớn lên trong thời chiến, điều kiện đi học khó khăn, trình độ chỉ dừng lại ở lớp 3 trường làng, nhưng ông Phan Thành Đắt (75 tuổi, ngụ Ấp 8, xã Hòa Hiệp- Tam Bình) đã quyết tâm và bươn chải để lo cho con học hành đến nơi đến chốn.
Nhớ lại, lúc ra riêng, vợ chồng ông được hưởng phần đất hương quả. Tuy nhiên, ruộng còn hoang hóa, đất đai trầm thủy nên mỗi năm chỉ một vụ lúa mùa, năm nào trúng lắm thì thu được 8- 10 giạ/công, có năm thất trắng.
Khi 8 đứa con lần lượt ra đời, kinh tế gia đình càng khó khăn hơn. Chuyện lo cho con có cái ăn, cái mặc, thuốc men đau bệnh cũng đủ làm vợ chồng ông... hụt hơi, huống chi là chuyện học hành, nhưng vì “sợ các con sẽ khổ như cha mẹ, thậm chí sẽ tệ hơn thế vì đất chật người đông”, nên ông quyết tâm cải tạo lại thửa ruộng và là người đầu tiên trong ấp làm lúa 3 vụ.
Sau đó, ông chuyển dần một nửa diện tích đất ruộng lên vườn trồng kiểng xen cây ăn trái và tận dụng mặt nước ao nuôi cá. Lúc nông nhàn thì “ai thuê gì làm đó”. Vợ ông thì hết mua gánh, bán bưng lại lo chăn nuôi, cấy lúa mướn...
Không phụ lòng ông bà, các con ông lần lượt thi đỗ vào các trường trung cấp, đại học. Lúc này, các khoản chi tiêu trong gia đình càng lớn và áp lực hơn.
“Thật lòng mà nói, đến thứ bảy là trông con về, nhưng đến chiều chủ nhật thì lòng lại rất lo vì không có tiền cho con đi học. Tôi phải chạy vạy đi mượn đủ chỗ, có khi phải cầm cố đất đai để trang trải cho con ăn học”- ông tâm sự. Khó khăn là thế, nhưng “không dám than, vì sợ làm ảnh hưởng đến việc học của con”.
Trong bao bộn bề, lo toan, tưởng như không vượt qua nỗi thì niềm đam mê cây kiểng đã giúp gia đình ông “gỡ khó”. Nhờ yêu kiểng và “mát tay” sửa kiểng, ông “rinh” về nhiều giải thưởng lớn, nhỏ trong các cuộc thi và trở thành nghệ nhân tiêu biểu của tỉnh được Trung ương Hội biểu dương là NCT làm kinh tế giỏi toàn quốc.
Ông kể, thời đó, giá lúa chỉ 25.000 đ/giạ, nhưng tiền trường đến 5 triệu đồng/năm. Nếu không “trúng giá” kiểng thì không thể lo cho các con đến nơi đến chốn được. Giờ đây, các con ông đều đã thành đạt, có cơ ngơi ổn định và thu nhập tương đối cao. Đối với ông, không gì hạnh phúc hơn vì đã “thực hiện được ước mơ ngày nào”.
Nâng bước học trò nghèo đến trường
Hơn 30 năm công tác ở ngành giáo dục, đến tuổi về hưu, bà Nguyễn Kim Quý- Ủy viên BCH Hội NCT Phường 1 (TP Vĩnh Long) lại tiếp tục gắn bó và xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài địa phương.
Cách nay 5 năm, Hội NCT Phường 1 chỉ có trên 100 hội viên, đến nay, đã thu hút gần 4.000 hội viên; trong đó, có gần 600 hội viên là NCT tham gia công tác khuyến học, khuyến tài. Bà tâm niệm “con đường ngắn nhất để thoát nghèo, chính là học vấn”.
Chính vì thế, bà luôn động viên các cháu “dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục học”. Cùng với đó, bà còn hỗ trợ kịp thời cho những hoàn cảnh khó khăn, để các cháu an tâm đến trường và không phải bỏ học giữa chừng.
Bà Nguyễn Kim Quý (bìa trái) cùng đoàn thể địa phương đến thăm, động viên gia đình em Đặng Lâm Duy Toàn.
Nhờ vậy mà những bà mẹ đơn thân, như bà Mai Thị Gếch (61 tuổi, ngụ khóm Hưng Đạo Vương), mỗi ngày đi giặt đồ mướn, nhưng vẫn cố gắng lo cho 3 đứa con gái lần lượt vào đại học; bà Châu Minh Sách (56 tuổi, ngụ khóm Nguyễn Thái Học), bị tật ở chân nhưng vẫn làm mướn lo cho con trai vào đại học;
hay trường hợp của anh em Đặng Lâm Duy Toàn và Đặng Lâm Duy Tùng (ngụ khóm Hùng Vương), sức khỏe suy yếu do mắc nhiều chứng bệnh, mẹ bỏ đi, cha chạy xe ôm, còn bà nội thì bị tai biến, tuy khó khăn nhưng năm nào các em cũng là học sinh giỏi.
“Tui từ ngành giáo ra, nên thấy các cháu hiếu học thì thương lắm!”- bà Quý tâm sự. Chính vì vậy, cùng với việc quan tâm xét cấp học bổng và ưu tiên các nguồn hỗ trợ để tiếp sức cho các cháu đến trường, gia đình các cháu còn nhận được từ 10- 20kg gạo/tháng thông qua Hội Chữ thập đỏ.
Bà Nguyễn Kim Lâm- Chủ tịch Hội NCT TP Vĩnh Long cho biết: Với thuận lợi là các thành viên trong BCH Hội NCT từ thành phố đến cơ sở cũng là thành viên BCH Hội Khuyến học thành phố hoặc chủ tịch hội khuyến học các xã- phường, nên có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, vận động.
Từ việc trực tiếp tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, các cụ còn vận động, quyên góp bằng nhiều hình thức để xây dựng quỹ. Qua đó, đã góp phần đẩy mạnh phong trào xã hội học tập, gia đình hiếu học, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Năm 2010- 2014, toàn tỉnh có gần 14.600 NCT tham gia công tác khuyến học. Các cụ đã vận động 19.000 suất học bổng, trị giá hơn 21,4 tỷ đồng giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo vượt khó. Ngoài ra, các cụ còn vận động nhân dân hiến trên 3.500m2 đất xây trường học, lớp học tình thương; nhiều hộ NCT còn phấn đấu học tập không ngừng, con cháu đều học hành đỗ đạt cao và được phong danh hiệu “Gia đình hiếu học”. |
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin